Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 06/12/2024 22:17
(ĐCSVN) - Thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất, kinh doanh; sử dụng các công nghệ chuyển đổi các nguồn năng lượng sẵn có thành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 Công nhân Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam bảo trì hệ thống. (Ảnh:Văn Nỷ/Báo Quân đội nhân dân).

Chuyển dịch năng lượng với định hướng giảm dần tỷ trọng nguồn nhiên liệu sử dụng hóa thạch trong sản xuất điện sang năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu hiện nay trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, cũng đang tích cực tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường do các nguồn năng lượng truyền thống gây ra.

Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ban hành khung chính sách, các chiến lược, quy hoạch như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia của Việt Nam về biến đổi khí hậu; Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050; Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Triển khai mục tiêu đã đề ra, theo Quyết định số 500/QĐTTg, tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 là 150.489 MW. Trong đó, đến năm 2030 tổng công suất đặt của điện mặt trời là 12.836 MW, chiếm 8,5% tổng công suất đặt hệ thống, tổng công suất đặt của điện gió trên bờ là 21.880 MW, chiếm 14,5% tổng công suất; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW bằng 4% tổng công suất; điện sinh khối và điện rác là 2.270 MW, bằng 1,5% tổng công suất.

Theo Quyết định số 165/QĐ-TTg, mục tiêu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030 và mục tiêu đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo là 22.370 MW, chiếm 27,1% tổng công suất đặt của hệ thống điện là 82.617 MW, trong đó, nguồn điện gió là 5.345 MW, chiếm tỷ trọng 6,47%; điện mặt trời là 16.630 MW, chiếm tỷ trọng 20,13%; điện sinh khối là 395 MW, chiếm tỷ trọng 0,48% hệ thống điện. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt 43,96 tỷ kWh chiếm 20,52% so với sản lượng điện toàn hệ thống là 214,16 tỷ kWh, trong đó: Sản lượng điện từ nguồn điện gió là 8,31 tỷ kWh chiếm tỷ trọng 3,88% sản lượng điện toàn hệ thống; điện mặt trời là 19 tỷ kWh chiếm 8,87%, điện sinh khối là 0,79 tỷ kWh chiếm 0,37%, thủy điện nhỏ là 15,84 tỷ kWh chiếm 7,39%.

Ngoài việc những năng lượng này mang lại lợi ích vô cùng to lớn, là nguồn tài nguyên dồi dào, có sẵn, có những thứ là nguồn tài nguyên vô tận, bền vững và không cạn kiệt theo thời gian, tác động môi trường thấp, làm giảm rác thải ra môi trường. Nếu đưa vào sử dụng những năng lượng này, chúng ta sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng. Gần đây, với các chính sách ưu đãi, sự phát triển của khoa học công nghệ, thì các giải pháp năng lượng tái tạo đã trở nên cạnh tranh về chi phí so với các nguồn năng lượng truyền thống, thì việc tiếp cận với năng lượng tái tạo trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Cuối cùng, việc sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo giúp giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ trái đất của chúng ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, có một số rào cản khiến việc sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo gặp khó khăn như: Chi phí vốn ban đầu cho các hệ thống năng lượng tái tạo cao khiến các cá nhân và doanh nghiệp khó chuyển sang các nguồn năng lượng sạch; tính không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo có thể khiến việc cung cấp năng lượng bị gián đoạn hoặc không ổn định. Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng, các vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng là trở ngại của việc áp dụng rộng rãi các giải pháp năng lượng tái tạo.

Hiện nay, bằng các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng sạch đang trở nên gần gũi và quen thuộc hơn với doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa nhiều các tổ chức, cá nhân hiểu đầy đủ, hiểu đúng về các giải pháp năng lượng, năng lượng tái tạo. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó nên rõ, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm:

- Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường to lớn của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững, để từ đó có những hành động thiết thực đóng góp vào phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân, cộng đồng triển khai và mở rộng quy mô các mô hình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong các hộ gia đình, doanh nghiệp.

- Khuyến khích và hỗ trợ các cộng đồng phát triển mô hình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình ngôi nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn (làng, xã) xanh; trong đó phần lớn nhu cầu năng lượng được cung cấp từ nguồn năng lượng tái tạo, các chất thải từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi được xử lý, sử dụng hợp lý cho mục đích năng lượng.

Theo đó, để việc tuyên truyền đạt hiệu quả đích, cần phải tuyên truyền sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, trở thành ý chí chủ quan và có được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, góp phần nâng cao hiệu quả của các chính sách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất, kinh doanh; sử dụng các công nghệ chuyển đổi các nguồn năng lượng sẵn có thành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nội dung tuyên truyền bao gồm: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và mỗi người dân trong ứng dụng các công nghệ để chuyển đổi các giải pháp năng lượng thành nguồn năng lượng tái tạo; tuyên truyền phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ… để doanh nghiệp, người dân biết cùng thực hiện. Việc này còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, sử dụng các giải pháp năng lượng để tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng xanh; từ đó khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển thị trường năng lượng tái tạo.

Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm cho người dân trong thực hiện sử dụng nguồn năng lượng sạch gắn với tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình xanh hóa trong sản xuất, kinh doanh bằng việc khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho các lĩnh vực hoạt động này; tuyên truyền để các doanh nghiệp biết tới và sử dụng năng lượng tái tạo thông qua mô hình xây dựng - cho thuê - chuyển giao (hiện đã có nhiều doanh nghiệp đang thực hiện), từ đó giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng năng lượng sạch với chi phí thấp.

Đồng thời với đó, cần hướng dẫn và tư vấn doanh nghiệp và người dân những lợi ích của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, chính sách thu mua điện; chính sách ưu đãi khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời để ngày càng nhiều gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo.

Các hình thức tuyên truyền sẽ được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, địa phương và trên Internet, mạng xã hội và các cơ quan báo chí của Trung ương, các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội…

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng đến các đối tượng tuyên truyền. Trong đó, ngoài doanh nghiệp, người dân, cần tích cực tuyên truyền sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng trong Nhà trường, góp phần hình thành những thói quen tốt và ý thức tiết kiệm cho các em học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Với những kiến thức có được tại trường lớp, đây sẽ là những “tuyên truyền viên” góp phần vận động người thân, cộng đồng chung tay sử dụng năng lượng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực