Tuyên bố chung Việt Nam - Chi-lê

Thứ năm, 09/11/2017 18:31
(ĐCSVN) - Trưa 9/11, tại Phủ Chủ tịch, sau lễ đón chính thức và hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Michelle Bachelet Jeria (Mi-chên Ba-chê-lê Hê-ri-a) đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chi-lê. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Chi-lê Michelle Bachelet Jeria.

1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Michelle Bachelet Jeria đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8-9 tháng 11 năm 2017.

2. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Michelle Bachelet Jeria cùng Đoàn đại biểu hai nước đã có cuộc hội đàm xây dựng, sâu rộng về quan hệ song phương và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Tổng thống Michelle Bachelet Jeria cũng có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

3. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Michelle Bachelet Jeria khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác toàn diện đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập vào tháng 5 năm 2007; nhất trí đánh giá quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Chi-lê đang ở mức độ phát triển tốt đẹp; tái khẳng định ý chí của hai bên trong việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của nhân dân hai nước. Theo đó, hai Nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm Cấp cao hai nước cũng như các hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2016.

4. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục làm sâu sắc đối thoại chính trị giữa Việt Nam và Chi-lê, đặc biệt thông qua cơ chế Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, trong đó Phiên họp gần đây nhất được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2016.

5. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi các đoàn Quốc hội giữa Việt Nam và Chi-lê cũng như các cuộc gặp song phương bên lề Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới và Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương nhằm góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân hai nước. Nhân dịp này, Tổng thống Chi-lê chúc mừng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương và chúc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn vào năm 2018.

6. Lãnh đạo hai nước nhất trí tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác song phương trên cơ sở các tiềm năng và tính bổ trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và Chi-lê, nhất là về giáo dục và đào tạo đại học, thương mại và đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, ứng phó với thiên tai, cũng như các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm.

7. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá Thỏa thuận về hợp tác đạt được trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi “chất độc da cam” là sự khởi đầu quan trọng nhằm phát triển nghiên cứu để giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học này, vốn di truyền qua các thế hệ cũng như cảnh báo thảm họa do chất độc này gây ra cho nhân loại.

8. Về quan hệ kinh tế - thương mại, hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao các kết quả đạt được kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi-lê được ký tháng 11 năm 2011 và có hiệu lực ngày 1/1/2014; tin tưởng rằng văn kiện này là một trong những khuôn khổ pháp lý quan trọng thúc đẩy thương mại - đầu tư và tăng cường trao đổi hợp tác giữa hai nước. 

9. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ tin tưởng sự gia tăng trao đổi du lịch sẽ góp phần thúc đẩy hiểu biết và kết nối giữa hai nước, trong đó Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua, góp phần tích cực vào tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của mỗi nước.

10. Hai Bên nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các lĩnh vực cùng quan tâm tại các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương mà Việt Nam và Chi-lê là thành viên, như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC) trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia.

11. Lãnh đạo hai nước chia sẻ tầm nhìn chung trước các thách thức toàn cầu hiện nay, như xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng tái tạo, bảo vệ các đại dương, nguồn nước và an ninh lương thực; khẳng định cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước đều là thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018.

12. Về các vấn đề khu vực, Tổng thống Michelle Bachelet Jeria cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự ủng hộ của Việt Nam trong việc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt đồng thuận để Chi-lê tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tổ chức tại Vientian, Lào vào tháng 9 năm 2016. Tổng thống Chi-lê cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Việt Nam trở thành nước Quan sát viên của Liên minh Thái Bình Dương; đồng thời, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, xây dựng một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

13. Trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế thế giới, hai nhà Lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết cùng hợp tác nhằm thúc đẩy một hệ thống thương mại thế giới rộng mở, dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm. Việc hai bên, cùng các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy tiến trình TPP trong tình hình mới, hướng tới việc sớm hiện thực hóa TPP sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương, mở rộng không gian hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực.  

14. Nhấn mạnh về Năm APEC 2017 tại Việt Nam, Tổng thống Chi-lê chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự chuẩn bị chu đáo cho các cuộc họp, tiếp xúc cả về mặt nội dung cũng như về lễ tân, hậu cần, đặc biệt là việc tổ chức Tuần lễ Cấp cao của các nhà Lãnh đạo trong các ngày 10 và 11 tháng 11 tại Đà Nẵng; bày tỏ tin tưởng Hội nghị Cấp cao này sẽ đem lại những kết quả tích cực.

15. Thay mặt Đoàn Chi-lê và nhân danh cá nhân, Tổng thống Michelle Bachelet Jeria cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự đón tiếp nồng nhiệt và hiếu khách của Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn.

16. Tổng thống Cộng hòa Michelle Bachelet Jeria trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Chi-lê; thời điểm chuyến thăm sẽ được thống nhất qua kênh ngoại giao.

Tuyên bố chung được ký tại Thành phố Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 2017, với hai bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, cả hai bản có giá trị như nhau./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực