Bài 1: Vượt qua thử thách, bứt phá vươn lên

Thứ năm, 21/03/2024 11:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.

Bài 2: Kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống"

Các vị khách mời tham gia chương trình.  

Từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,... kinh tế-xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề.

Trong bối cảnh tình hình đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực. Đó cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:

- PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

 Tạo vị thế cho Việt Nam về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, môi trường

PV: Các đồng chí đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế sau Đại hội XIII của Đảng?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến rất to lớn, đa dạng, phức tạp và đương nhiên là cũng rất khó dự báo. Trong đó chúng ta thấy rằng cũng xuất hiện những nhân tố mới, thuận lợi, thậm chí thời cơ cho chúng ta tận dụng để phát triển. Một trong những chuyển động tạo ra nhiều cơ hội cho chúng ta đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới, mặc dù vẫn có những cản trở, khó khăn nhưng vẫn được khẳng định là xu thế lớn của thế giới.

Chúng ta có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi để tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu quá trình hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, chúng ta có những hoạt động ngoại thương, giao lưu quốc tế với quy mô ngày càng lớn và với chiều sâu được tăng cường rất đáng kể.

Rồi sự xuất hiện mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của những thiết bị công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cũng tạo ra cơ hội rất lớn cho tất cả các quốc gia, trong đó có chúng ta để tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế nước nhà và thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa theo chiều sâu. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương rộng lớn vẫn nổi lên xu thế lớn là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, tiếp tục khẳng định là trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới ngày nay mà tổ chức các nước Đông Nam Á ASEAN, trong đó có Việt Nam tích cực, tranh thủ trong khuôn khổ liên kết và hợp tác Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPPPP) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

 

Ở trong nước có nhiều nhân tố thuận lợi, đó là những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được trong quá trình đổi mới. Nó tạo ra tiền đề rất là quý báu, vững chắc để chúng ta vượt qua những khó khăn và tiếp tục đạt những thành tựu mới.

Đương nhiên, bên cạnh đó, tình hình thế giới và trong nước cũng có nhiều những chuyển động gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn. Hậu quả sau dịch bệnh COVID-19, rồi những cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ trên thế giới cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó làm chia tách thế giới ra làm các tuyến khác nhau, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Những luồng gió bất lợi ấy đặt ra cho chúng ta những yêu cầu rất cấp bách là phải điều chỉnh chủ trương, chính sách, cách thức điều hành vĩ mô nền kinh tế nước nhà…

PGS.TS Trần Trần Đình Thiên: Phải nhấn mạnh mấy năm vừa qua, bối cảnh trên thế giới cực kỳ đặc biệt. Đương đầu với thách thức, trong đó có dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát là nổi bật.

Thứ hai là toàn cầu hóa nhưng không phải chỉ đến với nhau thân tình mà còn là xung đột.

Thứ ba, có một yếu tố nữa về mặt xu hướng chúng ta không thể quên được là tác động cực kỳ lớn đến thế giới và đến ứng xử thế giới và Việt Nam, đó là biến đổi khí hậu. Tình trạng trái đất nóng lên, bão tố biến đổi không lường, nước biển dâng, hạn hán, cháy rừng, bệnh dịch… cũng là một trong những hệ quả mà chúng ta phải gánh chịu. Ba yếu tố này nổi lên trong những năm vừa qua có thể khái quát thành những từ: Bất thường không dự báo được. Khi bất thường dẫn đến bất ổn, đặc biệt là kinh tế và bất ổn dẫn đến bất trắc, trong đó có bất trắc về mặt chính sách (vì không biết đường nào mà lường), dẫn đến tình trạng “quay xe” – "quay xe" là để ứng phó với tình hình.… Nói tóm lại mấy năm vừa rồi, chúng ta đương đầu với thách thức là nhiều. Trong đó, COVID-19, đứt chuỗi, lạm phát là nổi bật mà chúng ta trụ được như vậy phải nói là rất giỏi. Chúng ta giữ được lòng tin của thế giới. Đây là 3 năm thử thách bản lĩnh Việt Nam, bản lĩnh ở đây thể hiện là thực lực của chúng ta…

PGS.TS Trần Đình Thiên: "Chúng ta đã thể hiện được khả năng chống chịu tốt không phải chỉ về mặt kinh tế và chúng ta tạo vị thế cho Việt Nam về chính trị, xã hội, đối ngoại và về mặt môi trường...".

Có thể vẫn có nhiều điểm hiện ra là điểm yếu nhưng tôi cho rằng đấy cũng theo nghĩa là Đảng đã nhận diện được để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm….  Chúng ta đã thể hiện được khả năng chống chịu tốt không phải chỉ về mặt kinh tế và chúng ta tạo vị thế cho Việt Nam về chính trị, xã hội, đối ngoại và về mặt môi trường. Môi trường của chúng ta được cải thiện và tới đây sẽ có tác dụng mạnh.

Vượt qua thử thách, bứt phá vươn lên

PV: Vậy những khó khăn chủ quan và khách quan như các đồng chí phân tích ở trên đã tác động thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta trong nửa nhiệm kỳ qua?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Những chuyển động trên thế giới tác động rất nhiều chiều đến tất cả các quốc gia, dân tộc, các nền kinh tế trên thế giới, nhưng riêng đối với Việt Nam, nó tạo ra một tình thế có thể nói là đặc thù như đồng chí Trần Đình Thiên vừa nêu ra. Đấy là độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Nó phản ánh thành công trong hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của chúng ta.

Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trong những năm qua gấp rưỡi, thậm chí có năm gấp đôi tổng giá trị GDP của đất nước. Nếu tính về con số so sánh, tôi chưa thấy có một nền kinh tế nào, một quốc gia nào có độ mở lớn hơn Việt Nam. Bởi vậy, những chuyển động của thế giới nói chung trên tất cả các lĩnh vực tác động rất trực tiếp, mau lẹ, phức tạp đến nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Một biểu hiện rất rõ, chúng ta cố gắng nhiều lắm, nhưng năm vừa qua – 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu không bằng năm 2022 vì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu đứt gãy. Phân tuyến, phân mảnh chia cách nhau thì tác động trực tiếp ngay. Điều này yêu cầu chúng ta phải thực hành một năng lực phản ứng chính sách và trên thực tế chúng ta đã làm phản ứng chính sách rất thành công. Đây là yêu cầu khách quan đặt ra buộc chúng ta phải làm thế và đương nhiên chúng ta phải điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những tác động trực tiếp buộc chúng ta phải thực hiện dưới tác động của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong bối cảnh như thế thì cũng tác động nhiều tuyến, nhiều hướng khác nhau. Tôi nói ví dụ như là ảnh hưởng COVID-19 ghê gớm lắm. Nó tác động đến du lịch, hàng không, lưu thông kinh tế…. Thế giới là đứt thật, nhưng may chúng ta hơi chậm lại nhưng giữ được cái mạch ấy. Thế giới lạm phát lên ầm ầm mà nước ta kinh tế mở mà ta giữ được lạm phát thấp. Chúng ta xuất khẩu ra thế giới trong điều kiện lạm phát thấp, chính là giúp cho thế giới một phần hưởng lợi. Điều này quan trọng lắm…

Đặc biệt có điều này ít người nói, đó là tác động công nghệ cao. Tôi cho đấy là tác động mang tính dẫn dắt. Đó là cơ hội rất lớn nhưng thực ra là ta chưa đủ năng lực nên nó thành thách thức. Nguồn nhân lực ở đâu? Doanh nghiệp yếu, rồi thế giới công nghệ thì chưa chuyển giao, vốn liếng của mình thì thấp… Làm sao xử lý vấn đề này? Nhưng 3 năm vừa rồi, đặc biệt là năm 2023, chúng ta mở tuyến và tạo được lòng tin là Việt Nam kết nối được với cấu trúc phát triển mới và tạo lòng tin. Tất nhiên đó là cơ hội, nhưng cũng là áp lực. Đấy là những tác động nhưng trong hoàn cảnh khó như vậy mà chúng ta vượt qua thử thách và bứt lên….

Kịp thời đưa ra những quyết định trước những vấn đề lớn của đất nước

PV: PGS.TS Nguyễn Viết Thảo phân tích như thế nào về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế ?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: "Từ sau Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã bám sát Văn kiện Đại hội, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời thích ứng kịp thời với bối cảnh mới cho nên đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất đúng đắn, kịp thời và phù hợp".

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Từ sau Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đã bám sát Văn kiện Đại hội, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời thích ứng kịp thời với bối cảnh mới cho nên đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất đúng đắn, kịp thời và phù hợp.

Thứ nhất, đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan từ Nhà nước đến Chính phủ, chính quyền các cấp giữ vững nền kinh tế vĩ mô, kịp thời điều chỉnh những chỉ tiêu và áp dụng những chính sách cần thiết, đặc thù trong bối cảnh đặc thù. Ngôn ngữ của chính trị thế giới người ta định nghĩa đây là phản ứng chính sách, rất kịp thời, rất hiệu quả.

Tôi chỉ nhìn vào hoạt động của Quốc hội thôi, nhất là năm 2023. Chúng ta tổ chức 5 kỳ họp Quốc hội thì có 3 kỳ bất thường. Việc tổ chức thành công những kỳ họp bất thường của Quốc hội để giải quyết những vấn đề rất đặc thù nổi lên một cách như PGS.TS Trần Đình Thiên nói là bất ngờ, bất ổn, bất trắc và phản ứng chính sách vĩ mô.

Chúng ta kịp thời đưa ra những quyết định trước những vấn đề lớn của đất nước. Đồng thời đưa ra những cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù và đưa ra những nghị quyết, quyết sách quan trọng đáp ứng với đòi hỏi bối cảnh mới của thế giới.

Ví dụ như chúng ta ra Nghị quyết về đánh thuế thu nhập doanh nghiệp để thực hiện các chủ trương chung của thế giới chống xói mòn thuế. Chúng ta đưa ra những quyết định về chính sách, cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Đây cũng là một điều rất cần thiết để hoàn thiện hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thậm chí lớn hơn là hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương, trong đó đặt ra một yêu cầu rất cơ bản và cấp thiết, đó là phân cấp, phân quyền và kiểm soát quyền lực.

Phân cấp, phân quyền là một nét chung của cải cách Chính phủ, cải cách hành chính trên thế giới nhưng mà không vì thế mà buông lỏng kiểm soát quyền lực. Đối với Việt Nam chúng ta trong một thể chế chính trị rất riêng có là một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền. Chúng ta cần làm nhưng làm với nội dung và cách thức riêng. Tôi cho rằng quyết định của Chính phủ cho thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương, trong đó có những đô thị đặc biệt như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rất cần thiết và có ý nghĩa.

Chúng ta cũng rất thận trọng trước những dự luật vô cùng lớn, nền tảng như Luật Đất đai. Chúng ta đã phải lui lại thời gian bỏ phiếu thông qua Luật là rất cần thiết. Vì đây là luật mà tác động đến đời sống của đông đảo người dân trong nước.

Hơn nữa, chúng ta tổ chức hẳn một hội nghị toàn quốc đánh giá về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị đó nhưng vô cùng cần thiết. Đây là một cuộc tổng rà soát, không chỉ là hoạt động riêng của Quốc hội mà là hoạt động phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ, thậm chí là sự rà soát lại sự lãnh đạo, chỉ đạo Trung ương đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Những cái nào chúng ta phối hợp giữa các nhánh quyền lực Nhà nước chưa hiệu quả thì trong hội nghị ấy chúng ta đã nêu ra và cái nào làm tốt rồi thì thấy là phải tiếp tục triển khai. Hội nghị ấy còn có ý nghĩa chúng ta thực hiện những cam kết quốc tế. Nói nôm na, khái quát là chúng ta thực hiện Luật quốc tế mà chúng ta đã tự nguyện tham gia cho hài hòa với hệ thống luật quốc gia mà chúng ta đã ban hành. Bởi chúng ta biết rồi, chúng ta không thể thay được luật quốc tế và nếu có gì đấy mà nó chưa thật sự khớp nhau thì điều chúng ta phải điều chỉnh, áp dụng một cách linh hoạt là từ phía luật quốc gia. Do đó, hội nghị đó là nét mới mẻ, là dấu ấn rất xứng đáng được nhấn mạnh trong hoạt động của Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, nhất là năm 2023.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc biệt, khó khăn. Mà càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải tập trung lãnh đạo, càng phải thống nhất ý chí và Đảng đã thể hiện được câu chuyện ấy rất là rõ ràng. 

Phối hợp tạo sự cộng hưởng sức mạnh, lòng tin

PV: PGS.TS Trần Đình Thiên có đánh giá như thế nào, nhất là về lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương và về vai trò của những quyết sách kịp thời và quyết liệt của Quốc hội, trong phục hồi và phát triển kinh tế trong hơn nửa nhiệm kỳ qua?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Giai đoạn vừa qua là giai đoạn rất đặc biệt, khó khăn. Mà càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải tập trung lãnh đạo, càng phải thống nhất ý chí và Đảng đã thể hiện được câu chuyện ấy rất là rõ ràng. Đường lối chỉ đạo thống nhất, nhất quán, rõ ràng, rành mạch, không có sự ngả nghiêng, phân ly. Từ câu chuyện chống dịch, thay đổi đường lối, chính sách chống dịch, điều hành kinh tế trong dịch để tương thích. Đặc biệt là đối ngoại cứ thế đi lên, mở ra tầm cao. Thế giới phải thấy lạ lùng khi chúng ta mở quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ, nhảy một bước nhảy vọt theo nghĩa đã chín muồi và hợp với thời đại…

Hay hai đồng chí lãnh tụ của hai nước lớn đến Việt Nam trong phạm vi vài tháng, nâng cấp chiến lược với Nhật Bản… Hay cuối năm 2023, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đi thăm rất nhiều nước để nâng tầm quan hệ… Trên toàn tuyến chúng ta thấy sự nhất quán với nhau và có sự lãnh đạo tập trung, xuyên suốt.

Thứ hai, Chính phủ, Quốc hội phải nói là hợp đồng tác chiến rất tốt giúp cho đất nước xử lý rất nhanh, đúng hướng các vấn đề đặt ra. Từ chuyện chống dịch, các chính sách cụ thể phải lấy ý kiến từ Quốc hội rồi mới có chính sách. Rồi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Đây là một chương trình rất lớn mà Quốc hội cũng thông qua rất nhanh và cũng đặt đúng tầm Chính phủ đề xuất.

Hay câu chuyện quy hoạch quốc gia. Đây là vấn đề rất mới thành luật, Chính phủ cũng nhanh chóng làm và Quốc hội thông qua rất khẩn trương và thống nhất… Hay vấn đề văn hóa chẳng hạn. 3 năm vừa rồi là một trong những điểm rất nổi bật chính là vai trò của văn hóa trong sự phát triển nói chung, đặc biệt như là một nguồn lực kinh tế cực kỳ mạnh. Vai trò của Quốc hội tạo sự lan tỏa rất lớn…

Tất nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm vì cơ chế cũ còn rất nhiều vấn đề, thoát khỏi nó không dễ. Tôi là người không phải hay khen bộ máy nhưng thấy rằng các tuyến phối hợp tốt. Quốc hội mấy năm vừa rồi hoạt động đúng luật, mà đã đúng luật là sẽ hiệu quả nên cứ thế mà làm. Đặc biệt hoạt động phối hợp tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh, hiệu ứng cộng hưởng và tạo được lòng tin. Nếu chúng ta làm cho sự phối hợp dở đi chúng ta mất nhiều hơn và không đo đếm được, đấy là lòng tin.

PV: PGS.TS Nguyễn Viết Thảo có bổ sung gì thêm ý kiến PGS.TS Trần Đình Thiên không?

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Tôi muốn bổ sung thêm một số thành tựu hoạt động của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Trung ương đã kịp thời không chỉ ra những nghị quyết về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trong bối cảnh đầy biến động thế này,  mà còn rất chủ động ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ lâu dài, cơ bản. Ví dụ, Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết về một số vùng kinh tế trọng điểm…Đặc biệt là Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đưa ra những quan điểm kịp thời, những chủ trương rất đúng đắn để tạo điều kiện cho Quốc hội và Chính phủ thể chế hóa thành những khung khổ pháp lý.

PGS.TS Nguyễn Viết Thảo: Trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao thể hiện rất là hiệu quả, rõ ràng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm thành tựu trên lĩnh vực đối ngoại của chúng ta. Đến nay, Việt Nam chúng ta có mấy cái nhất thế này. Chúng ta có nhiều bạn bè, đối tác nhất thế giới. Liên hợp quốc có 193 quốc gia thành viên, đến nay Nhà nước Việt Nam chúng ta có quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Thứ hai, chúng ta có một hệ thống các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện cũng nhất thế giới. Chúng ta hiện nay có 6 đối tác chiến lược toàn diện, có 12 đối tác chiến lược và 12 đối tác toàn diện, cộng với 3 mối quan hệ đặc biệt. Đây là phản ánh chiều sâu trong hệ thống các quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Một cái nhất nữa trong đối ngoại là Việt Nam là nước duy nhất hiện nay có khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện với cả Trung Quốc, Mỹ và Liên bang Nga. Tôi cho rằng đây là những điều hành lãnh đạo rất thành công, đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Trên lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao thể hiện rất là hiệu quả, rõ ràng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam./.

(Còn nữa)

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực