Đắk Lắk: Già làng, người có uy tín, những “cột mốc” sống nơi biên cương

Thứ tư, 10/01/2024 13:36
(ĐCSVN) - Trên địa bàn 4 xã biên giới tỉnh Đắk Lắk đã có 26 tập thể, 482 hộ, 1.559 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 59,9km đường biên giới. Trong phong trào này có sự đóng góp rất quan trọng của già làng, người có uy tín, những người được coi là “cột mốc” sống bảo vệ biên cương.

Quân và dân trên địa bàn các huyện của tỉnh Đắk Lắk đồng lòng giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới.
Ảnh: Bảo Trung 

Những già làng, người có uy tín tận tụy vùng biên

Ông Y Mosk Hra, người có uy tín tại Buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hơn 5 năm qua, tôi đã vận động bà con trong vùng không vượt biên sang nước Campuchia. Nước bạn với nước ta đều có cột mốc biên giới chung, chủ quyền mỗi bên đều được tôn trọng, gìn giữ bao nhiêu năm nay. Tôi nghĩ rằng chúng ta không được qua bên nước bạn tùy tiện khi không được phép vì làm như vậy là vi phạm chủ quyền về đất đai, lãnh thổ”.

Để cùng người lính biên phòng lau dọn cột mốc, tuần tra bảo vệ biên giới, các bậc trưởng lão ở đây phải vượt quãng đường khoảng 50km. Công việc rất khó khăn, vất vả với người lớn tuổi. Nhưng các cụ đã duy trì thường xuyên nhiều năm nay.

Để bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực biên giới, không thể thiếu vai trò của những già làng, người uy tín. Họ được xem như "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt các bạn trẻ giữ từng cái cây, tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc. 

Già làng Y Ka Byă, buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tâm sự: "Trên bất cứ cương vị nào, tôi cũng luôn khẳng định khí chất của một người con Tây Nguyên, mẫu mực với nhiều đóng góp cụ thể cho sự phát triển của địa phương, đảm bảo an ninh - quốc phòng và giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc nơi biên cương Tổ quốc".

Nhờ vào quan niệm đó, già làng Y Ka Byă trở thành gương sáng cho đồng bào, nhân rộng ý thức tự giác, trách nhiệm trong xây dựng địa phương. Không những thế, ông cũng chính là kho sử sống, là người truyền lửa cho các thế hệ trẻ Đắk Lắk giữ truyền thống văn hóa dân tộc. 

Giữ vững an ninh trật tự

Già làng, bộ đội biên phòng lau chùi cột mốc (Ảnh: Ngọc Lân) 

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea Hleo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Đơn vị đã phối hợp với các tổ chức ban ngành, có các quy chế tham gia cùng với lực lượng biên phòng, sẵn sàng cùng với bộ đội biên phòng đấu tranh tố giác các loại tội phạm.

Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia chắc chắn phải dựa vào nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, bộ đội phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk thường xuyên phối hợp với nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia…

Đặc biệt, trên địa bàn 4 xã biên giới đã có 26 tập thể, 482 hộ, 1.559 cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 59,9km đường biên giới. Ngoài ra, có 12 tập thể, 132 hộ gia đình, 209 cá nhân đăng ký tự quản 4 cột mốc quốc giới".

Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, thời gian tới, các lực lượng sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, mục đích ý nghĩa của ngày biên phòng toàn dân để phát huy hơn nữa vai trò của các cấp các ngành, của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ biên giới quốc gia.

Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, để mỗi người dân trở thành một cột mốc sống.

Những già làng, người có uy tín và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã và đang trở thành những những cột mốc. Già làng là người truyền lửa cho các thế hệ trẻ ở miền biên thùy, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bảo Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực