Việt Nam đã sẵn sàng cho Năm APEC 2017

Thứ bảy, 28/01/2017 16:00
(ĐCSVN) - Việc đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, khẳng định quyết tâm của quốc gia tiếp tục công việc đổi mới, tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương.

Việt Nam đã sẵn sàng cho Năm APEC 2017 

 Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ năm 2006. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế của khu vực và quốc tế vẫn đang trong quá trình hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng, vai trò của APEC đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Việc đăng cai tổ chức các hoạt động APEC của Việt Nam cũng đặt ra nhiều trọng trách lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã sẵn sàng cho năm chủ nhà của APEC 2017. Chủ đề mà Việt Nam đưa ra là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được các nền kinh tế thành viên tích cực hưởng ứng, ủng hộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việc Việt Nam được các thành viên ủng hộ đăng cai Năm APEC 2017 cũng thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các thành viên đối với chúng ta. Việc đăng cai APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm cơ hội mới để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như tạo điều kiện hoàn tất các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của nước ta. Ngay các hoạt động đầu tiên của Năm APEC 2017 vừa diễn ra tháng 12/2016, Hội nghị không chính thức Quan chức cao cấp APEC (ISOM) đã khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị ISOM là hội nghị để các thành viên cho ý kiến, hoàn thiện nội hàm các ưu tiên của Năm APEC 2017 và thống nhất lịch hoạt động của cả năm 2017, làm cơ sở để các quan chức cao cấp của APEC chính thức thông qua các ưu tiên của Năm APEC 2017 tại Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 1 (SOM 1 vào tháng 3-2017). Hội nghị ISOM gồm 3 phiên thảo luận bao gồm: Thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Lima (Peru); chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017; kế hoạch triển khai Năm APEC 2017.

Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) và các hoạt động liên quan đã có sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế, hàng trăm chuyên gia, học giả hàng đầu cho thấy sức hấp dẫn của diễn đàn, sự ủng hộ mạnh mẽ và kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách nước chủ nhà của APEC năm 2017. Việt Nam cũng đã đạt được sự ủng hộ của các thành viên và các đại biểu về hướng chủ đề và 4 ưu tiên cho năm APEC 2017 gồm: Đẩy mạnh liên kết khu vực, nhất là đẩy mạnh triển khai mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại nước ngoài và đầu tư, tăng cường kết nối; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó ưu tiên cải cách cơ cấu, phát triển bền vững; Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trong đó chú trọng doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, chú trọng thúc đẩy cộng đồng tự cường để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở chủ đề và hướng ưu tiên của ISOM, nước chủ nhà Việt Nam đã thống nhất với các thành viên về lịch hoạt động của năm APEC 2017, gồm khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ được tổ chức ở 10 thành phố, tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng. Hoạt động mang dấu ấn của ISOM lần này là diễn đàn APEC giữa doanh nghiệp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp APEC, đại diện các doanh nghiệp của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trong nước. Các ý kiến đóng góp, trao đổi của các doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ góp phần làm cho nội dung hợp tác và hoạt động của năm APEC 2017 ngày càng phong phú thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp. Qua kết quả của hội nghị, bạn bè quốc tế cũng nhận thấy sự sẵn sàng của Việt Nam và đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của Năm APEC 2017.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017: Công tác chuẩn bị cho APEC 2017 được chúng ta triển khai rất sớm, có trách nhiệm ngay sau khi Hội nghị cấp cao APEC 2013 thông qua chính thức việc Việt Nam sẽ đăng cai. Cuối năm 2013 đầu 2014, chúng ta đã thành lập Nhóm công tác liên ngành. Từ giữa năm 2015, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2017, trực tiếp chỉ đạo cho năm APEC 2017. Trong một thời gian ngắn, nhưng chúng ta đã triển khai công tác chuẩn bị rất tích cực, chu đáo trên tất cả các lĩnh vực nội dung, vật chất, hậu cần, tuyên truyền, lễ tân, đào tạo cán bộ... Chúng ta cũng đã chủ động tham vấn, tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ rộng rãi của các đối tác quốc tế và các nền kinh tế thành viên APEC.

Trong thế giới hội nhập và kỷ nguyên công nghệ số, thời đại công nghệ thông tin hiện nay, vai trò của báo chí truyền thông là rất lớn. APEC coi đây là mặt trận quan trọng và có hẳn một cơ quan riêng của APEC về truyền thông. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thông tin về những lợi ích mà APEC mang lại cho địa phương, người dân, doanh nghiệp. APEC 2017 là cơ hội mang APEC đến với người dân và doanh nghiệp nước ta, cũng như giới thiệu Việt Nam ra với bạn bè khu vực, quốc tế. Chúng ta rất cần tranh thủ đề cao truyền thống nhân văn của người Việt Nam là hiếu khách, tình nghĩa, thể hiện văn hóa hội nhập mới của một Việt Nam năng động, đổi mới.

Năm 2017, chúng ta sẽ có nhiều trọng trách nhưng cũng là một cơ hội lớn cho hội nhập của đất nước. Hy vọng công tác chuẩn bị sẽ tạo một cú hích cho Việt Nam phát triển, tăng thêm quan hệ đối tác, thu hút thêm nguồn lực, đồng thời tăng cường quảng bá cho Việt Nam./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực