Phần thứ nhất : Hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng cảnh sát thi hành hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân
I. Phân công thẩm quyền trong hoạt động hỗ trợ tư pháp:
Xuất phát từ tính chất, đặc điểm yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của hoạt động hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân và để hoạt động hỗ trợ tư pháp đi vào hoạt động có hiệu quả thống nhất đúng theo quy định, ngày 15/5/2020,Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46/2020/TT-BCA quy định hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay.
Điều 6 Thông tư số 46/2020/TT-BCA phân công trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ tư pháp theo 3 cấp như sau:
Thứ nhất: Lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an (Cục C11) có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp Trung ương trong việc bảo vệ phiên tòa, áp giải đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ bắt bị cáo để tạm giam theo yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; trực tiếp quản lý kho vật chứng Bộ Công an; tiến hành sơ kết, tổng kết, xây dựng lý luận nghiệp vụ chuyên môn trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các quy định về nghiệp vụ đối với các đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cấp dưới trong hoạt động hỗ trợ tư pháp.
|
Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp dẫn giải bị cáo
tại phiên toà. Ảnh minh họa (Nguồn: Yến Anh) |
Thứ hai: Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp tỉnh hoặc cấp trên và cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự trong việc bảo vệ các phiên tòa; tiến hành dẫn giải người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bắt, áp giải đối với bị can, bị cáo; người bị kết án tử hình đi thi hành án, người được hoãn thi hành án tử hình; người có quyết định thi hành án; người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, người được hoãn, tạm đình chỉ đi chấp hành án phạt tù; người có quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thực hiện lệnh trích xuất, quyết định điều chuyển, tiếp nhận và áp giải, bàn giao đối với người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam chuyển giao cho nước ngoài; hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định; trực tiếp thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án; quản lý kho vật chứng Công an cấp tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và các quy định về nghiệp vụ đối với các đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp huyện; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
Thứ ba: Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp huyện có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cấp huyện hoặc cấp trên và cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự trong việc bảo vệ phiên tòa; tiến hành dẫn giải người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; bắt, áp giải đối với bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án, người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, người được hoãn, tạm đình chỉ đi chấp hành án phạt tù; người bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; người có quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; thực hiện lệnh trích xuất, quyết định điều chuyển; hỗ trợ thi hành bản án, quyết định hình sự, dân sự và bản án, quyết định khác do pháp luật quy định; quản lý kho vật chứng Công an cấp huyện; tổ chức đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; phối hợp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; phối hợp với lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh khi có yêu cầu trong việc bảo đảm an ninh, trật tự khu vực Nhà thi hành án tử hình (nếu địa bàn huyện có nhà thi hành án tử hình); thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
Như vậy nhiệm vụ hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ở cả 03 cấp là rất nặng nề.
II. Văn bản quy phạm pháp luật và quy định của Bộ Công an đối với công tác hỗ trợ tư pháp:
1. Công tác Bảo vệ phiên tòa:
Điều 4, chương II Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/3/2016 và Thông tư số 117/TT-BCA ngày 05/11/2020 sửa đổi một số điều của Thông tư số 13/2016/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng CAND quy định: Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp các cấp trong CAND có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị địa phương và cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn các phiên tòa. Do đó, khi nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử và công văn đề nghị của Tòa án có thẩm quyền yêu cầu bảo vệ phiên tòa, lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:
Thứ nhất: Bố trí lực lượng, vũ khí, phương tiện bảo vệ phiên tòa theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;
Thứ hai: Phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp xúc trái phép với bị cáo trong thời gian xét xử;
Thứ ba: Giữ gìn trật tự nơi tổ chức phiên tòa theo lệnh của chủ tọa phiên tòa; bảo vệ an toàn những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng và tham dự phiên tòa; ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời người có hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài liệu, hồ sơ, vật chứng đang sử dụng tại phiên tòa phục vụ cho việc xét xử, bắt giữ hoặc buộc người có hành vi gây mất trật tự ra khỏi phòng xử án theo lệnh của chủ tọa phiên tòa;
Thứ tư: Phòng ngừa, ngăn chặn bị cáo thông cung, tự thương, tự sát, bỏ trốn hoặc có hành vi nguy hiểm;
Thứ năm: Phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công, gây cản trở phiên tòa; giải tán, bắt giữ những người có hành vi tấn công, gây cản trở phiên tòa hoặc đánh tháo bị cáo, người bị bắt tại phiên tòa theo lệnh của chủ tọa phiên tòa;
Thứ sáu: Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp bị cáo và những người tham dự phiên tòa đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe dọa sự an toàn của phiên tòa;
Thứ bảy: Tổ chức truy bắt ngay bị cáo, người có lệnh bắt giữ của chủ tọa phiên tòa bỏ trốn và thông báo cho Cơ quan điều tra thụ lý vụ án và Viện Kiểm sát cùng cấp;
Thứ tám: Xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương để chủ động triển khai lực lượng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
* Ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngày 08/7/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 325/KH-BCA-C01 tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến trong Công an nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
2. Công tác bắt, áp giải bị can, bị cáo, người đã có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng, người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:
2.1. Căn cứ quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
Thứ nhất: Thủ trưởng, phó thủ trưởng CQ điều tra các cấp, trường hợp này lệnh bắt phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
Thứ hai: Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, và Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự các cấp;
Thứ ba: Chánh án, phó Chánh án TAND và Chánh án phó tránh án TAQS các cấp, Hội đồng xét xử.
Trong quá trình thi hành cần lưu ý:
- Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt, lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định, giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt; phải lập biên bản về việc bắt, giao lệnh, quyết định cho người bị bắt;
- Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền địa phương và người khác chứng kiến. Khi bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập, phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người;
- Không được bắt người vào ban đêm, từ 22 giờ đến 06 giờ trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã.
2.2. Căn cứ khoản 3 Điều 60 và khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì:
- Bị can có nghĩa vụ:
+ Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
+ Chấp hành yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Bị cáo có nghĩa vụ:
+ Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
+ Chấp hành yêu cầu của Tòa án.
Lưu ý: Bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù nếu thuộc đối tượng được tại ngoại, hoặc tạm đình chỉ chấp hành án, tạm hoãn chấp hành án, khi có giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng không tự giác chấp hành mà không có lý do chính đáng thì bị áp giải, bỏ trốn thì bị truy nã.
2.3. Căn cứ: Điều 127 BLTTHS năm 2015 thì công tác Áp giải và Dẫn giải được áp dụng:
- Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
- Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
+ Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
+ Người bị hại trong trường hợp từ chối giám định việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
+ Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Các trường hợp trên phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; trường hợp cố tình không có mặt mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Tuy nhiên, khi thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền triệu tập người làm chứng, quyết định dẫn giải người làm chứng và công văn yêu cầu dẫn giải người làm chứng chúng ta cần hết sức lưu ý vì:
- Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền triệu tập đến để làm chứng;
- Người bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Đây là những vấn đề nhạy cảm được pháp luật quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần hết sức khéo léo, khôn khéo, nhằm mục đích đạt được yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì vậy rất cần phải có những cán bộ có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp này.
2.4. Thông tư số 47/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân thì các trường hợp bắt, áp giải, dẫn giải phải có lệnh, quyết định bắt, áp giải, dẫn giải và công văn yêu cầu bắt, áp giải, dẫn giải của cơ quan có thẩm quyền đề nghị.
Sau khi nhận được lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc bắt, áp giải, dẫn giải của cơ quan có thẩm quyền, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thông báo cho trại tạm giam, nhà tạm giữ nơi đang quản lý giam giữ bị can, bị cáo biết để có kế hoạch phối hợp thực hiện. Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp các lực lượng bảo đảm:
- Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện…tiến hành bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án; dẫn giải người làm chứng, người bị hại, người liên quan theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt;
- Phòng ngừa, ngăn chặn việc bỏ trốn, thông cung, tự sát, tiếp xúc trái phép hoặc hành vi chống đối của người bị bắt, áp giải, dẫn giải;
- Ngăn ngừa, giải tán hoặc bắt giữ người có hành vi tấn công, đánh tháo người bị bắt, áp giải, dẫn giải;
- Tổ chức truy bắt ngay bị can, bị cáo bỏ trốn;
- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác trong và ngoài ngành Công an, chính quyền địa phương bảo an ninh trật tự trong quá trình thi hành nhiệm vụ.
3. Công tác bảo vệ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự:
- Căn cứ Luật CAND năm 2018;
- Căn cứ Luật thi hành án dân sự năm 2008 sủa đổi bổ sung năm 2014;
- Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BCA ngày 30/3/2012 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Thông tư số 31/TT-BCA ngày 10/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự (TTAHS) và hỗ trợ tư pháp (HTTP). Cụ thể như sau:
Khi nhận được Quyết định và kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, Lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP căn cứ: Chức năng, nhiệm vụ được giao; kết quả khảo sát thực tế, nắm tình hình đối tượng, địa bàn tiến hành bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; nội dung, mục đích, yêu cầu, tính chất vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự để xác định các lực lượng liên quan tham gia bảo vệ cưỡng chế. Lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP triển khai xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự. Nội dung kế hoạch cần bảo đảm: Mục đích, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; thời gian, địa điểm triển khai thực hiện kế hoạch; đặc điểm nhân thân, mối quan hệ gia đình, xã hội, thái độ chấp hành pháp luật của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế dân sự; tình hình địa bàn, dân cư, an ninh trật tự tại nơi tiến hành bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; các lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế; phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị nghiệp vụ; các điều kiện bảo đảm khác cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; với những vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự có khả năng xảy ra nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự, người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế và thân nhân của họ có biểu hiện chống đối quyết liệt thì phải có lực lượng dự phòng và tăng cường thêm các phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết. Căn cứ yêu cầu, nội dung kế hoạch và tính chất của vụ việc bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự để xây dựng phương án, trong đó dự kiến các tình huống đột xuất có thể xảy ra, biện pháp xử lý cụ thể và sơ đồ kèm theo; quy ước phối hợp giữa các lực lượng và quy ước thông tin liên lạc; trường hợp cần thiết phải tổ chức diễn tập phương án, giải quyết thành thạo các tình huống.
Việc xây dựng nội dung kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự phải trao đổi, thống nhất giữa lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP với cơ quan thi hành án dân sự trước khi trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt. Kế hoạch, phương án đã được phê duyệt phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để kịp thời phối hợp triển khai thực hiện.
Như chúng ta đã biết, thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng trong quá trình tố tụng dân sự, nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Tòa án; bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.
Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (trừ hệ thống tổ chức thi hành án trong Quân đội quy định tại Điều 8 Nghị định này) được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất gồm:
- Trung ương: Tổng cục Thi hành án dân sự là Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;
- Cấp tỉnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là Cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục thi hành án dân sự;
- Cấp huyện: Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục thi hành án dân sự huyện) là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Thực tiễn trong quá trình bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, ta thấy: hoạt động cưỡng chế thường gặp sự chống đối, cản trở của đương sự. Đối tượng thi hành án gồm nhiều thành phần khác nhau, thái độ chính trị, ý thức khác nhau. Các đối tượng này thường có hành án vi phá hoại, gây rối, cản trở, chống người thi hành công vụ. Đặc biệt cưỡng chế thường xảy ra tại nhà, nơi làm việc của đương sự. Tại đây, đương sự có gia đình, họ hàng, làng xóm, đồng bọn nên họ có điều kiện để chống đối quyết liệt (thông thường, các vụ cưỡng chế thi hành án dân sự thường gặp sự chống đối gay gắt từ giai đoạn đầu triển khai cưỡng chế, gặp sự phản ứng quyết liệt của gia đình, như: Hất nước bẩn vào đoàn cưỡng chế, khóa cổng, cửa nhà cố thủ không cho vào. Thậm chí có những gia đình để cả quan tài ngay trước cửa ra vào, thuê người hoặc người nhà đã già yếu, bệnh tật… để thách thức đoàn cưỡng chế). Chính vì vậy, sau khi nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự, chúng ta phải nghiên cứu kế hoạch, phương án, cử cán bộ nắm tình hình để phối hợp bảo vệ. Trường hợp qua nắm tình hình thấy rằng, việc tiến hành cưỡng chế sẽ không đảm bảo an toàn thì phải trao đổi để cơ quan thi hành án dân sự biết, thống nhất thực hiện. Tránh tình trạng qua loa đại khái, khi triển khai thực hiện gặp những sự cố khó lường dẫn đến thương vong cho những người tham gia cưỡng chế.
Việc bảo vệ cưỡng chế gồm nhiều thành phần, đối tượng tham gia, trong đó lực lượng Công an là lực lượng nòng cốt có vai trò quyết định trong công tác bảo vệ an ninh trật tự nơi tổ chức cưỡng chế.
4. Công tác thi hành án tử hình:
Như chúng ta đã biết, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự nước ta, chỉ áp dụng đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp tước đi sinh mạng của con người, đây là quyền thiêng liêng nhất. Do đó luôn tập trung sự quan tâm của quần chúng nhân dân và sự chú ý đặc biệt của đối tượng phạm tội và thân nhân, thậm chí sự phản ứng có chủ ý hoặc bột phát khó lường trước của gia đình thân nhân người bị kết án.
Vì hình phạt nghiêm khắc nhất nên thủ tục thi hành án tử hình được đặc biệt chú ý, mà các hình phạt khác không thể có trong Bộ luật Hình sự quy định đối với bản án tử hình, đó là:
+ Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì bản án và hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, bản án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải có quyết định kháng nghị hay không kháng nghị;
+ Thi hành án tử hình liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đối nội, đối ngoại; do đó phải đảm bảo tốt yêu cầu an toàn kết hợp với tuyên truyền giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm, không để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc; tôn trọng phong tục tập quán của địa phương nơi có người bị thi hành án, nơi thi hành án;
+ Người trực tiếp thi hành án tử hình dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, do vậy cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ phải được chuẩn bị kỹ về tâm lý, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần, thái độ yên tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phức tạp này.
4.1. Các nguyên tắc cơ bản trong công tác thi hành án tử hình:
a) Nguyên tắc tuân thủ pháp luật:
Thi hành án tử hình là nhiệm vụ đặc biệt có tính đặc thù riêng được pháp luật quy định trình tự, thủ tục thi hành nghiêm ngặt, chặt chẽ. Chỉ thi hành án tử hình khi có quyết định của Tòa án có thẩm quyền và bảo đảm chính xác, đúng người, đúng tội, đúng chính sách pháp luật theo trình tự và thực hiện tuyệt đối theo quy trình, quy định của pháp luật đề ra.
b) Về hình thức thi hành án tử hình:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 82 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thi hành án tử hình được thực hiện duy nhất bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Để triển khai thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Ngày 14/10/2020,Bộ Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 02/TTLT/BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
4.2. Quy trình phối hợp tổ chức thi hành án tử hình:
Thông tư liên tịch số 02/TTLT/BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc: Khi nhận được công văn yêu cầu thi hành án của Hội đồng thi hành án tử hình kèm theo quyết định thi hành án tử hình của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm:
- Bố trí lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt và thông báo cho chính quyền địa phương nơi có nhà thi hành án để phối hợp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối việc thi hành án tử hình;
- Tổ chức áp giải người bị kết án tử hình từ trại tạm giam đến Nhà thi hành án;
- Phòng ngừa, ngăn chặn người bị kết án tử hình bỏ trốn, tự sát hoặc có hành động gây nguy hiểm cho người thi hành nhiệm vụ và những người khác trong quá trình áp giải, thi hành án. Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan bảo vệ an ninh trật tự, an toàn Nhà thi hành án; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giải tán hoặc bắt giữ những người có hành vi tấn công, cản trở hoặc đánh tháo người bị kết án tử hình;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp người bị kết án tử hình đến nơi an toàn trong trường hợp có nguy cơ đe dọa sự an toàn của việc thi hành án. Yêu cầu lực lượng vũ trang nhận dân và chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ Nhà thi hành án trong trường hợp cần thiết;
- Chấp hành quyết định hoãn thi hành án của Hội đồng thi hành án tử hình và tổ chức áp giải người bị kết án tử hình về nơi giam giữ;
- Trực tiếp thi hành án tử hình theo quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự năm 2019;
- Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm bảo quản tử thi, tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ chí người đã bị thi hành án trong trường hợp tòa án không cho nhận tử thi hoặc gia đình không nhận tử thi về mai táng.
5. Công tác quản lý kho vật chứng:
- Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/2002 của Chính phủ và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 12/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP;
- Thông tư số 58/2017/TT-BCA ngày 20/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác quản lý kho vật chứng trong Công an nhân dân như sau:
+ Kho vật chứng trong CAND chỉ nhập xuất vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án hình sự do cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của CAND và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên thụ lý trong giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố.
+ Kho vật chứng được duy trì cán bộ trực 24/24 giờ trong ngày để kịp thời xuất, nhập, giao nhận vật chứng theo yêu cầu của cơ quan thụ lý vụ án.
+ Trường hợp kho vật chứng nằm ngoài khuôn viên đơn vị Công an thì phải có lực lượng Cảnh sát bảo vệ 24/24h đảm bảo an toàn.
+ Các đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trực tiếp quản lý kho vật chứng của Công an các cấp có trách nhiệm tiếp nhận, lưu giữ, quản lý, bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu khác của vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử.
Có thể nói rằng, công tác quản lý kho vật chứng của chúng ta trong 20 năm qua về cơ bản đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy chế quản lý phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
III. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ tư pháp:
1. Công tác hỗ trợ tư pháp:
- Biên chế số lượng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp Công an các cấp còn thiếu, đặc biệt là cấp huyện khi triển khai thực hiện Thông tư số 47/2020/TT-BCA quy định trực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân; điểm d khoản 3 Điều 6 quy định Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ Áp giải người bị kết án phạt tù chuyển đến trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chấp hành án theo quyết định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an. Chính vì vậy, biên chế cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp cấp huyện một số Công an địa phương ít, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ trong công tác nên chưa đạt hiệu quả cao trong công tác áp giải người bị kết án phạt tù đi trại giam chấp hành án.
- Trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của CBCS lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế do không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ hỗ trợ tư pháp.
- Thiếu về cơ sở vật chất, nhất là về vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Số đã được trang bị hầu hết đều thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, một số đã xuống cấp nên không đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác chiến đấu hiện nay.
- Chưa được xây dựng Đề án trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp cho lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp.
2. Công tác thi hành án tử hình:
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành cũng chưa quy định thời hạn Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình.
- Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp chưa giải quyết triệt để trong việc đối chiếu, điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, tài liệu để thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật mà bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc đã ra quyết định thi hành án nhưng hoãn đối với các đối tượng viết đơn kêu oan; viết đơn xin thi hành án sớm; không viết đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước; có đơn tố giác tội phạm, khai thêm tình tiết mới; hồ sơ, lý lịch có nội dung không phù hợp với lời khai hoặc sai về phần tổng hợp hình phạt, bản án sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước sai địa chỉ, quyết định thi hành án sai tên bố và ngày xét xử phúc thẩm. Vì những khó khăn, vướng mắc trên mà việc tổ chức thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình còn chậm, kéo dài gây khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp trong quá trình quản lý, giam giữ.
3. Công tác quản lý kho vật chứng:
3.1. Biên chế và chế độ chính sách:
Cán bộ làm công tác quản lý kho vật chứng còn thiếu, còn phải kiêm nhiệm công việc khác của đơn vị như: Bảo vệ phiên tòa, trích xuất, thi hành án… Cán bộ quản lý kho vật chứng cấp huyện phần lớn chưa được tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý kho vật chứng nên chưa có kinh nghiệm nghiệp vụ công tác. Việc thay đổi, luân chuyển công tác cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kho vật chứng.
Tại một số địa phương, cán bộ quản lý kho vật chứng Công an tỉnh khi có quyết định bổ nhiệm thủ kho vật chứng thì bị cắt chế độ đặc thù 15%. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý kho vật chứng khi xuất, nhập vật chứng thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, quần áo tử thi, ma túy, mỹ phẩm, thuốc chống mối, mọt, hiện nay chưa được hưởng chế độ độc hại, chưa được trang cấp bảo hộ lao động, chế độ trách nhiệm chức danh thủ kho vật chứng.
3.2.Về cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý kho vật chứng:
Mặc dù Bộ Công an đã quan tâm đầu tư xây dựng kho vật chứng cho Công an các địa phương, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đúng với nhu cầu thực tế. Hiện nay, còn một số lượng kho nhất định chưa được đầu tư xây dựng. Một số đơn vị phải tận dụng phòng làm việc để làm kho tạm. Nhiều Công an cấp huyện không có kho bãi ngoài trời hoặc có nhưng không đủ diện tích, không có mái che nắng, mưa để bảo quản các vật chứng là phương tiện giao thông. Trang thiết bị bảo quản vật chứng còn sơ sài, cơ bản chỉ là tủ, hòm, giá sắt, bình chữa cháy; nhiều kho chưa được lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động. Đa số các kho tạm đều không đảm bảo, diện tích nhỏ hẹp, ẩm thấp. Một số địa phương có vùng sông nước đang quản lý vật chứng là các phương tiện đường thủy như: Ghe, tàu, sà lan chưa được đầu tư kho chuyên dụng và bến bãi neo đậu để bảo quản. Một số đơn vị xây dựng kho vật chứng trong khuôn viên nhà tạm giữ gây khó khăn công tác quản lý vật chứng.
3.3. Về vật chứng tồn đọng:
Hiện nay, Công an các địa phương đang quản lý một lượng không nhỏ vật chứng tồn đọng của các vụ án hình sự, có những vật chứng tồn đọng từ năm 1980 đến nay. Nguyên nhân chính là do: Vật chứng không xác định được nguồn gốc vụ án; bị thất lạc hồ sơ vụ án; cán bộ điều tra đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu; vật chứng của các vụ án đã xét xử, bản án đã có hiệu lực nhưng cơ quan điều tra chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; một số vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân các cấp khi ra quyết định xét xử lại tuyên thiếu phần xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (tịch thu, tiêu hủy hoặc thu sung công quỹ Nhà nước, sau đó mới giao cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định); mặt khác do các cơ quan thụ lý vụ án không chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan như: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp để xử lý vật chứng theo thẩm quyền hoặc xử lý chậm nên vật chứng tồn đọng, gây khó khăn trong công tác lưu giữ, bảo quản vật chứng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn kho, cũng như gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý kho vật chứng.
3.4. Về vật chứng chuyển giao các cơ quan chuyên trách:
Hiện nay, một số Công an địa phương còn tồn đọng số vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy, chất độc Cyanua thuộc danh mục cấm nhập kho vật chứng. Khi liên hệ gửi tại các cơ quan chuyên trách thuộc các bộ, ngành khác đã bị từ chối vì chưa được xây dựng kho chuyên dụng để tiếp nhận, bảo quản hoặc chưa bố trí, đào tạo được đội ngũ thủ kho làm công tác quản lý kho thuộc lĩnh vực này nên không tiếp nhận vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy, chất độc Cyanua từ các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân.
Tại Điều 1, Nghị định số 70/2013/NĐ-CP quy định vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy được gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở. Nhưng trong thực tiễn hiện nay, tại một số địa phương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ tiếp nhận vật chứng là vũ khí quân dụng, chất nổ của cơ quan điều tra Công an nhân dân khi vụ án đã xét xử xong và có bản án. Vì vậy, các vật chứng phải tạm nhập vào kho vật chứng trong Công an nhân dân gây khó khăn cho công tác quản lý, lưu giữ, bảo quản do kho không đảm bảo tiêu chuẩn, cán bộ quản lý không có chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ quản lý kho vật chứng.
4. Bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự:
- Biên chế cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện, thậm chí đào tạo chưa đúng chuyên ngành, thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị khác bị trưng dụng để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự nên chưa phối hợp chặt chẽ, đồng bộ khi xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
- Công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp còn nhiều vướng mắc do vụ việc kéo dài nhiều năm, các quy định của pháp luật đã có nhiều thay đổi, đồng thời cần có sự phối hợp, chỉ đạo của nhiều ngành nên gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian khi triển khai thực hiện cưỡng chế thi hành án.
- Công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan có liên quan đến công tác thi hành án dân sự trong việc giải quyết, xem xét các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một số vụ việc còn chậm dẫn đến việc xác định và đánh giá chưa sát với tình hình, chưa đúng tính chất, mức độ của vụ cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Sự hiểu biết của một số không ít quần chúng nhân dân về pháp luật còn hạn chế nên việc thuyết phục, tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là các vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự phức tạp, nhiều đối tượng manh động, hung hãn, chống đối quyết liệt.
- Kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thấp, phần nào chưa động viên họ yên tâm công tác.
Phần thứ hai: Giải pháp nâng cao chất lượng lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong tình hình hiện nay
Luật Thi hành án hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam về đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật nói chung và hoàn thiện chế định công tác hỗ trợ tư pháp nói riêng cần phải tiến hành đồng thời với việc cải cách tư pháp thi hành án sự và đổi mới một cách đồng bộ, thống nhất các chế định thuộc pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự của nước ta. Từ đó, góp phần hoàn thiện chung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng các vấn đề mới chắc chắn sẽ nảy sinh trong thực tiễn; đặc biệt trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tình hình phức tạp trong khu vực, căng thẳng leo thang giữa Nga và Ucraina và trên thế giới; đáp ứng yêu cầu ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; trên cơ sở đó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cần thực hiện nghiêm các vấn đề trọng tâm sau đây nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao:
Thứ nhất: Lãnh đạo Công an các cấp phải có nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Thứ hai: Phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đơn vị làm nhiệm vụ, tránh tình trạng chồng chéo. Cấp Bộ giao lực lượng Cảnh sát quản lý tạm giữ tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Cục C11) là lực lượng nòng cốt trong hoạt động hỗ trợ tư pháp. Do đó, lực lượng Cảnh sát quản lý tạm giữ tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ, nắm chắc tình hình, phát hiện những khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn để tham mưu kịp thời lãnh đạo Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các địa phương thực hiện tốt công tác này.
Thứ ba: Củng cố, xây dựng lực lượng và ổn định tổ chức đối với hệ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cả 3 cấp bộ, tỉnh, huyện. Qua đó không ngừng nâng cao chất lượng, năng lực công tác và nghiệp vụ chuyên sâu nghiệp vụ hỗ trợ tư pháp.
Thứ tư: Thường xuyên giáo dục lễ tiết, tác phong và bản chất trong sạch, vững mạnh của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nói riêng; giữ vững và nêu cao truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng theo 6 Điều Bác Hồ dạy. Chấp hành tốt chế độ điều lệnh nội vụ và các quy định của ngành.
Thứ năm: Xây dựng và hoàn chỉnh tài liệu nghiệp vụ thành các chuyên đề lớn để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác hỗ trợ tư pháp.
Thứ sáu: Xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch phối hợp các bộ, ngành, các lực lượng để liên ngành phối hợp triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ tư pháp đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ bảy: Nghiên cứu, xây dựng đề án trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại, thiết bị nghiệp vụ và các điều kiện bảo đảm cho lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ; chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ công tác hỗ trợ tư pháp./.