Sóc Trăng quan tâm, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo

Thứ năm, 05/12/2024 10:16
(ĐCSVN) - Tỉnh Sóc Trăng có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện; kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng nguồn điện và lưới điện theo định hướng phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung.
 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Sóc Trăng là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở cuối sông Hậu với vị trí địa lý thuận lợi, gần TP.Cần Thơ - trung tâm kinh tế của Vùng (cách 60 km đường bộ theo Quốc lộ 1). Phía Bắc và Tây - Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây - Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông - Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, phía Đông và Đông - Nam giáp biển Đông. Với chiều dài bờ biển hơn 72 km, tốc độ gió trung bình là 6 - 6,4 mét/giây và số giờ nắng trung bình năm là khoảng 2.500 giờ, bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 – 5 kWh/m2/ngày, Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,…).

Với những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định quan điểm: “Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số”.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, góp phần bảo đảm an ninh ngành năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 22 vị trí phát triển điện gió, tổng công suất tiềm năng là 1.470MW; xây dựng Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với định hướng toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 975MW; định hướng phát triển các nhà máy điện sinh khối theo Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 03 nhà máy điện sinh khối.

Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2014. Theo quy hoạch, khu vực tiềm năng phát triển dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có tổng diện tích 37.340 ha với tổng công suất dự kiến là 1.470 MW, gồm 3 vùng, đó là vùng 1: tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW; vùng 2: khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW và vùng 3: khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW.

Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2030. Giai đoạn đến năm 2020 phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí với diện tích khảo sát 27.800ha, quy mô công suất 1.155MW.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 19 dự án điện gió đã được quyết định chủ trương đầu tư với tổng quy mô công suất 1.395MW. Đến nay, có 11 dự án triển khai thi công, trong đó, 7 dự án được đưa vào vận hành thương mại với tổng quy mô công suất là 340 MW; 2 dự án đã xây dựng hoàn thành, đang lập thủ tục để vận hành thương mại, với tổng quy mô công suất là 60MW; 2 dự án đang tiếp tục triển khai thi công, với tổng quy mô công suất là 52,4MW; 8 dự án đã cấp chủ trương đầu tư, nhưng chưa triển khai thi công.

Ngoài điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng mặt trời. Theo đó, Sóc Trăng có số giờ nắng trong năm khá cao, dao động từ 2.292 giờ đến 2.488 giờ, cao nhất thường vào tháng 3 và thấp nhất thường vào tháng 9 hàng năm. Bình quân cả năm có khoảng 6,8 giờ đến 7,5 giờ/ngày. Mục tiêu Quy hoạch là xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước thông qua việc đẩy mạnh phát triển điện từ các dạng năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời. Mục tiêu xác định đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt khoảng 228 MWp, với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 329 triệu KWh. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 1058 MWp, với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 1529 triệu KWh. Các khu vực có thể quy hoạch làm điện mặt trời với tổng diện tích là 1.155 ha. Dự kiến có 14 dự án quy hoạch điện mặt trời, trong đó 7 dự án trước năm 2020 và 7 dự án sau năm 2020. Dự kiến quy hoạch gồm: Phân trường Thạnh Trị có diện tích 662ha; Phân trường Mỹ Phước có diện tích 315ha; khu vực xã Thạnh Thới Thuận có diện tích 1.000ha; khu vực ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu); khu vực ấp Mỏ Ó, Nam Chánh và Sóc Lèo, xã Trung Bình (huyện Trần Đề) kết hợp với 22 vị trí điện gió thuộc quy hoạch điện gió tỉnh.

Ngoài ra, Sóc Trăng còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối với nguồn nguyên liệu khá dồi dào từ cây trồng công nghiệp, lâm nghiệp, bã nông nghiệp, các loài thực vật khác...   

Tính đến nay, tình hình phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, với quy mô, tiến độ cơ bản sát với định hướng phát triển của tỉnh. Đơn cử, về điện gió, theo Quy hoạch, toàn tỉnh phát triển điện gió với tổng công suất tiềm năng là 1.470MW. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án, với tổng công suất 695,2MW và đã khởi công 07 dự án tại vị trí số 1, 3, 5, 6, 7, 19, 20. Ngoài ra, tỉnh cũng đang trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện lực 9 dự án, với tổng công suất 458MW và 01 dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải công suất 800MW.

Bên cạnh đó, theo Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 975MWp. Đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã trình Bộ Công Thương bổ sung 06 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực, với tổng cộng suất 147MWp. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Phân trường Thạnh Trị từ đất nông nghiệp sang đất năng lượng để làm cơ sở kêu gọi đầu tư dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp với công suất 500 MWp.

Về phát triển điện sinh khối, theo Quy hoạch phát triển điện sinh khối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 9486/QĐ-BCT ngày 16/12/2013), Sóc Trăng được quy hoạch phát triển 03 nhà máy điện sinh khối; hiện có Nhà máy điện bã mía Sóc Trăng, công suất 12MW đã hoạt động với sản lượng điện 4,6 triệu kW/năm.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án phát triển lưới điện, với nguyên tắc đầu tư phát triển nguồn điện tương ứng với hệ thống phân phối điện, nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất phát điện cho các dự án; kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng nguồn điện và lưới điện theo định hướng phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ của tỉnh nói riêng và của quốc gia nói chung.

Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, nhất là phát triển điện gió ngoài khơi vùng biển tỉnh Sóc Trăng; ban hành kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động số 34-CTR/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường. Dự báo, tổng công suất của các nguồn điện tại địa phương đến năm 2025 đạt khoảng 2.500 đến 3.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng bảy tỷ kW giờ và đến năm 2030 đạt khoảng 6.500 đến 7.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng 22 tỷ kW giờ. Trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 70 đến 75% vào năm 2025 và khoảng 85% đến 90% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, trong đó có nhấn mạnh đến việc huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng việc ứng dụng năng lượng mới, tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo cho các công trình công cộng, tòa nhà, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hệ thống chiếu sáng đô thị, đường giao thông, báo hiệu giao thông, các cơ sở sản xuất công nghiệp..., có các giải pháp áp dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học, năng lượng sinh khối) trong các hộ gia đình.

Mở rộng hợp tác, tăng cường trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tăng cường tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tìm kiếm, huy động, triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án hỗ trợ đầu tư liên quan đến sử dụng năng lượng mới; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, nghiên cứu và phát triển các trang thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đang kêu gọi đầu tư, cũng như giới thiệu tổng quan về quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn đồng hành, hỗ trợ các thủ tục, giấy phép, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiến hành nghiên cứu, khảo sát các địa điểm tiềm năng để phát triển dự án điện, chủ yếu là điện gió ngoài khơi, điện mặt trời… trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực