Bài 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Chủ nhật, 14/01/2024 16:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Muốn đất nước phát triển đạt tới những mục tiêu đã đề ra thì tiềm năng, tri thức của đội ngũ trí thức Việt Nam cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa; những hạn chế yếu kém cần phải được khắc phục hoặc xóa bỏ. Trong đó, cơ chế chính sách để tạo môi trường cho trí thức hoạt động, sáng tạo và cống hiến cần phải hợp lý hơn hiện nay, phù hợp với đòi hỏi của hoạt động trí tuệ.

Bài 1: Cơ chế, chính sách chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân

Các đại biểu tham gia chương trình tọa đàm. 

Đó chính là trao đổi, đề xuất của 3 vị khách mời:

- TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

- PGS.TS Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

- GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

 

PV: Trong rất nhiều trường hợp thì kết quả nghiên cứu khoa học có thể sẽ không thành công hoặc rẽ sang một hướng nghiên cứu khác. Vậy việc không chấp nhận rủi ro, không cho phép thất bại trong các quy định hiện hành thì có thể khiến cho các nhà khoa học không dám dấn thân. Các vị khách mời có ý kiến như thế nào về điều này?

TS Nguyễn Quân: Đây là vấn đề mà chúng ta đã nói rất nhiều trên tất cả các diễn đàn, kể cả khi Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ trong một số kỳ họp Quốc hội trước đây. Từ xa xưa, ông cha ta đã tổng kết: “Thất bại là mẹ thành công”, không ai có thể thành công ngay lập tức nếu như không có các trải nghiệm, trong đó có những thất bại. Nếu làm nghiên cứu khoa học, tức là chúng ta phải tìm ra cái mới - cái mà chúng ta chưa có.

Đã là đi tìm ra cái mới, cái chúng ta chưa có thì chắc chắn xác suất thành công không cao. Bởi vì nếu nghiên cứu nào cũng thành công thì chắc là chúng ta không cần phải nghiên cứu khoa học nữa. Chính vì thế mà chúng tôi rất nhiều năm theo đuổi quan điểm là phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trên thực tế thì chúng tôi vẫn quan niệm rằng những thất bại ấy cũng phần nào có thể coi là những thành công. Bởi vì khi chúng ta thất bại thì người khác không đi vào những lối mòn thất bại đó nữa, tránh được những thất bại đó cũng như là có thể phát hiện ra những vấn đề mà nó sẽ không bao giờ thành công để những người làm nghiên cứu có thể tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết để sau này có thể thành công.

Chính vì thế mà chúng tôi thấy nhiều khi dư luận xã hội, nhất là các cơ quan truyền thông cũng hiểu chưa đúng vấn đề này nên áp đặt các đề tài nghiên cứu của cộng đồng khoa học phải thành công, phải được nghiệm thu, đánh giá, được ứng dụng vào thực tiễn, trong khi tỷ lệ đó ngay cả các nước phát triển cũng ở mức khiêm tốn. Ngay cả Hoa Kỳ người ta đánh giá tỷ lệ các nghiên cứu khoa học thành công và có thể ứng dụng được chỉ trên dưới 20% số lượng các đề tài nghiên cứu. Ở Việt Nam, nếu chúng ta áp đặt tư duy là đã nghiên cứu thì phải thành công, không bỏ ngăn kéo thì đấy là từ duy rất là bất lợi cho những người làm nghiên cứu, khiến cho họ không dám dấn thân.

TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. 

Trước đây, tôi cũng đã nhiều lần nói rằng có 3 loại đề tài phải bỏ ngăn kéo. Một là đề tài nghiên cứu cơ bản, đi trước để đặt nền móng cho nghiên cứu ứng dụng. Có thể có những nghiên cứu sau hàng chục năm mới có thể ứng dụng được. Thứ hai là những đề tài nghiên cứu có thể có khả năng ứng dụng nhưng không tìm được nhà đầu tư hoặc là chưa đến giai đoạn mà các nhà đầu tư quan tâm. Và như vậy nó chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm, chưa kể ra được thị trường thì cũng phải có một thời gian chờ đợi khi mà xu hướng phát triển đáp ứng được hoặc là các nhà đầu tư quan tâm đến thì nó mới thực sự biến thành sản phẩm. Và tất nhiên là bất kể quốc gia nào thì cũng có loại thứ 3, tức là nghiên cứu không thành công, không ứng dụng được và phải bỏ ngăn kéo. Nhưng như tôi đã nói thì chúng ta cũng nên quan niệm đấy cũng là một kiểu, một loại nghiên cứu mà chúng ta coi là bước đệm để người ta có thể thành công trong tương lai.

PGS.TS Phạm Minh Phúc: Tôi cũng cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học bản chất là phải tìm ra cái mới và phải khám phá ra bản chất của sự vật, hiện tượng, tư duy. Trong lĩnh vực khoa học xã hội thì trong một chừng mực nào đó vẫn có thể nói thành công nhưng có thể nó cũng đi sang một ngã rẽ khác, chứ không phải nếu chưa nghiên cứu chúng ta đã hình dung ra kết quả rồi thì cần nghiên cứu để làm gì? Cho nên là phải chấp nhận rủi ro hoặc là chấp nhận nó có thể đi sang một ngã rẽ khác.

