Châu Thành là huyện vùng ven của tỉnh Trà Vinh, nằm bao quanh thành phố Trà Vinh. Phía Đông giáp huyện Thạnh Phú, huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) và huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh); phía Tây giáp huyện Tiểu Cần và Càng Long; phía Nam giáp huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Biển Đông; phía Bắc giáp huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre (qua sông Cổ Chiên) và giáp thành phố Trà Vinh. Huyện có diện tích tự nhiên là 33.485 ha, chiếm 15,67% diện tích đất của tỉnh và là huyện có diện tích lớn thứ 3 trong tỉnh.
|
Đường vào huyện NTM Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (ảnh ĐVCC) |
Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, huyện tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, góp phần vào thành quả chung của công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nỗ lực đó đã giúp Châu Thành được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Ông Huỳnh Công Lập, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành chia sẻ: Từ một huyện thuần nông, còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế - xã hội của huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện giai đoạn năm 2010 - 2020 đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 52,5 triệu đồng/ người/năm, tăng 41,35 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,7%, giảm 22,55%. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia 135, không còn xã đặc biệt khó khăn…
|
Huyện Châu Thành đón nhận bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (ảnh ĐVCC) |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2021, huyện đã huy động tổng nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho người dân. Đến nay, 100% đường trục ấp và liên ấp, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi liên xã được thực hiện đồng bộ, khép kín, chủ động nước phục vụ tưới tiêu cho trên 25.000 ha diện tích đất nông nghiệp của huyện. Hầu hết hộ dân trên địa bàn đều được sử dụng điện an toàn và đảm bảo điện phục vụ sản xuất.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững, với các cây trồng chủ lực là cây lúa, cây dừa và cây ăn trái. Huyện có trên 90% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao, tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 97%; hiện có 12 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP (10 sản phẩm OCOP 03 sao và 02 sản phẩm OCOP 04 sao).
|
Một góc cánh đồng lúa - tôm sạch hữu cơ sinh học (ảnh ĐVCC) |
Ngoài ra, tại Châu Thành có nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn như: Lúa chất lượng cao, với diện tích thực hiện liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ là 4.460 ha, sản lượng đạt gần 27.000 tấn; lúa hữu cơ 120,15 ha, với sản lượng trên 600 tấn; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 956,45 ha, sản lượng trên 5.260 tấn; mô hình lúa - tôm, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cua biển, nuôi nghêu cho hiệu quả kinh tế cao; nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, dưa lưới... cho lợi nhuận trung bình từ 110 - 170 triệu đồng/ha, cao gấp 8 - 12 lần so với trồng lúa trước đó. Bên cạnh đó, ngành du lịch của huyện đang từng bước phát triển. Trong năm 2020, được UBND tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim (xã Hòa Minh), đây là điểm du lịch cộng đồng được công nhận đầu tiên của tỉnh Trà Vinh và được Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.
|
Điểm du lịch cộng đồng ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh (ảnh ĐVCC) |
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Châu Thành đề ra mục tiêu: Nâng cao chất lượng 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 02 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Châu Thành phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ nhà ở đạt theo tiêu chuẩn quy định từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99% trở lên; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 99,8%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 95% trở lên; tỷ lệ thu gom rác thải tập trung đạt 100%; tạo cảnh quan môi trường sáng- xanh - sạch - đẹp; trên 95% trường học các cấp đạt chuẩn về cơ sở vật chất; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 - 90 triệu đồng/người/năm./.