Vụ mất 338 tỷ đồng tại MSB, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Thứ tư, 03/04/2024 21:54
(ĐCSVN) - Liên quan đến vụ khách hàng mất 338 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện vụ việc đúng sai thế nào, trách nhiệm của ai thì phải chờ kết luận của cơ quan Công an. Tuy nhiên, quyền lợi chính đáng của khách hàng sẽ được bảo vệ nếu khách hàng đã thực hiện đúng các quy định.
 Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. Ảnh: ĐT

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 diễn ra chiều 3/4, báo chí đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ khách hàng mất 338 tỷ đồng khi gửi tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) vừa qua.

Trước đó, Công an TP. Hà Nội cho biết, bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Chi nhánh Thanh Xuân của Ngân hàng MSB bị bắt vì bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng.

"Xin hỏi nếu khách hàng không có bất kỳ sai sót nào trong giao dịch thì khi nào khách hàng được hoàn lại số tiền đã gửi tại ngân hàng? Ngân hàng MSB và cá nhân bà Hoài Anh sẽ phải đền bù tiền cho khách hàng ra sao?", câu hỏi được gửi tới Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhận định, phải chăng đang có "lỗ hổng" trong quy trình hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng; đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nêu giải pháp bảo vệ người gửi tiền.

Không có lỗ hổng hệ thống

Trả lời câu hỏi này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua có câu chuyện tiền trong tài khoản của khách hàng bị mất, có những vi phạm có thể do cá nhân, tập thể, hoặc do ngân hàng, nhưng lỗ hổng có tính chất hệ thống thì không. Vi phạm diễn ra ở một số ngân hàng, tổ chức, đơn vị, hoặc phòng giao dịch, hoặc vi phạm do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó. Hoặc do vi phạm tiêu cực của cá nhân cán bộ ngân hàng, do sự chủ quan, thậm chí có những trường hợp thông đồng với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi tiêu cực, không chỉ lừa nhau mà lừa cả ngân hàng.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Ảnh: ĐT

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mỗi vụ việc đều được Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm chung cho các ngân hàng và có chỉ đạo kịp thời. Ngân hàng Nhà nước luôn rà soát thường xuyên các cơ chế, quy chế, quy định. Các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán, vấn đề chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong vấn đề cung ứng các dịch vụ liên quan và trách nhiệm của khách hàng để đảm bảo an toàn đã được ban hành đầy đủ từ lâu.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 23 quy định rất rõ các vấn đề này và sau đó cập nhật, bổ sung thường xuyên, phù hợp với từng điều kiện, nhất là trong điều kiện hiện nay khi việc sử dụng công nghệ rất tiện ích, thậm chí có thể giao dịch trực tuyến để mở tài khoản, gửi tiết kiệm.

Để xảy ra các vụ việc như vụ việc của Ngân hàng Hàng hải (MSB), ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm xem xét đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước hay chưa. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các quy định của nhà nước, không chỉ của ngành ngân hàng, mà cả các bộ, ngành, các bên liên quan, đều đề cập đến trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền.

Cụ thể về việc Giám đốc chi nhánh MSB Thanh Xuân (Hà Nội) Bùi Thị Hoài Anh bị bắt vì chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được báo cáo của MSB. Trên cơ sở kiểm soát hoạt động, MSB đã phát hiện ra rủi ro này và đã chủ động gửi hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra vụ việc từ tháng 10/2023. Hiện nay Bộ Công  an đang khẩn trương điều tra xác định trách nhiệm. Để xác định là trách nhiệm của ai, ở đâu, do ngân hàng hay cá nhân thì phải chờ kết luận của cơ quan công an.

“Tuy nhiên, những quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ. Nếu ngân hàng hay cá nhân bà Bùi Thị Hoài Anh có sai phạm thì phải có trách nhiệm với khoản tiền gửi của khách hàng nếu khách hàng thực hiện đúng quy định”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Ông cũng mong muốn, ngoài quy định cụ thể mà mỗi bên phải thực hiện, khách hàng cần luôn quan tâm đến quyền lợi của mình. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng có cơ chế thông báo kiểm soát số dư tiền gửi của khách hàng trong tài khoản, khách hàng cần kiểm tra tài khoản của mình, “không phải chỉ gửi rồi đến lúc rút tiết kiệm mới quan tâm đến khoản tiền gửi đó”, bảo vệ thông tin bí mật trong quá trình sử dụng thẻ, mở tài khoản giao dịch, gửi tiền tiết kiệm.

Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt

Tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng trả lời về tình hình giá đô la Mỹ tiếp tục tăng nóng, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Theo ông, tỷ giá hiện nay đang rất nóng. Năm 2023, việc điều hành tỷ giá có những lúc rất khó khăn vì những chính sách kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Quý I/2024, tỷ giá nóng lên, đây là một trong những vấn đề đáng quan tâm, cần điều hành một cách tập trung.

Lý do tỷ giá chịu áp lực tăng trong thời gian qua là do FED chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ lãi suất nên giá trị đồng đô la tăng cao những ngày qua. Mức tăng của đồng đô la dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực, tác động đến đồng tiền Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng đô la. Bên cạnh đó là chính sách hạ lãi suất của ngân hàng Việt Nam rất mạnh thời gian qua đã tạo sự bất cập chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ, lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất đồng đô la trên thị trường liên ngân hàng, là áp lực cho tỷ giá nóng hơn.

Thêm nữa, trong 3 tháng đầu năm, hoạt động nhập khẩu tương đối tích cực, nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu nhiều hơn giai đoạn trước. Ngoài ra, có một số chính sách khác có thể tác động đến chính sách tỷ giá.

Với công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn đảm bảo được sự duy trì ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, các cân đối chung ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

"Có thể nói tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD so với các nước vẫn thấp. Năm 2023 mất giá khoảng 2,9%, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chúng tôi đang tính toán trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng đã có bước tăng khoảng 2,6%. Nhưng so với các nước khác là các nước lớn, chẳng hạn như Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên của Nhật Bản cũng đã giảm giá 7,52%... Có thể thấy ngay các nước lớn, nền kinh tế lớn người ta cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá của đồng USD do chính sách đồng USD của Mỹ"- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, tỷ giá là một trong điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua của người Việt Nam, mà còn ảnh hưởng nhiều đến chính sách kinh tế nước ta, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động tâm lý thị trường, vấn đề ngoại tệ và niềm tin của nhà đầu tư. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước luôn coi công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế linh hoạt để đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp với xu thế chung, đảm bảo sự ổn định chung của đồng tiền, hài hòa trạng thái ngoại tệ, duy trì trạng thái dương, đảm bảo cân đối ngoại tệ cho nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế. Muốn làm được điều đó, phải có công cụ. Ngoài công cụ chính sách điều hành tiền tệ nói chung, ông mong các cơ quan báo chí truyền thông tạo niềm tin cho thị trường. Chính phủ điều hành quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước luôn sử dụng công cụ một cách tích cực để đảm bảo được mục tiêu ổn định tỷ giá trong thời gian tới./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực