Vấn đề xây dựng trái phép làm nóng kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng

Thứ tư, 06/12/2017 23:22
(ĐCSVN) – Chiều 6/12, Kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố Đà Nẵng, khóa IX bước vào phiên chất vấn. Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng trả lời chất vấn tại Kỳ họp

Câu hỏi đầu tiên của đại biểu dành cho Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng liên quan đến tình trạng lách luật, sai phạm sau cấp phép xây dựng, các vi phạm chưa được xử lý nghiêm khiến các chủ đầu tư nhờn luật của đại biểu Nguyễn Kim Dũng (tổ đại biểu huyện Hòa Vang).

Theo đại biểu Nguyễn Kim Dũng, tình trạng các chủ đầu tư lách luật, sai phạm sau cấp phép xây dựng xảy ra nhiều thời gian qua. Qua kiểm tra thực tế tại các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP đều phát hiện sai phạm so với hồ sơ thiết kế. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, còn tình trạng phạt cho tồn tại. Sở Xây dựng có giải pháp gì để tham mưu chấm dứt tình trạng này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết, công tác kiểm tra xử lý đã được tăng cường mạnh mẽ thời gian qua. Sở đã kết hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, phát hiện. Trong đó, riêng 11 tháng đầu năm nay, tổng số công trình vi phạm bị xử lý  là 574 trường hợp, phạt hơn 5 tỉ đồng. UBND các quận, huyện đã tháo dỡ hơn 120 công trình xây dựng không phép.

Giám đốc Vũ Quang Hùng khẳng định: Thực tế có xẩy ra việc xây dựng trái phép, nhưng hầu hết các trường hợp đều được phát hiện, xử lý kịp thời; nói chung là TP kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, nếu so với một số địa phương khác như Hà Nội (8 tháng đầu năm là 1.600 trường hợp), TP.Hồ Chí Minh (6 tháng đầu năm là 1.600 trường hợp) thì tại Đà Nẵng các trường hợp sai phạm về xây dựng ít hơn.

Về các giải pháp để kiềm chế và xử lý các sai phạm trong xây dựng không theo giấy phép được cấp, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng nói: Thời gian qua, Sở Xây dựng TP đã chỉ đạo Ban đô thị kết hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan kiếm tra 16 công trình sai phạm xây thêm phòng chức năng, giảm diện tích đậu xe, cơi nới các kiến trúc. Qua kiểm tra này cho thấy, một số chủ đầu tư lợi dụng chính sách thu hút sản phẩm nghỉ dưỡng phục vụ APEC, cố tình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, cái khó của TP là công tác quản lý được phân cấp toàn diện cho cấp quận, huyện, phường, xã. Thế nhưng trên thực tế, nhất là ở cấp quản lý phường, xã khá yếu kém, thậm chí không có chuyên môn nên rất khó phát hiện, xử lý.

Nói về giải pháp thời gian tới, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, hiện Sở đã và đang tiếp tục tham mưu UBND TP triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị 21-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn Đà Nẵng; đẩy mạnh kiểm tra yêu cầu các chủ thể tham gia xây dựng chấp hành nghiêm pháp luật về xây dựng.

“Ngoài xử lý chủ đầu tư, Sở Xây dựng còn chỉ đạo Thanh tra Sở xử lý các đơn vị tham gia xây dựng như nhà thầu thi công, tư vấn…; đăng tải công khai thông tin tình hình sai phạm, mức xử lý sai phạm trên website của Sở nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa; đồng thời hoàn thành Đề án phân cấp trong lĩnh vực xây dựng. Sở cũng kiến nghị UBND TP yêu cầu các sở ngành không xem xét cấp giấy tờ đất có liên quan như thủ tục đánh giá xếp hạng sao, chứng nhận… khi Sở Xây dựng chưa tổ chức nghiệm thu công trình. Sở cũng kiến nghị UBND TP khôi phục biện pháp, chế tài cắt điện nước công trình khi xảy ra sai phạm”- ông Vũ Quang Hùng đề nghị.

Cũng trong chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng, đại biểu Huỳnh Bá Cử (tổ đại biểu quận Sơn Trà) đề nghị ông Hùng công khai các công trình hoạt động khi chưa nghiệm thu. Ông Hùng cho hay, do con số rất nhiều nên Sở sẽ đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở. Theo quy định mới, chủ đầu tư chủ động nộp hồ sơ cho Sở mời nghiệm thu. Nhưng vừa qua một số chủ đầu tư không báo cáo.

Cũng theo ông Hùng, các công trình vi phạm xây dựng mà không đúng quy hoạch thì phải phá dỡ. Còn công trình đúng quy hoạch, căn cứ điều 9 Nghị định 121 và Thông tư 02 sẽ phạt cho tồn tại, cơ quan cấp phép có trách nhiệm điều chỉnh giấy phép.

Đại biểu Lê Thị Như Hồng (tổ đại biểu quận Ngũ Hành Sơn) chất vấn: Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn) đã đi vào hoạt động thời gian qua và đã có 2.700 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, nhiều công trình dân sinh tại đây hư hỏng hoặc chưa hoàn thành; trong đó đáng kể như chưa thảm nhựa lớp 2, chưa có vỉa hè.

Đại biểu Lê Thị Như Hồng chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng

Theo đại biểu này, việc xây dựng các công trình chưa hoàn thành như thế thì vai trò quản lý của Sở Xây dựng như thế nào; khả năng đầu tư vào các công trình phúc lợi tại các khu đô thị khác hiện nay như thế nào, có như với Khu đô thị Hòa Xuân không ?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, Khu đô thị Hòa Xuân được TP cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2010. Tổng diện tích là 437ha, vốn đầu tư 13.600 tỉ đồng. Thời gian xây dựng, đầu tư phân kỳ thành 2 giai đoạn. Từ năm 2018 bắt đầu giai đoạn 2 để tiếp tục xây dựng đồng loạt các khu chức năng. Hiện nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai thi công và vẫn còn một số khu vực chưa hoàn thành. Từ tháng 7/2017, Sở đã yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương cho các công trình kiến trúc với các lô đất quy hoạch trường học, khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại đây và sắp tới sẽ tiếp tục giám sát, yêu cầu hoàn thiện theo đúng quy định.

Nói thêm về dự án Khu đô thị Hòa Xuân, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, chủ tọa Kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Khu đô thị Hòa Xuân còn quy hoạch không, xây dựng bao nhiêu công trình đến lúc này, khi nào hoàn thành xây dựng?

Trả lời yêu cầu trên, ông Vũ Quang Hùng cho biết, quá trình đầu tư xây dựng phải đảm bảo phù hợp phân kỳ đầu tư dự án. Như vậy đến năm 2018 sẽ tiếp tục giai đoạn 2. Tuy nhiên, vừa qua do chưa thấy nhà đầu tư có động thái gì cho các công trình chuẩn bị cho phân kỳ 2, Sở Xây dựng đã ban hành công văn nhắc nhở./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực