Trình Quốc hội Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Thứ sáu, 03/11/2017 15:59
(ĐCSVN) - Sáng 3/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Theo Quy hoạch đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam dài khoảng 2.109 km từ cửa khẩu Hữu Nghị đến thành phố Cà Mau.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình sáng 3/11.

Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT gồm các đoạn: Ninh Bình - Hà Tĩnh, Khánh Hòa - Đồng Nai. Đối với các đoạn đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sách Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.

Đường cao tốc Bắc - Nam có quy mô 4 - 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 làn xe.

Chi phí sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, theo mặt bằng giá quý II năm 2017, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng; bao gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng; 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP; 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công. Nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng; bao gồm vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào kinh doanh khai thác (khoảng 1.500 đồng/xe con tiêu chuẩn/km).

Báo cáo thẩm tra dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 04 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về quy mô đầu tư, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, sẽ có 08 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Trước đó, trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với với việc hỗ trợ chi phí cho con chưa thành niên đi cùng thành viên cơ quan đại diện cũng như chi phí bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi học tiểu học được đảm bảo, học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Trong khi đó số lượng trẻ em đi theo cha, mẹ làm ở cơ quan đại diện cũng không nhiều cho nên việc hỗ trợ 100% học phí là hợp lý, và cũng không gây tác động lớn.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), phụ cấp người đi công tác tại cơ quan đại diện so với thu nhập bình quân trong nước có thể cao nhưng để tiêu ở nước sở tại chưa chắc đã bằng trợ cấp thất nghiệp ở nước đó. Do đó, cần có nhận thức rằng đưa anh em đi làm thì cần tạo vị thế tương đối phù hợp nước sở tại.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nói: “Cần đưa quy định hỗ trợ vào trong Luật Cơ quan đại diện ở nước ngoài  bởi nếu không quy định thì Nghị định cũng sẽ không có cơ sở để quy định chi tiết, và Chính phủ không có cơ sở thực hiện. Hiện nay trẻ em mầm non trong nước được miễn nhiều khoản và nếu chỉ hỗ trợ một phần cho người nhà của thành viên cơ quan đại diện sẽ vẫn là khó khăn do điều kiện sinh hoạt ở nước đó khác nước ta. Vì vậy dự luật cũng cần thiết đưa ra một số chính sách cụ thể để quan tâm hơn với con của các thành viên trong cơ quan đại diện”./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực