Hà Nội: Thực hiện Kết luận số 36-KL/TW về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Thứ sáu, 27/10/2023 15:38
(ĐCSVN) - Nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Thành ủy- UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.970 trạm bơm, 104 hồ chưa nước, 378 đập dâng nước và có 5.800 tuyến sông kênh dày đặc. Tuy nhiên, hồ chứa nước thủy lợi và các tuyến kênh chưa cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế,  chưa hiệu quả; ý thức người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật, cơ chế vận hành an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. 

Trước tình hình trên Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 27-CTr/TU ngày 20/4/2023 triển khai Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Đảm bảo số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nước đi đôi với đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể: Đến năm 2025, 100% hộ gia đình ở thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, đặc biệt là các lưu vực thuộc nguồn nước xả bổ sung từ các hồ thủy điện. Cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế; cải tạo, nâng cấp các công trình lấy nước dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đảm bảo không phụ thuộc nguồn nước xả tăng cường từ các hồ thủy điện vào vụ xuân hàng năm.

Hồ Đồng Đò, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội

Đến năm 2030: Duy trì, bảo đảm 100% hộ gia đình ở thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, từ hệ thống cấp nước tập trung và cấp nước cụm hộ tại những khu vực không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung. Cơ bản hoàn thành giải pháp làm sống lại dòng sông Đáy; hoàn thành dự án trạm bơm Liên Mạc giai đoạn I, hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng chống lũ. Cơ bản khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông, công trình thủy lợi. Hoàn thiện xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá, giám sát an ninh nguồn nước theo hướng thông minh, hiện đại.

Đến năm 2045: Chủ động nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo 100% các gia đình hộ gia đình ở thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; hoàn thiện chính sách về nước đồng bộ, thống nhất, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Để làm tốt được các mục tiêu đó Thành ủy cũng đưa ra 09 nhiệm vụ, giải pháp gồm:

(1) Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa trong tình hình mới;
(2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước;
(3) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thuỷ lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước;
(4) Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội;
(5) Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước;
(6) Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu;
(7) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước;
(8) Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;
(9) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác vùng về bảo đảm an ninh nguồn nước.

 

 

 
CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực