Tỷ lệ điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%

Thứ hai, 06/11/2017 11:23
(ĐCSVN) – Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, năm 2017 công tác phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, chất lượng công tác điều tra xử lý tội phạm nâng lên rõ rệt, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội là 83%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%.

Đánh giá về tình hình phòng chống tội phạm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân với nòng cốt của lực lượng công an, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế đáng kể.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo về tình hình phòng, chống tội phạm tại hội trường sáng nay (6/11). Ảnh: chinhphu.vn

Cụ thể, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã khởi tố điều tra 40.497 vụ, 58.983 bị can, giảm 5,48% số vụ và giảm 8,08% số bị can so với năm 2016. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng đã phát hiện khởi tố điều tra 854 vụ với hơn 1.400 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ít hơn 33,4% số vụ và 26,37% số bị can so với năm 2016; 220 vụ với 479 bị can về tội tham nhũng, nhiều hơn 20,88% số vụ và 28,07% số bị can so với năm 2016; 22 vụ, 103 bị can phạm tội về chức vụ, ít hơn 8,33% số vụ nhưng nhiều hơn 66,13% số bị can so với năm 2016. Trong đó, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảy ra trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu dự án….

Tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm về môi trường đã khởi tố điều tra 348 vụ với 409 bị can, nhiều hơn 19% số vụ và 20% số bị can so với năm 2016, nổi lên là các vi phạm trong quản lý xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp, vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, mua bán tài nguyên khoáng sản trái phép…

Tội phạm công nghệ cao khởi tố điều tra 197 vụ, 359 bị can, ít hơn 9,22% số vụ và 27,8% số bị can so với năm 2016. Trong đó, thủ đoạn chủ yếu là trộm cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ hoặc sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức huy động vốn trái phép, bán hàng đa cấp…Tội phạm về ma tuy đã khởi tố 16.923 vụ, 20.791 bị can, nhiều hơn 10,13% số vụ và 8,47% số bị can so với năm 2016. Đặc biệt, cơ quan điều tra đã phát hiện một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nước.

Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã giải quyết 100.986/113.515 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đạt 88,96%. Quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chặt chẽ hơn. Chất lượng công tác điều tra xử lý tội phạm nâng lên rõ rệt, đã triệt phá 3.736 băng nhóm tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội là 83%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%; bắt, vận động đầu thú, thanh lọc 7.916 đối tượng truy nã, hiện còn 11.719 đối tượng truy nã, giảm 3,81% so với năm 2016, đạt mục tiêu đề ra.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến trên các lĩnh vực và địa bàn, nhất là vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm về các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, vi phạm về phòng chống cháy nổ, vi phạm trên các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, thuế, chứng khoán, tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm…

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, diễn biến tội phạm phức tạp bắt nguồn từ tình hình kinh tế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; tác động tiêu cực từ mạng xã hội với xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về phòng chống các loại tội phạm còn bất cập, công tác quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở. Cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa thực sự phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm; công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi phạm tội tại địa phương còn hạn chế. Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên; năng lực, đạo đức nghề, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, trang bị phương tiện của một số đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đạt yêu cầu…Đáng chú ý, sự gắn kết đan xen giữa tội phạm hình sự với tội phạm kinh tế và ma túy; tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp…ngày càng tinh vi gây khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng công an.

Nhận định tình hình tội phạm sẽ còn nhiều phức tạp trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an nói riêng và các lực lượng liên quan nói chung cần xác định rõ trách nhiệm từng cấp từng ngành gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Phân tích tình hình trong và ngoài nước, kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đổi mới giáo dục pháp luật; thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập, thiếu sót, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về kinh tế xã hội, an ninh trật tự. Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh trấn áp tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng tránh tội phạm, vi phạm pháp luật…/.

Nhóm phóng viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực