Logo năm APEC Việt Nam 2017
Đây là trọng tâm của đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 nhằm triển khai chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Trong một thế giới đầy biến động và châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ với những thời cơ và thách thức chưa từng có, việc một lần nữa đăng cai tổ chức Năm APEC thể hiện tầm nhìn chiến lược và mong muốn của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung nhằm mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác APEC và duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương và động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Trong cả năm 2017, dự kiến Việt Nam sẽ đón tiếp các nhà Lãnh đạo của 20 nền kinh tế thành viên cùng hàng chục nghìn lượt đại biểu, đại diện các tập đoàn và các cơ quan truyền thông lớn của khu vực và quốc tế đến tham dự khoảng 200 hoạt động của Diễn đàn được tổ chức trên khắp cả nước.
Việc nước ta đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với nước ta trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Trong gần 20 năm qua, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào việc thúc đẩy hợp tác APEC, với nhiều đóng góp trên cả ba trụ cột hợp tác. Nổi bật là: Nước ta đã đảm nhận vai trò chủ nhà APEC lần đầu tiên vào năm 2006, tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 14 và hơn 100 hoạt động liên quan cũng như đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhiệm kỳ 2005 -2006.
Những kết quả đạt được trong năm 2006 về liên kết khu vực, cải cách hoạt động APEC,... có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hợp tác năng động của APEC. Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực, do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2014, đã thông qua Kế hoạch hành động APEC giai đoạn 2015-2018 nhằm đẩy mạnh hợp tác về tạo việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Các bộ, ngành của Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực, như: tự chứng nhận xuất xứ (năm 2012), an ninh vận tải hàng không (năm 2012), chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới (năm 2014), quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (năm 2015), tạo thuận lợi chuỗi giá trị toàn cầu về dệt may (năm 2015), thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực (năm 2016),...
Việt Nam cũng đảm nhận vai trò điều phối hợp tác, hoạt động của các nhóm công tác quan trọng. Nổi bật là vai trò đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch của nhóm công tác y tế (2009-2013), Nhóm công tác đối phó tình trạng khẩn cấp (2012-2013),...
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực đưa ra các đề xuất, sáng kiến đóng góp vào quan tâm chung. Năm 2005, Việt Nam cùng các chủ nhà hội nghị Cấp cao APEC như Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Nhật Bản và Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến thành lập Nhóm chỉ đạo SOM đế tiến hành kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor. Cũng trong năm 2005, Việt Nam đã đề xuất và triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về dịch cúm gia cầm, thông qua Kế hoạch hành động APEC về phòng chống và ứng phó với dịch cúm gia cầm và các đại dịch cúm.
Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến ứng phó rủi ro thiên tai là một trong những ưu tiên của hợp tác APEC. Các bộ, ngành của Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo APEC đầu tiên về ứng phó với thiên tai lũ lụt bất thường (năm 2011), Hội thảo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm triển khai Khuôn khổ Sendai của Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai năm 2015),.. .
Ý tưởng và việc nước ta tổ chức Hội thảo APEC về tạo thuận lợi chuỗi giá trị toàn cầu về dệt may (năm 2016) được các thành viên đánh giá cao.
Năm 2016, Việt Nam đề xuất sáng kiến thúc đẩy đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm bảo đảm an ninh lương thực, với việc tổ chức đối thoại công tư về lĩnh vực này. Cũng trong năm 2016, Việt Nam phối hợp với các nền lĩnh tế thành viên APEC tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cộng đồng APEC - Mô hình kinh doanh online-offline (O2O)” với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm các doanh nghiệp lớn, các tổ chức của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương./.