Bài 2: Hài hòa, nhuần nhuyễn​ và toàn diện trong xây dựng Đảng, đối ngoại

Thứ ba, 13/02/2024 09:32
(ĐCSVN) - Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiều lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng đã được triển khai kịp thời, kiên trì, kiên quyết,... tạo ra sự chuyển biến rất tích cực ​và toàn diện ​trên các mặt công tác. Cùng với đó công tác đối ngoại cũng đạt được những thành công rất lớn, ​vừa mang lại nguồn lực cho phát triển đất nước, vừa nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế.

Vững vàng vượt khó vì lợi ích của Nhân dân

Các vị khách mời tham gia chương trình.  

Đó cũng chính là nội dung tiếp tục trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:

- PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

- GS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Nhân dân nhìn thấy sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có bản lĩnh, có dũng khí, nhìn thẳng vào sự thật

PV: Các đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nửa nhiệm kỳ vừa qua?

GS Phùng Hữu Phú: Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đến Đại hội XIII, cả về nhận thức lý luận, cả về lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nâng lên một tầm mức mới. Chủ đề và cũng là tư tưởng chỉ đạo Đại hội XIII đặt lên hàng đầu tiên là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Vấn đề xây và chống được kết hợp rất nhuần nhuyễn, vẫn xây là cơ bản, chiến lược, lâu dài, rất coi trọng “chống”. “Chống” là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trước mắt nhưng phải làm thường xuyên. Chúng ta thấy, về mặt nhận thức, hành động thực tiễn, nửa nhiệm kỳ qua, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều thành tích rất nổi bật, rất tích cực.

Về nhận thức, trước đây, nói về xây dựng Đảng, chúng ta chỉ nói xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đến Đại hội XII, chúng ta bổ sung thêm xây dựng Đảng về đạo đức và Đại hội XIII bổ sung thêm nữa thành xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó vấn đề cán bộ là then chốt của then chốt. Cho nên nửa nhiệm kỳ vừa rồi, công tác cán bộ đặc biệt chú trọng. Các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương, cán bộ cương vị càng cao càng phải nêu gương. Trước hết là Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, chúng ta cũng nói đến việc phải xây dựng một đội ngũ cán bộ “7 giám”. Chúng ta cần một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, vượt qua khó khăn để đổi mới. Công tác cán bộ được nhấn mạnh, đồng thời được tiếp tục gắn với xây dựng đạo đức, cả xây dựng đạo đức trong Đảng nói chung và xây dựng đạo đức của đội ngũ cán bộ đảng viên nói riêng. Tiếp tục triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết, lãnh đạo phải học để nêu gương cho đảng viên, Nhân dân. Đây là một nhận thức rất mới về nguyên tắc xây dựng Đảng.

 

Trên lĩnh vực chỉnh đốn Đảng, chưa bao giờ mà chúng ta triển khai quyết liệt, dứt điểm, nhất quán, không có vùng cấm, không ngoại lệ việc phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chưa bao giờ mà số tổ chức Đảng, các cán bộ đảng viên bị xử lý kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao nhiều như lần này. Không phải càng chống thì càng nhiều mà vì chúng ta làm nghiêm cho nên những sự kiện trước kia bị bỏ qua, bây giờ được xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai trong toàn Đảng, toàn dân.

Chỉnh đốn Đảng không còn chung chung nữa. Chỉnh đốn Đảng là chỉnh đốn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Quy định rất mới những điều đảng viên không được làm... Nói một cách tổng quát lại, nhiệm kỳ này một trong những điểm nhấn được Nhân dân rất hoan nghênh, rất ủng hộ, ngày càng tin tưởng. Đó là Đảng không sợ khuyết điểm, mà Đảng dám nhìn thẳng vào khuyết điểm của mình với quyết tâm sửa chữa thật sự, quyết liệt theo đúng tinh thần cộng sản.

PGS.TS Lê Hải Bình: Có thể nói, GS Phùng Hữu Phú đã nêu rất sâu sắc bề dầy của một người đã được chứng kiến qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng. Tôi chỉ muốn nêu thêm như thế này. Đó là 94 mùa xuân qua đó, Đảng đã lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua những thách thức vô cùng to lớn. Thực tiễn lịch sử cho thấy, đứng trước mỗi sự chuyển đổi đều có thể gặp những thách thức to lớn, chưa từng có. Chúng ta cũng đã từng đi qua những thách thức chưa từng có trong công cuộc đấu tranh dành hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước mà nhiều dân tộc khác nhìn vào cũng rất thán phục là tại sao chúng ta có thể vượt qua được. Khi đối mặt với những thách thức, cũng có một bộ phận nhất định dao động, có một bộ phận nhất định hèn nhác nhưng đại bộ phận và về căn bản là cán bộ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam là giữ vững vững bản lĩnh, niềm tin vào con đường Đảng đã chọn... 

Thế rồi trong công cuộc đổi mới cũng vậy. Và cho đến nay, có thể nói rằng, có nhiều những thách thức tác động vào đội ngũ cán bộ đảng viên như những mặt trái nền kinh tế thị trường, rồi chuyện hội nhập quốc tế, rồi những cái mới của đời sống nó tác động rất là sâu sắc... Chúng ta phải nói rằng, với cái nhìn khách quan, cũng sẽ có một bộ phận này, bộ phận kia nhưng về căn bản đại đa số hơn 5,4 triệu đảng viên vẫn giữ vững bản lĩnh, cốt cách của người cộng sản. Ta lấy minh chứng từ đâu? Thực tiễn kiểm nghiệm cho tất cả. Ta hãy nhìn vào chặng đường nửa nhiệm kỳ vừa qua, trong đại dịch COVID, trong những tuyến đầu bảo vệ quốc phòng, an ninh, trong tuyến đầu phát triển kinh tế - xã hội đều là những cán bộ đảng viên cả. Họ vẫn tiếp tục tinh thần nêu gương, xông pha trên tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy mà trong bối cảnh rất khó khăn như chúng ta đã phân tích từ đầu, đất nước vẫn đạt được những thành tựu rất to lớn. Nguyên nhân thành tựu GS Phùng Hữu Phú phân tích rất rõ ràng. Chỉ có một đảng đầy bản lĩnh, một đảng có sức chiến đấu, một đảng luôn nhìn thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm của mình để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đội hình nghiêm chỉnh thì mới có khả năng lãnh đạo đất nước đi qua những thác ghềnh vừa rồi và đạt được những thành tựu như hiện nay.

PV: Cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn trong công tác xây và chống, chúng tôi thấy là trong thời gian qua, những chuyển động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương ngày càng rõ rệt hơn với việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chống tham nhũng, tiêu cực. Các đồng chí có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Lê Hải Bình: Chúng ta phải nói rằng, với cái nhìn khách quan, cũng sẽ có một bộ phận này, bộ phận kia nhưng về căn bản đại đa số hơn 5,4 triệu đảng viên vẫn giữ vững bản lĩnh, cốt cách của người cộng sản

PGS.TS Lê Hải Bình: Tôi nhớ tại Hội nghị Trung ương thống nhất về chủ trương này thì sự đồng thuận là tuyệt đối. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn, sự thống nhất nhận thức rất lớn từ Trung ương đến địa phương. Câu chuyện này cũng thể hiện bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung cũng như về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Có thể nói là tính biện chứng rất là lớn.

Lúc nãy GS Phùng Hữu Phú có nói về nêu gương, chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương. Như vậy là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải từ những người cao nhất trở xuống và có thể nói là hiện nay những thành tựu mà chúng ta có được trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính vì chúng ta có một tập thể lãnh đạo là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương mà điều quan trọng người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người rất mẫu mực, người chiến sĩ tiên phong trong công cuộc này.

Thế nhưng mà ở một khía cạnh khác, phòng chống, đặc biệt là phát hiện phải ngay từ cơ sở, làm tốt ngay từ cơ sở. Việc kết hợp này chúng ta thấy là việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương hợp thực tiễn, phù hợp với lý luận và cho đến lúc này nó đã chứng minh được tính đúng đắn của nó.

GS Phùng Hữu Phú: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác của toàn Đảng, trong đó lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ này là rất quan trọng. Chúng ta thấy trong vòng 2 nhiệm kỳ vừa rồi, chúng ta có 2 bước kiện toàn rất quan trọng. Trong năm 2013 thì quyết định chuyển Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị mà trực tiếp Tổng Bí thư làm trưởng ban đã tạo ra sự thay đổi có hiệu quả rất rõ rệt. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa rồi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phòng, chống tham nhũng phải từ trên xuống và từ dưới lên để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, thế là quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của các tỉnh, thành. Nó tạo thành một hệ thống đồng bộ. Chúng ta thấy là từ khi có chủ trương này, nhiều vấn đề tiêu cực ở các địa phương mới được xử lý, phát hiện kịp thời hơn.

Trong tổng kết 10 năm việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng chuyển về trực thuộc Bộ Chính trị, khi rút ra bài học và định hướng sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh là phải tiếp tục kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các lực lượng trực tiếp phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đặc biệt là các ban chỉ đạo. Tôi thấy là chủ trương đó là rất đúng đắn.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. 

PV: Vậy thì kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực có ý nghĩa và tác động như thế nào đến việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như là củng cố niềm tin của người dân, thưa đồng chí Lê Hải Bình?

PGS.TS Lê Hải Bình: Kết quả trong nửa nhiệm kỳ qua đã khiến cho niềm tin của Nhân dân vào Đảng cao hơn. Niềm tin này đã được xây dựng, bồi đắp qua chặng đường 94 năm Đảng lãnh đạo Nhân dân, lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo đất nước của chúng ta cho đến lúc này vẫn tiếp tục được giữ vững, tiếp tục được củng cố hơn nữa. Vì sao? Bởi vì Nhân dân nhìn thấy được lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản có bản lĩnh, có dũng khí, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, nhìn thẳng vào những  yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước, và trước hết là công cuộc xây dựng Đảng để từng bước hoàn thiện mình.

Có thể nói rằng, cứ mỗi khi có những kết qủa mới của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thì Nhân dân lại thêm tin vào con đường đất nước đang đi. Rõ ràng chúng ta nhìn lại câu chuyện đã phân tích từ đầu càng thấy thêm bản lĩnh và dũng khí của Đảng. Ngay trong quá trình xử lý những thách thức chưa từng có đến từ thế giới và ngay trong nội tại, xử lý những vấn đề đó để mà vẫn tiếp tục có được những thành quả kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ, quốc phòng an ninh được giữ vững, thành quả đối ngoại rất đáng tự hào… Ngay trong tiến trình đó, đối mặt với ngần ấy thách thức nhưng Đảng vẫn tiếp tục quan tâm đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên thực tế, đây là một trong yếu tố rất quan trọng để Đảng tiếp tục vững vàng chèo lái đất nước trong bối cảnh rất nhiều những sóng gió như hiện nay.

Công tác đối ngoại - Nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế 

PV: Một lĩnh vực quan trọng đạt được thành công rất lớn là công tác đối ngoại trong nửa đầu nhiệm kỳ. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19 trong những năm 2020 - 2022 hoạt động đối ngoại của chúng ta vẫn rất sôi động và đem lại hiệu quả cao, nhận được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế. Thưa PGS.TS Lê Hải Bình đâu là nguyên nhân tạo nên kết quả này?

PGS.TS Lê Hải Bình: Trước khi nói về đối ngoại, tôi muốn quay lại những nguyên nhân của những thành tựu mà chúng ta đạt được về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tức là về đối nội. Kết lại là chúng ta luôn có một nền tảng và có mục tiêu vì lợi ích, hạnh phúc của Nhân dân. Chính những điều này đã tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trên mặt trận đối ngoại, chúng ta kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới, là thành viên rất tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

 

Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục kế thừa những thành tựu trong các kỳ đại hội trước. Nhưng điều quan trọng là những thành tựu này và cách khái quát cái cốt lõi, kết  tinh này lại rất phù hợp với những giá trị chung mà nhân loại đang hướng tới. Chính trong thời kỳ khó khăn, rất phức tạp của đại dịch COVID-19, trong thời kỳ xung đột khắp nơi, trong thời kỳ mà niềm tin bị xói mòn, chủ trương của Việt Nam độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Giá trị của Việt Nam luôn luôn tích cực và trách nhiệm chung, đóng góp vào sự hợp tác, đóng góp vào việc xây dựng lòng tin thì nó trở nên là giá trị phổ quát mà tất cả các nước đều thấy phù hợp.

Tôi nhớ trong hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khi quán triệt Nghị quyết về Đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước cũng đã nêu lại một bài học rất sâu sắc mà Bác Hồ nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công. Phải chăng khi nói về đại đoàn kết trước, tức là nói về đoàn kết quốc tế. Chúng ta có đoàn kết quốc tế thì chúng ta sẽ đại thành công.

Quay lại câu chuyện năm 2023 và đặc biệt là giữa nhiệm kỳ, chúng ta thấy rằng là dường như ở Việt Nam có một nghịch lý là thế giới càng bị phân mảnh, thế giới càng xói mòn niềm tin, bạn bè lại càng đến với Việt Nam. Chúng ta lại càng thắt chặt hơn mối quan hệ hết sức quan trọng của chúng ta. Ngay cả trong tháng 1 mở màn cho năm 2024 này, chúng ta lại tiếp tục đón những vị nguyên thủ khắp nơi trên thế giới đến với chúng ta, trao đổi bàn thảo cả về những vấn đề như ứng phó những thách thức trước mắt và cả định hướng chiến lược lâu dài để có thể thấy rằng, những giá trị mà chúng ta nêu ra là phù hợp với con đường tiến bộ của nhân loại, tiến bộ của thế giới trong bối cảnh mới.

PV: GS Phùng Hữu Phú thì nhận định như thế nào với những thành công của công tác đối ngoại Việt Nam chúng ta trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua và những kết quả này góp phần như thế nào đối với quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cũng như là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế?

GS Phùng Hữu Phú:  Tôi có thể khẳng định công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đóng góp rất tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

GS Phùng Hữu Phú: Như đồng chí Lê Hải Bình đã nói là công tác đối ngoại của chúng ta vì có đường lối đối ngoại đúng đắn nên thành công. Tôi muốn nói thêm một vài ý thế này. Một là đường lối đối ngoại của ta là một đường lối rất chân thành, đối ngoại theo cách truyền thống của chúng ta là khoan dung, hòa hiếu trên sự chân thành. Đó là cơ sở để tạo ra niềm tin chiến lược.

Thứ hai, đối ngoại của ta thành công là vì ta luôn luôn gắn lợi ích của dân tộc mình, quốc gia mình với lợi ích của khu vực, quốc tế cho nên đã tạo được sự đồng thuận, sự tin tưởng của các nước. Đúng là cùng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngoại giao và đối ngoại là một thành công nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua. Cùng một lúc, chúng ta đón các nguyên thủ quốc gia lớn đến Việt Nam. Chúng ta xử lý mối quan hệ với láng giềng, với các nước lớn truyền thống đều rất hài hòa.

Thành công về đối ngoại nó mang ý nghĩa toàn diện lắm. Đối ngoại là kinh tế, đối ngoại là quốc phòng, cho nên đối ngoại thành công mở kênh để chúng ta đi vào thế giới, để thế giới đến với chúng ta. Câu chúng ta nói kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - chủ yếu đi qua kênh đối ngoại.

Bác Hồ nói rất hay là công tác đối ngoại phải đi tiên phong trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Có nhiều chuyện rất phức tạp, nhưng nếu giải quyết khéo, giỏi bằng ngoại giao tiết kiệm xương máu mà giải quyết được những vấn đề để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ lúc đất nước chưa nguy là sứ mệnh ngoại giao, đối ngoại. Cho nên trong nửa nhiệm kỳ vừa rồi khó khăn như vậy, nhưng đối ngoại đóng góp rất tích cực. Vì sao mà khó khăn như thế nhưng đầu tư FDI của ta vẫn tăng, sự đầu tư của các nước vào Việt Nam vẫn tăng lên. Công sức và đóng góp của đối ngoại rất thiết thực. Tôi có thể khẳng định công tác đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đóng góp rất tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

PV: PGS.TS Lê Hải Bình có bổ sung thêm gì về sự tác động của công tác đối ngoại đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như là nâng cao vị thế của Việt Nam?

PGS.TS Lê Hải Bình: Văn kiện Đại hội XIII đã phân tích rất sâu sắc về bối cảnh. Bối cảnh thế giới từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp thêm và có những điểm chưa từng có tiền lệ, vượt ra ngoài các dự báo của cả trong nước và các nước trên thế giới, trong đó có các nước lớn. Hiện nay phải nói rằng tình hình thế giới có những đặc điểm mà nó đặt ra cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, trong đó có cả các quốc gia vừa và nhỏ. Trong đó thì thách thức phải nói là nhiều hơn...

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23-24/01/2024. 

Quan hệ giữa các nước lớn cũng tạo ra những thách thức rất lớn trong việc chúng ta phải lựa chọn chính sách thế nào để có thể ứng xử phù hợp với tất cả các nước lớn trong bối cảnh những cọ xát, va chạm ngày càng nhiều thêm. Những thách thức của an ninh truyền thống, phi truyền thống cũng tạo ra thách thức là chúng ta phải chơi với ai, hợp tác với ai để có đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu đang tác động đến đất nước chúng ta.

Thế rồi cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư cũng tạo ra cơ hội và thách thức. Trong đó có thách thức chúng ta phải chơi với đối tác nào để có thể tận dụng được những cơ hội cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư mang đến. Tất cả những cơ hội và thách thức này, trong đó tôi phải nhấn mạnh là thách thức nhiều hơn tác động tất cả. Thế nhưng cộng đồng quốc tế nhận xét là không nhiều quốc gia có được những thành quả đối ngoại như Việt Nam, thậm chí họ còn gọi là Việt Nam có “tuyệt kỹ ngoại giao”. Đến lúc này khi nhìn lại thì hầu như chúng ta hóa giải được tất cả những bài toán mà thời cuộc đã đặt ra như GS Phùng Hữu Phú nói. Đầu tư toàn thế giới sụt giảm nhưng đầu tư vào Việt Nam thì tăng với tốc độ rất cao, thị trường thế giới thì suy thoái nhưng mà chúng ta xuất siêu với con số kỷ lục. Các nước vừa và nhỏ rất khó khăn trong ứng phó trong mối quan hệ phức tạp với các nước lớn thì chúng ta lại nâng tầm quan hệ với tất cả các nước lớn quan trọng nhất trên thế giới này. Chúng ta có được những cam kết, những tuyên bố chung rất quan trọng để tiếp tục có nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, qua đó nắm bắt được những cơ hội của cách mạng công nghệ lần thứ tư để tiếp tục tạo ra những đột phá cho quá trình phát triển của đất nước. Có thể nói rằng, đối ngoại, ngoại giao của chúng ta vừa đảm bảo được an ninh như GS Phùng Hữu Phú nói là bảo vệ đất nước từ sớm từ xa, vừa mang lại nguồn lực cho phát triển đất nước, vừa nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực