Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 50

Thứ hai, 11/07/2016 14:35
(ĐCSVN) - Trong sự cố môi trường biển miền Trung, Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục triệt để.

Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN). 

Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 50. 

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nếu không có gì thay đổi thì đây là phiên họp cuối cùng của UBTVQH khóa XIII để chuẩn bị những công việc cần thiết cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ được khai mạc vào ngày 20/7.

Phiên họp thứ 50 của UBTVQH dự kiến sẽ cho ý kiến các nội dung: Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Đà Nẵng; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017; Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017, dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV....

Rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Ngay sau khai mạc, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi và phát triển, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,52%, trong đó tốc độ tăng trưởng Quí II cao hơn Quý I. Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới cùng với số vốn đăng ký tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng cao. Lạm phát được kiểm soát; lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tín dụng đối với nền kinh tế tăng; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá tăng trưởng GDP và sản xuất ngành nông nghiệp giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu không đạt kế hoạch và tốc độ tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm trước. Nhập khẩu thiết bị máy móc có xu hướng giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng ta chưa phát huy được tiềm năng xuất khẩu khi đã hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt chưa phát huy được lợi thế khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN...

Nhận định những khó khăn trong những tháng tới, Chính phủ dự báo tăng trưởng năm 2016 của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7%; lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016, GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước, để đạt mức tăng trưởng này, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực dồn lên CPI trong 6 tháng cuối năm, nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão; do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết Quốc hội.

Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng bày tỏ việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% là rất khó khăn. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Chính phủ cần đề cập sâu, cụ thể hơn nữa về nguyên nhân, dự báo tình hình. Ông ví “cũng như người lính biết địch, biết ta thì trăm trận trăm thắng, chúng ta phải biết rõ tình hình”.  Cũng theo ông, Chính phủ đã rất cố gắng nhưng cần phải thể hiện thành kết quả cụ thể.

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: “Chính phủ kiên trì mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng phải nói rõ giải pháp là gì?”.

Làm rõ nguyên nhân chủ quan trong sự cố môi trường biển

Ngoài các chỉ tiêu về kinh tế, một trong những vấn đề được Chính phủ đề cập là sự cố môi trường biển miền Trung. “Sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo lại được. Đây là vấn đề nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở có nhiều khả năng ô nhiễm” – báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân.

Thảo luận tại Phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đã đề nghị, cần có giải pháp phục hồi môi trường bị ô nhiễm, hỗ trợ kịp thời và giám sát để doanh nghiệp, người dân khôi phục đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ thuỷ sản, hải sản, chuyển đổi nghề nghiệp ở các tỉnh miền Trung và hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố hải sản chết bất thường.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Chính phủ cho biết trong khi kiểm tra Formosa, ngoài ô nhiễm môi trường còn phát hiện các vấn đề khác như: vấn đề quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài tại đây?

Trong khi đó, đánh giá cao tiềm năng du lịch của 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ hoàn toàn không có giải pháp nào về việc khắc phục du lịch như thế nào cho các tỉnh bị ảnh hưởng.

Đánh giá Chính phủ đã rất quyết liệt trong xử lý vụ việc này, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Chính phủ phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục triệt để. Bởi theo phản ánh, đây là dự án được phê duyệt rất nhanh, yêu sách cũng được đáp ứng nhanh, rồi thảm họa xảy ra cũng rất nhanh khi dự án mới ở giai đoạn thử nghiệm. Ông cho rằng, cũng nên nhìn lại việc cấp phép 70 năm với diện tích lớn trên địa bàn rất nhạy cảm như vậy.

Từ sự cố này, đồng tình với Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, quản lý, kiểm soát chặt chẽ môi trường sông, biển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc xử lý chất thải tại các dự án đầu tư lớn đang triển khai, hoạt động. Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn về môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, việc giải quyết bước đầu là tốt nhưng sâu xa còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Đó là bao giờ chúng ta khắc phục được, để bao giờ nghề cá, du lịch khắc phục được tiếp tục? Vấn đề giải ngân thế nào? “Nếu không có những lường trước thì sẽ diễn biến hết sức phức tạp bởi không chỉ là về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng, an ninh” – Phó Chủ tịch Quốc hội lo lắng.

Giải đáp tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua công tác kiểm tra tại Formosa thì đã phát hiện 53 hành vi vi phạm về hành chính, trong đó có cả thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, giai đoạn thử nghiệm... Trong 53 hành vi đó có hành vi nghiêm trọng là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ khô sang ướt. “Họ đã thừa nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm hậu quả, Chính phủ đang kiểm tra, giám sát việc thực hiện” – Bộ trưởng cho biết.

Về việc sử dụng lao động nước ngoài tại Formosa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều đoàn cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép cho lao động tại đây. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 70% lao động của Formosa được cấp phép. Việc cấp giấy phép được thực hiện đúng quy định./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực