Tăng cường các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam

Thứ sáu, 25/03/2022 15:48
(ĐCSVN) - Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới với hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là những loài quý hiếm đã được ghi nhận trong Sách đỏ thế giới như Sao la, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn,…

Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 16/02/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam với mục tiêu và nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm vào Khu bảo tồn loài Sao la và sinh cảnh của chúng cũng như những giá trị đa dạng sinh học tại một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu bảo tồn loài Sao la ở Việt Nam.

Khu bảo tồn Sao la có vị trí ở Tây - Bắc tỉnh Quảng Nam, với diện tích vùng lõi là 15.486,46 ha trãi dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang, vùng đệm trên 35.135,44 ha. Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đai địa hình đất thấp vùng Trung Trường Sơn với hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm đã được ghi nhận trong Sách đỏ Thế giới và Việt Nam như Sao la, Mang Trường sơn, Thỏ vằn,…; thực vật như Kiền kiền, Gõ, Giỗi, Sơn huyết,… Với hệ động thực vật phong phú, quý hiếm như vậy nên đây là nơi thường xuyên bị tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến để khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và săn, bẫy bắt động vật, nên cần ưu tiên bảo vệ.

Nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn động thực vật quý hiếm trước sự tác động của người dân đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã, Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam (gọi tắt là Ban quản lý) đã nỗ lực thực hiện các giải pháp với mục tiêu tăng cường nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xây dựng và sử dụng rừng đặc dụng Khu bảo tồn loài Sao la một cách hiệu quả.

Cán bộ, công nhân viên Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam 

Theo đó, trong năm vừa qua, Ban quản lý đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BQL ngày 04/01/2021 về tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), bảo tồn đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); Chỉ đạo tổ chức triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt Luật Lâm Nghiệp, các văn bản khác liên quan đến công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là các Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị, Nghị quyết của HĐND-UBND tỉnh Quảng Nam về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kết quả: Trên địa bàn huyện Tây Giang đã tổ chức 14 đợt tuyên truyền với 913 lượt người tham gia; trên địa bàn huyện Đông Giang đã tổ chức 16 đợt tuyên truyền với 1.558 lượt người tham gia. Ngoài ra, được sự tài trợ của Dự án dự trữ Các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học, Ban quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với các nhà trường THCS trên địa bàn tổ chức kiện toàn và ra mắt các Câu lạc bộ Kiểm lâm viên nhí năm học 2021-2022.

Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Ban quản lý đã chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Phương án PCCCR trong lâm phận Khu bảo tồn loài Sao la, kiện toàn Ban chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng tại đơn vị; Duy trì công tác tuần tra, giám sát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, khu vực rẫy, rừng trồng và lau lách; Chỉ đạo các Tổ bảo vệ rừng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân cam kết việc sử dụng lửa khi xử lý thực bì và phát đốt nương rẫy phải báo cho Ban quản trị thôn, Tổ bảo vệ rừng của thôn và Kiểm lâm địa bàn để có kế hoạch huy động lực lượng hỗ trợ kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Nhờ vậy, trong năm 2021 không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên lâm phận quản lý.

Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản và quản lý tài nguyên rừng, Ban quản lý đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BQL ngày 04/01/2021 về tuần tra bảo vệ rừng cung ứng DVMTR trong lâm phận Khu bảo tồn Sao la; Chỉ đạo hai Trạm QLBVR Atép và Sông Kôn, các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra truy quét định kỳ tại hầu hết các tiểu khu trong vùng lõi để tháo dỡ, tịch thu và hủy tất cả các tang vật vi phạm như: Bẫy động vật hoang dã, cưa, rựa, máy móc, dây kéo gỗ, các lán trại cư trú của các đối tượng săn bắt, khai thác trái phép động vật và gỗ, đẩy đuổi các đối tượng cư trú bất hợp pháp trong rừng; Đôn đốc giám sát công tác tuần tra bảo vệ rừng của các công đồng nhận khoán bảo vệ rừng chi trả DVMTR trên địa bàn. Kết quả: Trên địa bàn huyện Tây Giang đã tổ chức được 76 đợt tuần tra và kiểm tra việc phát nương rẫy của nhân dân tại khu vực giáp ranh; trên địa bàn huyện Đông Giang tổ chức 84 đợt tuần tra và kiểm tra việc phát nương rẫy của nhân dân tại khu vực giáp ranh.

Không chỉ chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam còn quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển và sử dụng rừng. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Tây Giang có tổng diện tích cung ứng DVMTR được chi trả là 8.609,5ha; 7 cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng với 3.760,61 ha; tự quản lý bảo vệ 4.848,89 ha. Trên địa bàn huyện Đông Giang có tổng diện tích cung ứng DVMTR được chi trả là 6.694,79 ha; 9 cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng với 5.233,33 ha; tự quản lý bảo vệ 1.461,46 ha.

Bên cạnh đó, Ban quản lý đã phối hợp với WWF Việt Nam thực hiện việc thiết lập, thay Pin và tháo gỡ các bẫy ảnh tự động; số pin này được thu gom và đưa về Văn phòng BQL Khu bảo tồn loài Sao la xử lý để tránh ô nhiễm môi trường.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp: Tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm trong công tác QLBVR, PCCCR và chi trả DVMTR; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, tháo dở các loại bẫy kết hợp với giám sát bảo tồn đa dạng sinh học; Tăng cường hoạt động có hiệu quả Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Chỉ đạo Tổ bảo vệ rừng và phối hợp cùng các lực lượng chức năng, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật liên ngành tại vùng trọng điểm để tuần tra truy quét các đối tượng vi phạm về quản lý bảo vệ tài nguyên rừng; Tổ chức thực hiện Phương án Quản lý rừng bền vững Khu bảo tồn loài Sao la giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 05/02/2021; Tiếp tục thực hiện Phương án giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp thuộc lâm phận KBT;… nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn cho xã hội./.


T.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực