|
Bờ hồ Thủy điện Lai Châu. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Lai Châu). |
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Với diện tích tự nhiên lớn 9.068 km2, đường biên giới dài trên 265km tiếp giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tỷ lệ che phủ rừng cao 52,35%; thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa trung bình hàng năm cao, khoảng từ 2.500 - 3.000 mm, là thượng lưu của nhiều sông, suối có lưu lượng nước dồi dào và độ dốc lớn như: sông Đà, sông Nậm Mu, Nậm Na,… Tỉnh có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển đa dạng nguồn năng lượng như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và đặc biệt là thủy điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong những năm qua, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng, tỉnh Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU để thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó, xác định mục tiêu: “Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về phát triển các nguồn năng lượng; huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển các nguồn năng lượng hài hòa, đồng bộ với cơ sở hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng”. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa để triển khai thực hiện.
Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường: Chỉ đạo rà soát các nguồn năng lượng, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng, lợi thế; phát triển công nghiệp năng lượng theo đúng chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch năng lượng quốc gia.
Quá trình triển khai các dự án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; xem xét, đánh giá kỹ lưỡng từ bước khảo sát, lập quy hoạch, chấp thuận đầu tư, đảm bảo hạn chế tối đa các tác động đến môi trường sinh thái, đời sống, sản xuất của nhân dân, hạ tầng cơ sở và các quy hoạch trong khu vực; thực hiện đúng nguyên tắc không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, đảm bảo giữ rừng, giữ nước để phục vụ cho chính các dự án thủy điện trên địa bàn.
Yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quá trình triển khai các dự án; quản lý, vận hành an toàn hồ đập, không để xảy ra sự cố về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước; khuyến khích tham gia đầu tư phát triển rừng kinh tế để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh, góp phần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Tỉnh cũng tập trung phát triển năng lượng gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Việc khảo sát, cho chủ trương đầu tư các dự án có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá kỹ các vấn đề tác động về an ninh trật tự, nhất là vùng đồng bào dân tộc, đồng bào theo tôn giáo, tác động ảnh hưởng đến biên giới.
Trong quá trình thi công, vận hành các dự án, các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng lao động địa phương đối với các công việc phù hợp với trình độ, năng lực, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân khu vực triển khai thực hiện dự án (mỗi dự án sử dụng trung bình từ 50-60 lao động, tổ chức đào tạo 7 đến 10 địa phương). Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân vùng tái định cư; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp, đột xuất phát sinh trong chi trả các chế độ, chính sách, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chỉ riêng các dự án tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát đã sắp xếp ổn định cho gần 9.000 hộ dân; các vùng tái định cư được đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, nhân dân có đời sống ổn định, tốt hơn nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, nhất là vùng tái định cư các công trình, dự án (Hằng năm, tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 8000 lao động; từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng 150 căn nhà cho người nghèo). Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thu từ các nhà máy thủy điện (trung bình hằng năm chi trả trên 500 tỷ đồng), qua đó giúp ổn định thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 160 dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.287 MW; 76 dự án thủy điện tiềm năng với tổng công suất 757MW; 03 dự án thủy điện tích năng với tổng công suất 1.700MW; 03 dự án điện gió với tổng công suất 555MW; 02 dự án điện mặt trời với tổng công suất 550MW. Hết năm 2024, đã có 124 dự án nguồn điện được cấp chủ trương đầu tư với quy mô tổng công suất 3.922MW; trong đó, có 61 dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 3.097 MW.
Các dự án đang vận hành, khai thác đã đóng góp trên 8.200 triệu kWh cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đóng góp trên 1.500 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh. Các công trình thủy điện lớn đã và đang giúp cắt, giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô, hình thành các hồ nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch; cải thiện và làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn: Các dự án năng lượng chủ yếu được đầu tư tại các khu vực có địa hình bị chia cắt phức tạp, hạ tầng giao thông chưa phát triển. Lực lượng lao động tại địa phương đa số chưa có trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án thủy điện sau khi hoàn thành, chủ yếu tham gia các công việc thủ công, thu nhập thấp. Các đối tượng xấu, thế lực thù địch lôi kéo, kích động nhân dân vùng tái định cư kiến nghị đòi hỏi chính sách không đúng quy định, tiềm ẩn phức tạp an ninh trật tự trên địa bàn...
Kính thưa các đồng chí!
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quan điểm "ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội". Tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa quan điểm này trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2031 và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Bám sát quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều tra đánh giá trữ lượng năng lượng trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, gió, mặt trời… Tạo điều kiện cho ngành điện thực hiện đầu tư hiện đại hoá từ khâu sản xuất, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường điện. Nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối hạ tầng hệ thống truyền tải năng lượng điện với các tỉnh lân cận và khu vực để dùng chung trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển vùng gắn với phát triển hệ thống điện thông minh, hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện, truyền tải hết công suất các nhà máy sản xuất điện.
Hai là, thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng; tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực phát triển năng lượng thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; tích cực tham gia các hoạt động đầu tư phát triển năng lượng kết hợp phát triển kinh tế rừng, nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Chú trọng công tác trồng rừng thay thế và bảo vệ rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn; tăng cường khoanh nuôi tái sinh, trồng mới rừng, nâng cao năng lực phòng chống, cháy rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, giữ và điều tiết nguồn nước, giảm tác động biến đổi khí hậu, hấp thụ CO2; thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ba là, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục các dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển các dự án năng lượng, chú trọng các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư, nhân dân và cơ quan quản lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; kiểm tra việc vận hành thủy điện đảm bảo đúng quy trình vận hành hồ chứa, giấy phép khai thác tài nguyên nước mặt đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du, dòng chảy môi trường, ưu tiên cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.