|
Đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương phát biểu tại Đại Hội
(Ảnh: Khương Trung)
|
Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Xây dựng ngành TN&MT hiện đại, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Đại hội đại biểu Đảng bộ là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng bộ và toàn thể cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và người lao động trong Đảng bộ Bộ TN&MT nói riêng và toàn ngành tài nguyên và môi trường nói chung.
Trong thời gian qua, mặc dù đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, Bộ TN&MT đã quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 1976 của Đảng ủy Bộ; chủ động triển khai và lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội các chi, đảng bộ trực thuộc và tích cực chuẩn bị dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ Bộ. Tập trung phân tích, đánh giá khách quan, trung thực kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ nhiệm kỳ 2015-2020; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm và rút ra bài học kinh nghiệm không chỉ của nhiệm kỳ vừa qua mà còn kế thừa từ 02 nhiệm kỳ trước. Qua đó, xác định phương hướng, mục tiêu, các khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển ngành trong nhiệm kỳ tới.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu to lớn cũng như những bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây, Đảng bộ Bộ TN&MT đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành chủ động chuẩn bị và tham mưu để Đảng và Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược; kiến tạo thể chế, chính sách, pháp luật nhằm xóa bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.
Cụ thể, nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản, đất đai, biển được tăng cường, góp phần chuyển hóa thành nguồn lực cho phát triển đất nước. An ninh nguồn nước đang được chú trọng với các giải pháp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm đến triển khai các vấn đề mang tính chiến lược, đối sách trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới. Tình trạng vi phạm pháp luật, sử dụng lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản được tập trung giải quyết hiệu quả và xử lý nghiêm minh.
Công tác bảo vệ môi trường được sự quan tâm của toàn xã hội từ nhận thức đến hành động. Tập trung giải quyết các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng, chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển được tăng cường. Nhiều chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch.
Cùng với đó, Đảng bộ Bộ TN&MT đã nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ phòng chống thiên tai.Chủ động đề xuất các quyết sách về ứng phó với BĐKH, triển khai các giải pháp tổng thể trước mắt và lâu dài, chuyển đổi mô hình sản xuất quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên, an toàn và bền vững.
Công tác điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng; thủ tục hành chính không ngừng được cải cách. Các vấn đề bức xúc xã hội đã được tập trung chỉ đạo giải quyết như khiếu kiện liên quan đến tài nguyên và môi trường, , xử lý các vi phạm,...Qua đó tăng cường sự hài lòng, củng cố lòng tin của nhân dân thông qua các chỉ số đánh giá của các tổ chức độc lập.
Về công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng được củng cố, kiện toàn vững mạnh phù hợp với mô hình tổ chức của Bộ. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững.Công tác dân vận, được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả; công tác lãnh đạo các tổ chức đoàn thể luôn được đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung; hoạt động của các tổ chức đoàn thể đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng.
”Có thể khẳng định những thành tựu đạt được trong 5 năm qua của Đảng bộ đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường; khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo Bộ Trưởng, hiện nay cách mạng công nghệ, kinh tế số đang và sẽ ngày càng phát triển, tác động to lớn đến đời sống kinh tế-xã hội thế giới và Việt Nam bên cạnh sự cạnh tranh giữa các nước, xung đột lợi ích trong chia sẻ các nguồn tài nguyên, trách nhiệm giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó với biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19…. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ Bộ phải nâng cao hơn nữa tính năng động, sáng tạo, chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và tổ chức chính quyền trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ chính trị bám sát thực tiễn, trên cơ sở dự báo những thay đổi, biến động để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Trước hết, phải chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện hơn nữa thể chế chính sách đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường thực thi pháp luật nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậuvì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, cần tập trung hiện đại hóa ngành, đặt nền móng cho việc tham gia sâu và hiệu quả vào kinh tế số. Tập trung xây dựng dữ liệu đất đai, tài nguyên, môi trường, dữ liệu địa hình, không gian kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các Bộ, ngành, đẩy nhanh quá trình tham gia vào kinh tế số.Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu,giám sát tài nguyên nước. Quản lý môi trường trên đất liền, môi trường biển và đảo dựa trên nền tảng internet vạn vật. Tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ viễn thám trongđiều tra cơ bản về tài nguyên, giám sát lãnh thổ, biển, hải đảo; quản lý, giám sát môi trường, nguồn nước xuyên biên giới...
Tăng cường hội nhập nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực về quản lý, chia sẻ các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, Đảng bộ cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Quan tâm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Chú trọng đổi mới hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng dân chủ đi đôi với nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
”Với truyền thống và tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, trên cơ sở kế thừa nền mong đã được xây dựng, vun đắp bằng trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ đảng viên trong Đảng bộ và của toàn ngành cùng những bài học kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế,tôi tin tin tưởng rằng Đảng bộ sẽ cùng với toàn ngành hoàn thành mục tiêu “xây dựng ngành tài nguyên và môi trường hiện đại, hội nhập hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới” mà Đại hội đã đề ra”, Bộ trưởng cho biết.
|
Đại hội Đảng bộ TN&MT lần thứ IV nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Khương Trung) |
Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng
Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Bộ TN&MT, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương cho biết, Đảng bộ Bộ TN&MT đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu, sự sáng tạo của cán bộ, đảng viên, khắc phục khó khăn để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội, đồng chí Lại Xuân Lâm nhấn mạnh, Đảng bộ Bộ TN&MT cần nhận diện đúng thời cơ và thách thức; làm rõ hơn phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp, bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai trên cơ sở tranh thủ thời cơ, vượt qua các thách thức để đạt được mục tiêu đề ra. Điều đó đòi hỏi việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới cần nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, cần xác định rõ quan điểm bao trùm và xuyên suốt trong xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ tới là: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng đảm bảo tính tổng thể liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dàu, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn.
“Các chỉ tiêu lớn mà Đại hội đã đề ra là rất cao, điều đó thể hiện quyết tâm, ý thức trách nhiệm cao của Đảng bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Lại Xuân Lâm nhấn mạnh.
Tại Đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận, xây dựng chương trình hành động và đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, gắn với tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên môi trường.
Trên tinh thần nhất trí cao, Đại hội đã bầu 34 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2020-2025 và Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 11 đồng chí./.