TS Nguyễn Quân cũng đã phân tích 3 loại đề tài. Đối với nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là nghiên cứu cơ bản trong một số lĩnh vực khó có thể áp dụng được ngay mà có những nghiên cứu phải sau 10-15 năm như TS Quân nói. Hoặc là trong khoa học xã hội thì Nghị quyết 27 hay Nghị quyết 45 đã nói các nhà khoa học xã hội, bên cạnh việc nghiên cứu thì phải tham gia vào việc phản biện và giám định xã hội. Nhưng nếu chúng ta không nghiên cứu cơ bản thì không thể tư vấn chính sách, không thể tham gia được giám định hay phản biện xã hội. Kết quả đó được sử dụng sau chứ không phải ngay tức khắc là nhìn thấy ngay kết quả ứng dụng. Vấn đề này có lẽ cũng cần phải nhìn nhận một cách rất toàn diện, thận trọng, khách quan.

PV: Thưa GS Lê Anh Tuấn, chúng tôi thấy hiện nay đội ngũ trí thức chủ yếu tập trung ở các đơn vị lớn như Đại học Quốc gia, một số các trường đại học trọng điểm hay là Viện Hàn lâm Khoa học và ở các thành phố lớn. Điều này đặt ra đối với các địa phương, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa là rất khó có thể thu hút được đội ngũ trí thức phục vụ phát triển của địa phương. GS có nhận định như thế nào về ý kiến này?

GS Lê Anh Tuấn: Trước tiên chúng ta cần phải làm rõ rằng, các cơ sở giáo dục đại học lớn cũng như các viện, trung tâm nghiên cứu lớn hiện nay tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn của Việt Nam. Điều đó là một điều hoàn toàn bình thường bởi những nơi đấy là nơi tập trung tài năng vì chúng ta đầu tư để phát triển trở thành những cơ sở có tầm cỡ của quốc tế. Nhu cầu lớn nhất là tập trung tài năng, tập trung trí thức từ đấy. Đó cũng chính là những nơi sản sinh ra trí thức. Thế còn vấn đề trí thức cống hiến ở các địa phương thì phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương thu hút nhân tài ở các đơn vị, các tỉnh đó.

Tôi nghĩ rằng trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, tôi thấy rằng với chính sách này, các tỉnh đặc biệt là các tỉnh vùng xa phát huy khá tốt việc thu hút được khá nhiều trí thức trẻ giàu nhiệt huyết, yêu quê hương trở về để công tác. Tuy nhiên, chúng ta vừa trao đổi, hệ thống thang bảng lương, môi trường làm việc năng động kích thích nhiệt huyết. Đó là điều quan trọng nhất để thu hút trí thức.

 GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội. 

PV: Ngày 20 tháng 12 vừa qua lần đầu tiên Việt Nam có nhà khoa học được trao giải thưởng VinFuture. Để xây dựng được một đội ngũ các nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới và đạt được các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực thì Việt Nam sẽ phải cần có cơ chế đột phá như thế nào?

TS Nguyễn Quân: Có thể nói chúng ta có chủ trương, có nghị quyết của Đảng nhưng việc thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tôi nghĩ rằng để hình thành được một đội ngũ nhà khoa học giỏi, đặc biệt là những nhà khoa học có đẳng cấp thế giới, Việt Nam cần có những chính sách mang tính đột phá, tạo ra được những tập thể khoa học mạnh mà điều đó thì hiện nay chúng ta chưa làm được, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu lớn có thể làm ra được những sản phẩm rất quan trọng của quốc gia.

Đôi khi chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng, đối với các nhà khoa học, chúng ta cứ đãi ngộ tiền lương, có thu nhập tốt là được rồi. Nhưng thực lòng mà nói các nhà khoa học công nghệ coi tiền lương và chế độ đãi ngộ chỉ là một phần thôi. Mặc dù rất quan trọng nhưng cái quan trọng hơn đối với những người làm khoa học để có thể theo đuổi được đam mê - đó chính là điều kiện làm việc. Họ phải được tự chủ trong hoạt động nghiên cứu, phải được cơ quan quản lý quan tâm, thường xuyên trao đổi, đặt hàng.

Nếu một nhà khoa học được lãnh đạo địa phương mời về làm việc nhưng cả năm không ra việc thì cho dù có tiền lương cao, người ta cũng không thể nào tiếp tục làm việc trong môi trường như thế. Các nhà khoa học phải có tự do học thuật, được giao lưu quốc tế, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất của thế giới, tiếp cận với những tài liệu chuyên ngành, được tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, rồi họ cũng phải được tôn trọng, tôn vinh...

Tất cả những yếu tố đó tạo nên một môi trường làm việc. Họ phải có những người đồng nghiệp cùng trình độ, cùng chí hướng và được Nhà nước giao nhiệm vụ. Nếu chúng ta làm được điều đó cộng với đãi ngộ về tiền lương và thu nhập, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có một đội ngũ các nhà khoa học lớn, mạnh và trong tương lai chúng ta cũng có thể có nhiều nhà khoa học sẽ được vinh danh trên trường quốc tế, thậm chí có thể giành được những giải thưởng cao của thế giới.

PV: Với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 và bây giờ là Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng  yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, PGS.TS Phạm Minh Phúc nghĩ và nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức?

PGS.TS Phạm Minh Phúc: Tôi nghĩ rằng là trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đột phá để tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức có những điều kiện tốt nhất để tham gia nghiên cứu khoa học và công hiến.

PGS.TS Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chế độ tiền lương cũng như là điều kiện làm việc vẫn là một điều cơ bản, cần thiết. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết 45, Đảng đã giao cho 2 Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn Lâm xây dựng các đề án, tôi rất mong các đề án đó sớm được phê duyệt và sớm đi vào cuộc sống để đội ngũ trí thức có cơ hội cống hiến cho sự phát triển của đất nước./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực