(ĐCSVN) – Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra các chương trình đột phá, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm ngập nước; ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị...
|
Thành phố Hồ Chí Minh mang dáng vóc của đô thị văn minh hiên đại (Ảnh: K.V) |
Với các chương trình đột phá trên, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao đã được bày tỏ, qua đây cho thấy sự quan tâm sâu sắc của mọi người dân tới sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing cho biết, để đánh giá kỹ hơn, chúng ta có thể xem xét chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Những năm trước đây, ngành dịch vụ chỉ chiếm trên 51%, nhưng đến nay đã chiếm gần 60%. Nông nghiệp chỉ còn khoảng dưới 1% và theo hướng đi vào nông nghiệp công nghệ cao. Với Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu kinh tế không chạy theo tốc độ tăng trưởng cao, mà phải chú trọng tới chất lượng về tăng trưởng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp; qua đó, thông tin kịp thời đến doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Thành phố để doanh nghiệp tiếp cận, tham gia.
Theo GS. TS Phương Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, muốn nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thành phố, phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, đưa ra những chính sách đúng đắn. Theo đó, hội nhập đang hiển hiện trước mắt đối với Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đóng góp tới 1/5 GDP quốc gia và 1/3 nguồn thu ngân sách. Điều này buộc Thành phố Hồ Chí Minh phải “làm mới” các nguồn lực vốn có của mình và nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để hội nhập ngay tới đây, nhất là khi cuối năm 2015 này, cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành.
Mục tiêu trên là rất lớn nhưng Thành phố Hồ Chí Minh có đủ khả năng trở thành trung tâm lớn về về các lĩnh vực như: Kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ. Thành phố hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực ASEAN. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực chất lượng ngày cao và vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không giữa miền Đông Nam Bộ , miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên; vị trí giao lưu hợp tác quốc tế.
GS. TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tâm đắc và đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong 5 năm tới với 14 chỉ tiêu chủ yếu, 7 chương trình đột phá. Ông cũng tin tưởng, với những cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, những nỗ lực, đồng thuận, phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, Thành phố sẽ đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra. Trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, GS. TS Chu Phạm Ngọc Sơn tâm đắc với mục tiêu ghi khá rõ trong Báo cáo chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp là đào tạo phải gắn kết với doanh nghiệp, với yêu cầu thực tế, nhất là gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những biện pháp cụ thể, tháo gỡ những khó khăn, tạo được sự kết hợp hài hòa rất cần thiết giữa đào tạo nghiên cứu với sản xuất và đời sống.
Ông Trần Văn Đông - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong những năm qua, điểm nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh là việc đào tạo, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ ở các cấp, các ngành. Điều đó thể hiện sự quan tâm, mạnh dạn, tin tưởng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với đội ngũ cán bộ trẻ.
Ông Lâm Duy Nhân, nguyên Phó ban Thường trực Ban An ninh nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí với những mục tiêu, giải pháp, chương trình đột phá của Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X. Ông chú trọng vấn đề xây dựng con người mới trong phát triển văn hóa.
Trung tướng Lê Thành Tâm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những chương trình đột phá của Thành phố trong 5 năm tới là những nội dung cơ bản liên quan chặt chẽ, vì vậy, để thực hiện cần xã hội hóa, xác định mọi người phải đồng tâm, hiệp lực cùng thực hiện. Để thực hiện các chương trình đột phá thuận lợi, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải cụ thể hóa, có quy trình, lộ trình, tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài, nhất là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân như: Tình trạng ngập nước, tai nạn giao thông, môi trường đô thị… Thực hiện thành công những đột phá trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chủ đề của Đại hội: "Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á"./.