Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm Maldives, Phan Kiều Thu (Ảnh: chinhphu.vn)
Kế hoạch Colombo - tên gọi đầy đủ là “Kế hoạch Colombo vì sự hợp tác phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là sáng kiến của Anh tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước Khối Thịnh vượng chung tại Colombo, Xri Lan-ca tháng 1/1950 và chính thức đi vào hoạt động từ 1951; Các thành viên sáng lập gồm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Canada; mục đích như một “Kế hoạch Mác-san” thứ hai ở châu Á. Trong những năm 50, 60 và 70, thông qua 2 hình thức viện trợ vốn và trợ giúp kỹ thuật, các nước Phương Tây đã tài trợ cho các dự án phát triển, cung cấp thiết bị và hàng hoá, và dành hàng vạn học bổng ngắn hạn và dài hạn và cung cấp chuyên gia cho các nước đang phát triển trong khu vực.
Kể từ Hội nghị Uỷ ban Tư vấn lần thứ 35 tại Seoul năm 1994, Kế hoạch Colombo đã có những thay đổi cơ bản, ít mang màu sắc chính trị hơn và thực sự tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực, với những trọng tâm mới phù hợp hơn, đó là: tăng cường hợp tác Nam-Nam, hợp tác khu vực, đối phó với những vấn đề toàn cầu thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên. Kế hoạch Colombo trở thành diễn đàn để nước các nước thành viên thảo luận về các nhu cầu phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ các nước kém phát triển trong khu vực. Phương thức hoạt động chủ yếu là tổ chức các khoá đào tạo, giúp các nước thành viên phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên Kế hoạch Colombo vẫn tiếp tục tranh thủ sự tài trợ của các nước phát triển.
Ngày 27/8/2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định Việt Nam tham gia Kế hoạch Colombo với tư cách thành viên tạm thời và giao Bộ Ngoại giao làm cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai việc tham gia Kế hoạch trên. Ngày 30/8/2001, Việt Nam chính thức gửi công hàm cho Ban Thư ký xin gia nhập Kế hoạch Colombo với tư cách thành viên tạm thời và đã cử đoàn tham dự Kỳ họp thứ 237 Hội đồng kế hoạch tại Colombo tháng 11/2001. Ngày 3/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Việt Nam tham gia là thành viên chính thức của Kế hoạch Colombo. Tại Phiên họp Đặc biệt của Hội đồng Kế hoạch Colombo từ 18-19/11/2003, các nước thành viên đã thông qua việc này và Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Kế hoạch.
Năm 2009, thông qua kênh ngoại giao, Việt Nam đã tiến hành vận động thành công để ứng cử viên là ông Nguyễn Cửu Đức, Văn phòng Thường trực Phòng, Chống Ma túy, Bộ Công an Việt Nam, được tuyển chọn làm Giám đốc Chương trình Tư vấn Chống Ma túy (DAP) của Kế hoạch Colombo với nhiệm kỳ 2 năm, bắt đầu từ ngày 2/6/2009. DAP là một trong 4 chương trình lớn của Kế hoạch Colombo, bên cạnh các Chương trình Hành chính công và Môi trường, Chương trình Hỗ trợ thành phần Kinh tế tư nhân và Chương trình Đào tạo dài hạn. Chương trình này cũng là chương trình nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ các nước tài trợ, đặc biệt là Mỹ. Vị trí này quan trọng, đứng thứ 2 ngay sau Tổng thư ký trong Ban thư ký Kế hoạch Colombo. Việc cán bộ của ta đắc cử vào cương vị Giám đốc DAP cho thấy Kế hoạch Colombo đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các hoạt động của tổ chức này, đồng thời cũng tạo điều kiện cho ta tham gia sâu rộng hơn nữa vào các hoạt động của Kế hoạch Colombo, phục vụ thiết thực cho lợi ích của ta. Từ 12-13/8/2009, lần đầu tiên Ban thư ký Kế hoạch Colombo đã tổ chức cuộc họp các cán bộ đầu mối các quốc gia thành viên Kế hoạch Colombo nhằm liên kết các cán bộ xử lý trực tiếp, ta cũng đã cử chuyên viên tham dự.
Kể từ khi ta tham gia Kế hoạch Colombo, Việt Nam đã cử được khoảng gần 400 cán bộ tham gia các khoá đào tạo thuộc các chương trình hợp tác của Kế hoạch Colombo như chương trình Tư vấn Phòng chống Ma tuý, đào tạo hành chính công, tập huấn phát triển năng lực thành phần kinh tế tư nhân, sức khỏe sinh sản, môi trường./.