Xem xét hai phương án về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản

Thứ hai, 12/08/2024 11:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành), nhưng cũng có ý kiến thống nhất chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch khoáng sản.

Sáng 12/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Giao trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản cho bộ nào?

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách xây dựng Luật và thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, gồm 12 Chương, 117 Điều, chỉnh lý 72 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.

Trong đó, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên phân công trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch khoáng sản như quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản năm 2010, nhưng cũng có ý kiến thống nhất chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch khoáng sản. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 02 phương án. Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội). Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).

Theo Chủ nhiệm Bùi Quang Huy, việc quy định 02 phương án như trên liên quan đến việc chỉnh lý Điều 13 (Quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản), Điều 14 (Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản), Điều 15 (Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản) và khoản 3 Điều 115 (Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch). Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đồng ý theo Phương án 2. 
 
Cùng với đó, về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 16 theo 02 phương án. Cụ thể, Phương án 1: Việc điều chỉnh thực hiện theo pháp luật về quy hoạch. Phương án 2: Dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản (nội dung này được thể hiện tại Điều 16 và Điều 115).

Việc quy định 02 phương án như trên liên quan đến việc chỉnh sửa Điều 46 (Nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản), Điều 58 (Nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản), Điều 76 (Quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV) và khoản 5 Điều 115 (bổ sung Luật Quy hoạch). Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đồng ý theo Phương án 2. 

Nêu rõ căn cứ lựa chọn các phương án

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV đã tiếp thu khá nghiêm túc ý kiến của địa biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường. Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, lắng nghe nghiêm túc các ý kiến. 

  Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Xác định Luật Địa chất và Khoáng sản là luật quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên diện tích quy hoạch là vấn đề rất quan trọng; cần phân biệt rõ quy hoạch, thăm dò và khai thác. Qua làm việc với các địa phương, có kiến nghị 5 nhóm vướng mắc trong thực tiễn triển khai Luật; trong đó có 3 nhóm vướng mắc đã có giải pháp giải quyết rõ ràng trong dự thảo Luật lần này, còn 1 nhóm vướng mắc có 2 phương án lựa chọn liên quan đến Điều 16 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản. “Dù là phương án nào thì cũng phải làm rõ căn cứ, yêu cầu để đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sắp tới cũng như trình Quốc hội biểu quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với hai nội dung còn 2 phương án khác nhau là Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm. Trong đó, với nội dung về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), cần đánh giá kỹ tác động chính sách mới nếu thay đổi đầu mối quy hoạch khoáng sản từ quy định của Luật hiện hành là Bộ Xây dựng và Bộ Công thương sang tập trung thành một đầu mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bởi, việc đánh giá tác động chính sách là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đối với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 16), Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chuyên môn, về khả năng có thể quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản theo dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch?

Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/2/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, khi xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải cập nhật đầy đủ những tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết. Đây là căn cứ vững chắc về sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội cụ thể hóa thành văn bản luật, Chính phủ và các Bộ, ngành có những nghị định, thông tư hướng dẫn. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, những vấn đề nào “đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh” thì sửa đổi, còn những vấn đề “chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế chứng minh” thì tiếp tục nghiên cứu, không vội đưa vào dự thảo Luật. Đồng thời, thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng, liệu có các nhóm lợi ích trong xây dựng dự thảo Luật hay không./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực