Bài 1: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng

Thứ tư, 16/10/2024 08:22
(ĐCSVN) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng và hoàn thiện phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và toàn xã hội. Với tinh thần đó, mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".
Quang cảnh buổi trao đổi. 

Đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Mở đầu bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là thời điểm cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên. Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:

- PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng các cơ quan Đảng Trung ương.

- TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.  

 

PV: Thưa hai vị khách mời, bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ra đời trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa như thế nào?

PGS. TS. Vũ Văn Phúc:  Theo tôi, bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, có ý nghĩa rất to lớn trong giai đoạn hiện nay của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được đăng và được Nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ rất cao. Chúng ta thấy, sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của Nhân dân thì luôn luôn vận động, phát triển để phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Điều này yêu cầu Đảng ta phải thường xuyên tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của mình, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới bến bờ thắng lợi.

 PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng các cơ quan Đảng Trung ương. 

Ở giai đoạn hiện nay, Đảng đang tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 40 năm đổi mới. Chúng ta tổng kết có cả những bài học thành công và bài học chưa thành công qua 40 năm đổi mới. Trong đó có tổng kết về công tác xây dựng Đảng, tổng kết về quá trình xây dựng, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Đất nước ta đang bước vào một khởi điểm mới, một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu. Điều đó đòi hỏi là phương thức lãnh đạo của Đảng phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Do đó bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ra đời rất kịp thời. Nó mang tính định hướng cho toàn Đảng ta trong việc tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước cũng như sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tô Lâm rất có ý nghĩa và thực chất dẫn dắt định hướng của chúng ta sắp tới. Bởi vì trong bài viết đó, cái mệnh đề mà chúng ta cần quan tâm nhất là thời đại mới, thời kỳ mới. Thế thì thời kỳ mới đang là như thế nào? Điều này rất quan trọng. Thời kỳ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói là thời kỳ của cách mạng 4.0 và linh hồn của nó lại là cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo.

Và tất cả các nhà khoa học đều nói rằng, với cuộc cạnh mạng trí tuệ nhân tạo thì định hình thế giới mới, nó chỉ xảy ra trong vài ba chục năm. Chúng ta thấy, 10 ngàn năm, 400 năm, 30 năm thôi, thời đại rất là khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có lấy câu của Lênin là, nhiệm vụ chúng ta đã khác. Và chúng ta nhìn vào quá khứ, sử dụng những cái đã ở trong quá khứ đã thấy là một thời đại rất khác. Bây giờ chúng ta ngồi nói như thế này, chúng ta ghi hình ở đây là công nghệ số cả. Bây giờ nếu mà số hóa thì dữ liệu nó tích tụ. Và dữ liệu nó lớn đến đâu thì hiểu nghĩa, phân tích của chúng ta càng đúng đến đấy.

Thế thì chúng ta thấy thế giới riêng cuộc cạnh mạng về trí tuệ nhân tạo đó là rất khác rồi. Như vậy thì buộc lòng một đảng muốn dẫn dắt dân tộc ở trong giai đoạn mới như thế này, là dứt khoát phải đổi mới, và phải có phương thức lãnh đạo, cầm quyền mới, đổi mới hơn nữa. Tôi cũng thấy đấy chỉ là một mặt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thôi. Chứ còn tình hình địa chính trị thế giới, các vấn đề đối đầu giữa các lực lượng trên thế giới định hình như thế nào là những vấn đề đang diễn ra. Và như vậy nếu chúng ta chỉ sử dụng công cụ tư duy cũ thì rất là khó rồi.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. 

Đất nước ta bước vào giai đoạn vươn mình. Tôi nghĩ Tổng Bí thư nói rất đúng chỗ này: Cuộc cách mạng nông nghiệp thì tôi không có dữ liệu, nhưng mà cách mạng công nghiệp thì rõ ràng là chúng ta bất cập, nhỡ dòng. Nhưng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo thì có vẻ là không. Bởi vì người Việt chúng ta đang sử dụng trí tuệ nhân tạo như Chat GPT, Gemini, hay là Copilot…  Chúng ta hội nhập vào thế giới nó rất là nhanh như vậy, và cơ hội nó rất là khác. Tổng Bí thư nói rằng chúng ta ở giai đoạn để dân tộc vươn mình. Chúng ta với tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể vươn mình như Thánh Gióng. Thì đấy là đòi hỏi phải đổi mới sự lãnh đạo như thế nào để dẫn dắt dân tộc vào khu vực cách mạng này.

 PV: Vâng, về phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đặt ra ngay từ khi mà Đảng ta bắt đầu thành lập. Và về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thì chúng ta bắt đầu có khái niệm từ Đại hội Đảng lần thứ VII. Vậy thì xin được hỏi PGS TS Vũ Văn Phúc là trong bài viết của Tổng Bí thư thì đã khái quát sự phát triển quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng như thế nào?

PGS TS Vũ Văn Phúc: Ngay mở đầu bài viết thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói là hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì Đảng ta luôn luôn tìm tòi, phát triển, hoàn thiện, bổ sung phương thức lãnh đạo của mình. Và chính sự hoàn thiện, bổ sung phương thức lãnh đạo của mình cho nên Đảng ta mới lãnh đạo đất nước ta vượt qua mọi thác ghềnh và giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong thực tiễn, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta đều kiểm nghiệm, đánh giá lại phương thức lãnh đạo của mình. Từ đó bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo. Tôi chỉ lấy ra 2 dẫn chứng thôi. Dẫn chứng thứ nhất, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 thì Đảng ta đã khẳng định phương thức lãnh đạo của mình trong thời kỳ quá độ. Nhưng đến Cương lĩnh 2011 bổ sung, phát triển thì Đảng ta lại tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình trong Cương lĩnh 2011.

Dẫn chứng thứ hai, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa X thì Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số số 15 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X thì Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ban hành Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Ngay tên 2 Nghị quyết này đã có sự khác nhau rồi. Như vậy chúng ta thấy là, Đảng ta thường xuyên rút kinh nghiệm, đánh giá, kiểm điểm lại và bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình. Gần đây nhất chúng ta thấy là tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII thì Ban Chấp hành Trung ương cũng khẳng định là đất nước đang bước vào một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới, cho nên là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tô Lâm rất có ý nghĩa và thực chất dẫn dắt định hướng của chúng ta sắp tới.

 PV: TS. Nguyễn Sĩ Dũng có cái nhìn như thế nào về cái việc Đảng ta đã liên tục đổi mới và hoàn thiện các phương thức lãnh đạo, cầm quyền của mình trong suốt hơn 94 năm qua?

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ rằng đó là việc diễn ra thường xuyên. Chính nhờ đổi mới mà Đảng ta tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta. Lãnh đạo là gì? Lãnh đạo là đưa ra tầm nhìn và dẫn dắt. Dẫn dắt thì nó khác với quản lý. Quản lí anh có thể đi sau để thúc. Nhưng lãnh đạo là phải đi trước dẫn dắt nên anh phải có tầm nhìn của anh. Anh phải thấy rằng thời đại đấy là thế nào? Nhiệm vụ, chiến lược đang tạo ra như thế nào? Và anh dẫn dắt cả dân tộc đi. Như vậy, thời đại thay đổi, các yêu cầu thay đổi thì rõ ràng tầm nhìn của anh nó phải thay đổi. Thế thì, lãnh đạo bây giờ là lãnh đạo cái gì? Lãnh đạo là phải xây dựng dữ liệu lớn, là phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để dữ liệu đó nó nói cho chúng ta là chúng ta phải làm gì hoặc hoạch định đưa lối như thế nào thì đấy là điều đương nhiên nó phải xảy ra./. 

(còn nữa)

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực