Cà Mau nỗ lực thực hiện mục tiêu là trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện của cả nước

Thứ tư, 04/12/2024 20:16
(ĐCSVN) - Với những định hướng chiến lược trong phát triển năng lượng, đặc biệt năng lượng gió, Cà Mau đã có những bước đi khá chủ động và mở đường vững chắc ban đầu, cùng với tầm nhìn mới, tiên phong, hứa hẹn trở thành điểm sáng, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và cả nước.
 Dự án điện gió Tân Thuận 1 (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) là Dự án điện gió đầu tiên tại Cà Mau được vận hành thương mại, điền tên Cà Mau lên bảng đồ điện gió Quốc gia, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. (Nguồn ảnh: Báo Cà Mau).

Cà Mau là địa phương có địa hình thấp và bằng phẳng, 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển trên 254 km, thềm lục địa rộng lớn, điều kiện tốc độ gió biển ven bờ trung bình từ 6,3 - 7 m/s nên có lợi thế rất lớn để phát triển năng lượng gió ven bờ, tổng tiềm năng ước đạt trên 12.000 MW. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Cà Mau là vùng đất bãi bồi, không dân cư sinh sống, nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển, tập kết vật tư, thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có các dự án Đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV sông Đốc, đường dây 110kV trạm biến áp 110kV Phú Tân, đường dây 110kV Năm Căn - Rạch Gốc và trạm 110kV Rạch Gốc đã đóng điện vận hành; đường dây và trạm biến áp 220kV Cà Mau 2 - Năm Căn và dự án trạm biến áp Nguyễn Huân đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 đều là các công trình lưới điện dọc theo các tuyến ven biển, là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió, đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia để giải phóng công suất nhà máy.

Trên thực tế, Cà Mau có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo; tuy nhiên, chưa tận dụng hết để khai thác.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đến năm 2025, có xét đến năm 2035; Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và danh mục các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch, tỉnh Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000MW điện gió, 60MW điện mặt trời, 24MW điện sinh khối.

Tại Quyết định số 500/QÐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), tại khu vực Tây Nam Bộ, tập trung thực hiện các giải pháp, đầu tư xây dựng hạ tầng, nghiên cứu kết nối trong nước và khu vực phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên và LNG để đảm bảo nguồn khí cho các nhà máy điện tại Cà Mau. Ðịnh hướng phát triển theo quy hoạch là tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...).

Theo Quy hoạch điện 8, ước tính nguồn điện gió ngoài khơi dùng để sản xuất năng lượng mới đến năm 2035 khoảng 15.000 MW và đến năm 2050 khoảng 240.000 MW.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện 8, công suất nguồn điện nối lưới cho phép thực hiện ở Cà Mau chỉ khoảng 1.200 MW, trong đó có gần 1.000 MW là các dự án đang triển khai được chuyển tiếp thực hiện, lượng công suất tăng thêm rất ít so với tiềm năng. Ðã có nhà đầu tư đến tỉnh Cà Mau đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo để đề xuất thực hiện dự án sản xuất năng lượng mới (hydro xanh và amoniac xanh) và địa phương cũng đã quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại xã Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời).

Ðể thực hiện nhanh lộ trình chuyển đổi này, cần có thêm nhiều cơ chế về sản xuất điện không nối lưới, cơ chế sản xuất năng lượng mới (về giá, về thị trường) để kích thích các hình thức đầu tư.

Cà Mau cũng là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh (tại Quyết định số 48/QÐ-TTg ngày 3/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Cụ thể, cần bổ sung vào Quy hoạch điện 8 thêm 41 dự án mới tại Cà Mau. Trong đó, 29 dự án điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi (tổng công suất 7.712 MW); 10 dự án điện khí và các nguồn điện khác (tổng công suất 11.934 MW); điện gió, điện mặt trời không nối lưới mà để sản xuất hydro và xuất khẩu điện (tổng công suất 4.950-11.450 MW). Các nhà máy sản xuất hydro có tổng công suất 82.248 tấn/năm).

Với những định hướng chiến lược trong phát triển năng lượng, đặc biệt năng lượng gió như trên, Cà Mau đã có những bước đi khá chủ động và mở đường vững chắc ban đầu, cùng với tầm nhìn mới, tiên phong, hứa hẹn trở thành điểm sáng, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và cả nước.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau chú trọng đến phát triển ngành năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh bằng các chương trình hành động, quyết định, chủ trương,... cụ thể: Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 30/6/2020 với quan điểm chỉ đạo: thực hiện có hiệu quả nguồn năng lượng có thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh trên đại bàn tỉnh; trong đó phấn đấu thực hiện các mục tiêu: đến năm 2030 tăng thêm 4.000MW (năng lượng tái tạo khoảng 1.000MW); đến năm 2045 tăng thêm 5.000MW. Tính đến nay, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương xin bổ sung vào quy hoạch tổng cộng 36 dự án với tổng công suất 24.564MW, trong đó có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018MW; 04 dự án điện khí với tổng công suất 10.700MW và 09 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846MW.

Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, nhất là phát triển nhiều dự án điện gió. Tính đến đầu tháng 7/2024, Cà Mau có 16 dự án trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW. Hiện, tỉnh có 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800MW.

Cụ thể có 4 dự án tổng công suất 145 MW đã vận hành thương mại và 1 phần dự án điện gió Viên An công suất 25 MW (tổng công suất điện gió vận hành thương mại 170 MW); 3 dự án tổng công suất 276 MW và 1 phần dự án điện gió Viên An công suất 25MW (phần 8 trụ tuabine còn lại chưa hoàn thành) đang triển khai thi công; 1 dự án công suất 30 MW đã nộp hồ sơ kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành; 5 dự án tổng công suất 299 MW chưa thi công và đang thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng.

Còn lại 2 dự án có tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh Cà Mau đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất 111,564 MWp.

Thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án năng lượng tái tạo; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư duy trì vận hành ổn định các nhà máy điện gió đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư, phấn đấu đến cuối năm 2024 đưa vào vận hành thương mại thêm 30 MW, góp phần tăng sản lượng điện sản xuất kết hợp với triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau khi được phê duyệt.

Tỉnh Cà Mau tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu, phục vụ sản xuất Hydro, Amoniac xanh..., khi có cơ chế, chính sách phù hợp. Sở Công Thương cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện và công tác vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong các quyết định, quy hoạch, đề án, cũng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với tỉnh giữa tháng 11 vừa qua “Cà Mau phải nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện của cả nước, phát triển nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, du lịch bền vững, chất lượng cao”, tỉnh kiến nghị các cấp sớm xem xét giải quyết các khó khăn về pháp lý để phê duyệt đề án xuất khẩu điện, làm cơ sở để tỉnh mời gọi nhà đầu tư nghiên cứu triển khai thực hiện đề án; đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn địa phương lập phương án đấu nối cho các dự án nguồn điện đã được phê duyệt trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trong Quy hoạch tỉnh Cà Mau; kiến nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành thêm các quy định về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đặc biệt là năng lượng điện năng lượng tái tạo không nối lưới tự dùng để sản xuất hoặc xuất khẩu, trong đó quy định rõ và đồng bộ giữa các hạng mục đầu tư.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực