Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng

Thứ sáu, 15/10/2021 22:49
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm…

Chiều 15/10,  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp (CCTP) Trung ương làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC).

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.

Thực hiện nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án

Nhiệm kỳ vừa qua, chất lượng công tác xét xử của TAND các cấp tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra hàng năm. Đặc biệt ngành đã có nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; đổi mới mô hình phòng xét xử, tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với xu thế chung của thế giới. 

Các Tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, số vụ việc đã giải quyết đạt tỉ lệ 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Các tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.

Ngành đã chủ trì xây dựng 9 dự án luật, 9 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh; phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Quốc hội ban hành nhiều dự án luật. Việc áp dụng án lệ trong nhiệm kỳ qua đã có bước phát triển mới, mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những án lệ được Chánh án Tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ, tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử như xu thế chung của thế giới. Thực hiện chỉ đạo và phân công của Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Tòa án nhân dân tối cao đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Trong định hướng cải cách tư pháp ngành Tòa án đặt ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp công khai, minh bạch phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của tòa án theo thẩm quyền xét xử, có sự tách bạch hợp lý với các đơn vị hành chính; xây dựng cơ chế đảm bảo tòa án độc lập thực thi quyền xét xử theo pháp luật; đổi mới và hoàn thiện thủ tục tố tụng, xây dựng chế độ tố tụng lấy xét xử làm trung tâm; xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án chính quy, chuyên nghiệp, tinh nhuệ, tận tụy và tận tâm; xây dựng tòa án điện tử…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương  phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TH.

Xây dựng Tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các cấp Toà án trong những năm qua.

Chủ tịch nước khẳng định: Những kết quả đạt được trong công tác của các Tòa án và CCTP của hệ thống Toà án trong những năm qua đã góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49, đưa nền tư pháp nước ta có những bước phát triển quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế -xã hội và hội nhập của đất nước.

Chủ tịch nước cho rằng, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền; đồng thời cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng. Chủ tịch nước cho biết, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân. 

Trên tinh thần đó Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

“Tòa án có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Để nâng cao chất lượng xét xử; hoạt động Tòa án phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; tăng cường hoà giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính để hoá giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội; làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ. 

Chủ tịch nước yêu cầu ngành Toà án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”. Đặc biệt, cần chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành Tòa án.

Đồng thời, cần xây dựng Tòa án và nền tư pháp công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, phục vụ người dân tốt nhất, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Tòa án.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: TAND phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Các Tòa án phải kiên trì thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Thẩm phán không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra được phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.

Tòa án các cấp phải tích cực và trách nhiệm hơn nữa trong xây dựng thể chế để chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra cho Tòa án và nền tư pháp nước nhà. Tích cực ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử để giải đáp vướng mắc và phát triển án lệ với số lượng nhiều hơn và chất lượng hơn đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng cho lãnh đạo TANDTC . Ảnh: TH.

Nhấn mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đang đặt ra cho nền tư pháp nước ta những vấn đề mới, yêu cầu mới phải giải quyết, Chủ tịch nước yêu cầu TAND cũng như các cơ quan tư pháp phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới, để xây dựng nền tư pháp nước ta tiến tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Để thực hiện CCTP thành công, cần chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra đối với Toà án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Chuẩn bị tốt cho việc xét xử, giải quyết tốt các tội phạm phi truyền thống, tranh chấp phi truyền thống và vi phạm phi truyền thống. Chủ động hỗ trợ các cơ quan, chức hữu quan trong giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc tranh chấp quốc tế, tranh chấp xuyên quốc gia tại Trọng tài quốc tế, các thiết chế xét xử quốc tế. Qua đó nâng cao vị thế của Toà án Việt Nam trên trường quốc tế. 

“Các đồng chí cần nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương những định hướng lớn; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về CCTP, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII và Hiến pháp 2013”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho một số lãnh đạo TANDTC./.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực