Xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt

Thứ năm, 07/11/2024 18:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng; đi cùng với đó là công khai minh bạch, có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước khi điều chỉnh giá điện.

Chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là cơ chế tính giá điện.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, dự thảo luật chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá. Tương tự, về căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện nêu ra các yếu tố căn bản để lập điều chỉnh giá điện, song cũng chưa có quy định về sự minh bạch đối với các yếu tố chi phí thực tế được sử dụng để lập giá điện như chi phí sản xuất, phân phối và lợi nhuận của các nhà cung cấp, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý hoặc bất ngờ. Như vậy, Điều 86 và Điều 87 đã nêu ra cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân nhưng chưa quy định rõ về tần suất điều chỉnh và cách thức thực hiện.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần quy định rõ hơn về tần suất điều chỉnh giá điện. Chính phủ cần thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán và điều chỉnh chi tiêu của mình. Đồng thời, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến công chúng, giải thích rõ ràng cách thức tính toán giá điện và các yếu tố chi phối việc tăng hoặc giảm vào 2 điều luật này cho hợp lý”, đại biểu đề xuất.

Đề cập về cơ chế giá điện, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.

 Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: TL.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào các khung giờ thấp điểm; đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ ràng hơn về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo họ được cung cấp dịch vụ điện công bằng, minh bạch. Đồng thời, đề xuất quy định các quyền của người tiêu dùng điện như quyền được tiếp cận thông tin về giá điện, quyền khiếu nại và yêu cầu xử lý khi gặp sự cố; đảm bảo nhà cung cấp điện chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ điện liên tục, bảo đảm chất lượng và an toàn, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về bồi thường nếu có.

Liên quan đến chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) nêu quan điểm: nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ có tác dụng đòn bẩy tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm, từ đó giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng vùng, miền. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung trong luật một điều riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng tiền điện cho phù hợp.

 Theo đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang), phần lớn các quy định chỉ nêu yêu cầu, trách nhiệm chung phạm vi điều chỉnh hẹp đối với các đơn vị, tổ chức mà chưa xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm, vai trò, giải pháp điều tiết trên phạm vi tổng thể quản lý nhà nước, đặc biệt đối với đối tượng sử dụng điện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ điện thông minh thông qua việc loại bỏ những đối tượng sử dụng điện kém hiệu quả, giúp giảm bớt áp lực đầu tư về nguồn cung phát điện. Trong mối quan hệ cung - cầu rất đặc biệt của thị trường điện, đại biểu cho rằng cần phải tiết giảm tiêu dùng. Theo đó, cần tăng cường sử dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với loại hình sản xuất, kinh doanh tiết kiệm điện, cơ cấu lại để hạn chế loại bỏ các ngành nghề sử dụng nhiều điện mà không hiệu quả, không thuộc lĩnh vực cần khuyến khích.

Cùng với đó là nghiên cứu quy trình giúp điều tiết hành vi sử dụng điện theo hướng phân bổ khung thời gian sử dụng điện hợp lý.

“Hiện nay, việc quy định bán điện giá thấp cho khung giờ thấp điểm đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp điều chỉnh hành vi sử dụng điện chuyển dịch vào các khung giờ thấp điểm, qua đó giúp giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện, giúp mang lại hiệu quả tối ưu”, đại biểu nói.

Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng cần có thêm các cơ chế ưu đãi, khuyến khích khác giúp doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tăng nhu cầu tiêu thụ điện vào khung giờ thấp điểm. Ví dụ, ứng dụng công nghệ tự động hóa, điều chỉnh, cải thiện quy trình sản xuất, bố trí làm thêm vào ban đêm và tạo các điều kiện thuận tiện khác để người sử dụng điện, điều chỉnh thời điểm sử dụng điện, giúp cho người sử dụng điện tiết giảm được chi phí và hệ thống cũng đạt được hiệu quả một cách tối ưu…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực