Năm 2024 là năm nước ta có rất nhiều hoạt động để kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm năm tròn ngày sinh các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; kỷ niệm năm tròn sự kiện lịch sử quan trọng. Trong đó, có thể kể đến như: kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024); kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024); kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024); kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024); Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024);…
Nhằm lan tỏa nội dung, giá trị, ý nghĩa của các sự kiện trên đến toàn thể hệ thống chính trị và tất cả các tầng lớp nhân dân, không thể không kể đến vai trò của công tác tuyên truyền.
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:
- Đại tá Tống Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Quốc phòng;
- Đại tá, TS. Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Bộ Quốc phòng;
- ThS. Hoàng Thanh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương.
|
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi với các vị khách mời về công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Hoàng Thanh Hải, xin đồng chí cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước ta trong năm 2024?.
Đồng chí Hoàng Thanh Hải: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước chuẩn hóa việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, qua việc ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010, Kết luận số 88-KL/TW, ngày 18/2/2014 của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013, Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018. Cùng với đó, hằng năm, Ban Bí thư đều ban hành văn bản chỉ đạo, cho chủ trương tổ chức kỷ niệm các sự kiện; gần đây nhất là chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023 - 2025 và nhiều văn bản chỉ đạo khác có liên quan. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Ban Bí thư cũng đã họp thông qua đề án đối với từng sự kiện và cho chủ trương triển khai, giao nhiệm vụ cho từng ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Năm 2024, đối với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8567-CV/VPTW ngày 29/11/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc chủ trương thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra lời kêu gọi cả nước hướng về Điện Biên anh hùng và nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước ta liên quan tới việc trùng tu, tôn tạo các công trình phục vụ kỷ niệm, việc tổ chức lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, mời khách quốc tế, mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự các hoạt động kỷ niệm,…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta bên cạnh những thuận lợi còn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải kiên định con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu tổng quát của chúng ta, đó là: “Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy khát vọng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao và đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, tổ chức các hoạt động kỷ niệm bảo đảm trang trọng, đúng tầm vóc của sự kiện, cân đối với các sự kiện, các nhân vật lịch sử, các vùng miền, có trọng tâm, trọng điểm, mang ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt, điều rất quan trọng, đó là phải hướng tới nhân dân, để nhân dân được thụ hưởng.
|
Theo đồng chí Hoàng Thanh Hải (bên phải), công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng được tiến hành bài bản, có tính hệ thống, lộ trình, kế hoạch cụ thể. |
PV: Như đồng chí Hoàng Thanh Hải vừa chia sẻ, năm 2024 là năm đất nước ta có nhiều lễ kỷ niệm lớn. Vậy đồng chí cho biết thêm, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể như thế nào?
Đồng chí Hoàng Thanh Hải: Trong 3 năm 2023-2025, đất nước ta kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng. Để thực hiện tốt công tác này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động tham mưu xây dựng Đề án tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong 3 năm, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng; tham mưu Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Bí thư bằng việc ban hành Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW ngày 20/9/2022 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023-2025, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo, thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội XIII: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng” và “tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng”.
Đối với năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 126-HD/BTGTW ngày 19/12/2023 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024. Trong đó, có 19 ngày lễ trong nước, 3 ngày lễ quốc tế, nhấn mạnh đến 3 sự kiện quy mô cấp quốc gia, mà quan trọng nhất là sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”, mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (7/5/1954 - 7/5/2024). Hai sự kiện còn lại có quy mô cấp quốc gia, đó là kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân. Trong các sự kiện của năm 2024, có 3 sự kiện liên quan mật thiết đến nhau, đó là: kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ngoài chỉ đạo, định hướng theo lộ trình 3 năm 2023-2025, theo kế hoạch từng năm, trước mỗi sự kiện Ban Tuyên giáo Trung ương đều ban hành Hướng dẫn, Công văn định hướng và Đề cương tuyên truyền về từng sự kiện.
Như các đồng chí đã thấy, đầu năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ,…
Cùng với đó, trong quá trình triển khai các hoạt động kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì làm việc với các cơ quan bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo triển khai các hoạt động lớn cấp Trung ương, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và nắm tình hình trong quá trình triển khai thực hiện.
Có thể nói, công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện được tiến hành bài bản, có tính hệ thống, lộ trình, kế hoạch cụ thể (từ 3 năm, 1 năm và đối với riêng cho từng sự kiện), qua đó, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội. Đồng thời, phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm, bảo đảm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
PV: Thưa đồng chí Tống Văn Thanh, năm 2024 là năm rất quan trọng khi kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Cục Tuyên huấn đã có những chuẩn bị, chỉ đạo như thế nào?
Đồng chí Tống Văn Thanh: Để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, Cục Tuyên huấn đã chủ trì xây dựng đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện này và đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án này.
Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2023.
Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Quốc phòng đã giao cho Cục Tuyên huấn chủ trì, xây dựng kế hoạch để Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong triển khai các hoạt động kỷ niệm này theo đề án.
Cùng với đó, Cục Tuyên huấn đã tham mưu trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động này trong nội bộ của quân đội. Từ đề án này cùng với các kế hoạch của Bộ Quốc phòng, hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân sẽ được tổ chức phong phú, đa dạng trên 9 nhóm hoạt động chính và tổng số trên 70 hoạt động chủ yếu. Các hoạt động này thể hiện trên tất cả các mặt, bao gồm từ công tác tuyên truyền, công tác thi đua, hoạt động chính sách, dân vận, hoạt động kỷ niệm, đối ngoại quốc tế,...
Ngay sau khi kế hoạch này xác định rõ các phần việc như vậy, Cục Tuyên huấn đã tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập Ban Tổ chức để chỉ đạo, triển khai các hoạt động này. Ban Tổ chức gồm 40 thành viên, trong đó, mời 16 đồng chí là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương tham gia vào Ban Tổ chức và 24 đồng chí là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Ban Tổ chức này.
Trên cơ sở các phần việc, Ban Tổ chức đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng thành các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bảo đảm cho đúng tiến độ.
Đến thời điểm hiện nay, các hoạt động được triển khai rất nền nếp và bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng tốt. Trong đó có nhiều hoạt động đã được triển khai và tạo được dư luận, tình cảm tốt trong các tầng lớp nhân dân. Ví dụ như các hoạt động tuyên truyền giáo dục, hoạt động chính sách dân vận, thực hiện các các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
|
Đồng chí Tống Văn Thanh cho biết, các hoạt động chuẩn bị cho kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân được triển khai rất nền nếp và bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng tốt. |
PV: Thưa đồng chí Tống Văn Thanh, năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, nội dung tuyên truyền về ngày kỷ niệm này cần nêu bật ý nghĩa lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô; truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng. Để đảm bảo được nội dung này, Cục Tuyên huấn đã có sự phối hợp triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Tống Văn Thanh: Để tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô đạt được các yêu cầu trên, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều yếu tố, gồm con người, các hoạt động cụ thể...
Về con người, Cục Tuyên huấn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của ban, bộ, ngành, trong đó, đặc biệt là với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, lựa chọn các nhân sự tham gia vào các Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các hoạt động cụ thể để triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Thứ hai, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và thành phố Hà Nội, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trong quân đội đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về Thủ đô Hà Nội, kể cả về lịch sử, văn hóa, về con người, những thành tựu, chiến công nổi bật của Thủ đô sau 70 năm ngày giải phóng, đặc biệt là 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của đất nước.
Thứ ba, chúng tôi phối hợp, tham gia triển khai cuộc thi tìm hiểu 70 năm giải phóng Thủ đô, đặc biệt là lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia rất tích cực.
Thứ tư, chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan chuẩn bị tốt nhất cho “Hành trình tuổi trẻ tiếp lửa truyền thống - cống hiến tương lai”. Đây là hoạt động dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 9/2024, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô với 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân.
Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội và các cơ quan chức năng tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về sự kiện này.
Và một hoạt động nữa có sức ảnh hưởng tuyên truyền rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân và cán bộ chiến sĩ trong quân đội, đó là phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô vào đúng ngày 10/10/2024.
PV: Thưa đồng chí Lê Thanh Bài, trong năm 2024 có rất nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ quan trọng. Vậy Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã có những hoạt động như thế nào để góp phần tuyên truyền cho những sự kiện này?.
Đồng chí Lê Thanh Bài: Trước hết, với chức năng là một cơ quan nghiên cứu khoa học, việc đầu tiên của chúng tôi, đó là phải cung cấp những cơ sở khoa học để phục vụ trong dịp lễ kỷ niệm này.
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị và Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và tiến hành các hoạt động rất sớm để chuẩn bị cho các sự kiện kỷ niệm này.
Ví dụ, để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những việc đầu tiên của chúng tôi, đó là tham gia vào đề án, để góp phần bổ sung cơ sở kiến thức lịch sử, hoàn chỉnh sớm nhất đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, chúng tôi tham gia, phối hợp với ban thanh niên quân đội, Trung ương Đoàn tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc thi này thu hút rất đông bạn trẻ trên cả nước tham gia và được tổ chức thi hằng tuần. Mỗi tuần, có 10 câu hỏi để thanh niên cả nước cùng tham gia. Tôi nghĩ đây là một hình thức rất sáng tạo trong thời đại công nghệ số hiện nay để tuyên truyền lịch sử.
Thứ hai, với trách nhiệm của cơ quan khoa học lịch sử thì đây là một dịp để chúng ta thống nhất lại lịch sử.
PV: Để góp phần lan tỏa những sự kiện quan trọng như đã đề cập, theo đồng chí Hoàng Thanh Hải, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để hiểu hơn về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, truyền thống cách mạng, lòng tự tôn dân tộc thông qua những sự kiện lớn này?.
Đồng chí Hoàng Thanh Hải: Năm 2024, như tôi đã chia sẻ, đất nước ta có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng, lịch sử, vẻ vang của Đảng, dân tộc, thông qua các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử, chúng ta cần phải làm tốt một số nội dung sau.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc vai trò, vị trí của công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, khẳng định đây là một hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng, là một phương thức hiệu quả mà Đảng và Nhà nước ta sử dụng để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân, phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp của sự kiện, nhân vật được kỷ niệm trong hiện tại và tương lai.
Thứ hai, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, sớm xây dựng các đề án, kế hoạch, tăng cường công tác phối hợp và tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm được phân công trong Hướng dẫn số 126-HD/BTGTW ngày 19/12/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và các Hướng dẫn riêng cho từng sự kiện, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, quy mô, tầm vóc và tính chất của sự kiện, nhất là sự kiện cấp quốc gia. Đồng thời, có tính kế thừa, đổi mới, thiết thực, hiệu quả, hướng đến nhiều đối tượng để nhân dân được thụ hưởng. Cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm, cần phát động các phong trào thi đua yêu nước chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, gắn với việc đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng căn cứ kháng chiến, nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo, định hướng không ngừng, nâng cao chất lượng, nguồn nội dung tuyên truyền về các sự kiện, nhân vật được kỷ niệm, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, lịch sử, bài học quý giá của các sự kiện, ngày lễ, về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng…;phản ánh, tuyên truyền kịp thời những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó khẳng định con đường chúng ta kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn là hoàn toàn đúng đắn.
Thứ tư, chúng ta cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, kết hợp giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống và hình thức tuyên truyền hiện đại. Trong đó, chúng ta phải tận dụng, khai thác hiệu quả ưu thế của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền.
Có thể thấy thời gian vừa qua, các đồng chí cũng đã xem một số chương trình trình diễn ánh sáng ở Nha Trang, Hà Nội, chúng ta có sử dụng công nghệ Drone để trình chiếu. Đây là một trong những hình thức rất hiệu quả và thu hút giới trẻ, nếu được khai thác trong tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử sẽ tạo hiệu ứng cao và lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
PV: Quan điểm của đồng chí Tống Văn Thanh về vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Tống Văn Thanh: Tôi nhất trí cao với ý kiến của đồng chí Hoàng Thanh Hải. Tôi xin bổ sung thêm một số giải pháp mà thực tế đã cho thấy rất hiệu quả trong thời gian qua.
Thứ nhất, chúng ta tăng cường tuyên truyền thông qua việc phát hành các tài liệu, đề cương, ấn phẩm tuyên truyền. Đây là một kênh thông tin chính thống để cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng tư tưởng và phục vụ cho việc tự nghiên cứu học tập của các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai là, chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây là một hình thức rất quan trọng, bởi có những nội dung, chúng ta không thể truyền tải hết được bằng văn bản. Hình thức tuyên truyền miệng này sẽ tác động trực tiếp vào công tác tuyên truyền và tạo ra hiệu quả rất tốt.
Thứ ba là tuyên truyền thông qua các hoạt động. Ví dụ như chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm, gặp mặt, tọa đàm, nói chuyện truyền thống hoặc là kể chuyện chiến đấu.
Ví dụ như một chiến sĩ đã từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ và bây giờ kể chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoặc là thông qua thi tìm hiểu; xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Tôi thấy nếu như các nội dung cần tuyên truyền được đưa vào các tác phẩm nghệ thuật thì hiệu quả sẽ mang lại rất lớn và rất dễ được tiếp cận, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Tôi nghĩ, đây là hình thức tuyên truyền mà chúng ta nên quan tâm, làm tốt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải tận dụng và phát huy tối đa những ưu thế của internet, mạng xã hội, các nền tảng số để làm tốt công tác tuyên truyền.
Một nội dung nữa, tôi nghĩ cũng rất hiệu quả, đó là tuyên truyền thông qua các phong trào. Ví dụ như cả nước đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính thông qua những việc làm, hoạt động như vậy đã góp phần tuyên truyền và làm cho sức sống của sự kiện càng sâu rộng hơn.
|
Theo đồng chí Lê Thanh Bài, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tiến hành các hoạt động rất sớm để chuẩn bị cho kỷ niệm các sự kiện lớn trong năm 2024. |
PV: Đồng chí Lê Thanh Bài có bổ sung thêm ý kiến nào không?
Đồng chí Lê Thanh Bài: Để tuyên truyền có hiệu quả, theo tôi, trong vô vàn sự kiện của một dịp kỷ niệm, chúng ta cần phải tìm lấy những sự kiện điển hình nhất, những sự kiện có thể gắn với cuộc sống của nhân dân nhất và gắn với từng tầng lớp và từng đối tượng để chúng ta tuyên truyền. Ví dụ, chúng ta nói về Hà Nội 60 ngày đêm khỏi lửa thì bộ phim “Đào, phở và piano”, mặc dù không thể mô tả một cách trọn vẹn nhưng những lát cắt đó, tạo được ấn tượng với người xem.
Với chúng tôi, trong mỗi dịp tuyên truyền, mỗi dịp hội thảo, chúng tôi phải chọn ra một chủ đề mà chủ đề đấy làm sao vừa toát được tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện nhưng phải gắn được với hiện tại. Tôi nghĩ, đây cũng chính là điều góp phần tuyên truyền hiệu quả hơn những ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước.
(còn nữa…).