Vì sao 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp?

Thứ tư, 25/05/2016 17:08
(ĐCSVN) - Sáng 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 48; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề "Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

Phiên họp thứ 48 của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN. 

Báo cáo kết quả giám sát bước đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM) đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới (bằng hình thức hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí...).

Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến tháng 3/2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới; đã có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới đã cải thiện đáng kể, mức thu nhập bình quân năm 2011 là 16 triệu đồng, đến nay thu nhập bình quân tăng lên đạt 28,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% chỉ còn 3,6%.

Nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng chiếm 51%, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng chiếm 4,9%, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng chiếm 12,62%.

Đề cập đến những hạn chế, ông Nguyễn Văn Giàu cho hay, trong quá trình thực hiện, các địa phương phản ánh một số các tiêu chí vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội các vùng, miền và tiếp tục đề nghị nghiên cứu, sửa đổi.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt từ ngày 10/6/2013 triển khai đến các cấp quá chậm, thậm chí đến nay còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn là Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang.

Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều: số xã đạt tiêu chí NTM ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất.

Góp ý kiến vào báo cáo giám sát bước đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất xây dựng nông thôn mới là phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần bà con nông dân. Dù đặt ra bất cứ tiêu chí gì thì đều phải đạt được mục tiêu đó.

Bà Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm, khi giám sát xây dựng NTM phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể đơn vị, tập thể, cá nhân nào làm tốt hoặc chưa tốt, trách nhiệm thuộc về cấp nào, không thể cứ mãi “có nơi, có lúc, có địa phương, có ngành” thì việc giám sát khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặt khác, khi đánh giá nguyên nhân chủ quan, báo cáo giám sát nêu còn rất chung chung, như chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan để ban hành các chính sách thực hiện còn chưa chặt chẽ, kịp thời, nhất là thời kỳ đầu triển khai Chương trình… như vậy rất khó để rút kinh nghiệm. Đáng chú ý, trong Báo cáo chỉ ra nguyên nhân, hạn chế do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Vậy có nên đổ hết cho cơ sở hay không? Phải xác định hạn chế thuộc về cấp nào, bộ ngành nào, tỉnh nào, cấp cơ sở nào? Không thể lúc nào cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thì năng lực tốt, nhưng cấp xã không tốt dẫn đến kết quả không tốt. Cần phải đánh giá một cách toàn diện hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ góp ý cần làm rõ vì sao 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó lại có một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ. Mặt khác, trong báo cáo giám sát làm rõ thêm triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như thế nào?

Về những kiến nghị trong Báo cáo, ông Đỗ Bá Tỵ cơ bản tán thành, nhưng để thực hiện được thắng lợi Nghị quyết kinh tế - xã hội 2016-2021 của Quốc hội cần đặt ra những tiêu chí cụ thể, những tiêu chí nào phù hợp, tiêu chí nào cần bổ sung, trong đó đặc biệt quan trọng các tiêu chí phải gắn được với quốc phòng – an ninh, như vấn đề quy hoạch dân cư vùng biên giới, các công trình lớn của nông nghiệp nông thôn..

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Đoàn giám sát bước đầu có kết quả khá nghiêm túc. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần làm rõ thêm những vấn đề tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn trước khi là nông thôn mới. Kết quả đạt được cần phải được phân tích sâu hơn, 5 năm triển khai, những xã đạt được NTM đều là những xã có điều kiện, những xã ven đô có nền tảng cơ sở khá, nghĩa là những gì chúng ta đạt được là những thuận lợi, còn lại là khó khăn. Do đó, để phấn đấu 5 năm tới 50% xã đạt NTM sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc phân bổ nguồn lực, mặc dù có tiêu chí nhưng cần phải tính đến phân bổ nguồn lực từ ngân sách và trái phiếu chính phủ, cùng với đó tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo từng vùng miền, để đánh giá được thực chất việc nợ đọng.

Ngoài ra, những xã, huyện đã được công nhận nông thôn mới rồi thì phải làm gì để duy trì và phát triển, nếu không có chủ trương tốt thì các tiêu chí sẽ không bền, thậm chí có thể tụt xuống.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực