(ĐCSVN) - Chức năng, nhiệm vụ giám sát của Quốc hội giữ vai trò quan trọng như thế nào và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua ra sao thì đã rõ. Tuy nhiên, việc giám sát của Quốc hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đây thực sự là những “rào cản” cần phải có giải pháp kịp thời khắc phục nhằm phát huy vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của Nhà nước. 

Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua là điểm sáng quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri, Nhân dân và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, giám sát của Quốc hội vẫn còn một số “điểm nghẽn” “làm khó” hoạt động giám sát cần khắc phục mà các báo cáo của Quốc hội cũng đã nêu ra. Đó là do phạm vi giám sát của Quốc hội còn rộng, các chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát đôi khi còn chưa sát với thực tế, chưa kịp thời giải quyết được những thắc mắc, khiếu nại của người dân. Các cơ quan nhà nước chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chưa tập trung, xem xét, giải quyết nghiêm túc những vấn đề giám sát. Các cơ quan giúp việc chưa thực hiện đúng và hết khả năng của mình trong việc thực hiện giám sát.

Hoạt động giám sát với các cơ quan hành chính nhà nước chưa rõ nét, chưa có hoạt động giám sát của Quốc hội đối với những người thực hiện trái quy định pháp luật, lạm dụng chức quyền, hách dịch, gây khó khăn cho người dân. Nguồn nhân lực giám sát còn thiếu, nhất là những cán bộ, công chức có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn sâu.

Mặt khác, việc giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nơi, có lúc vẫn còn lúng túng, chưa đem lại hiệu quả cao, chưa giải quyết được hết những vấn đề cử tri bức xúc, nhất là trong lĩnh vực khiếu kiện. Một số vấn đề được giám sát, được đưa ra chất vấn tại Quốc hội nhưng sau đó vẫn rơi vào quên lãng.

Trong hoạt động chất vấn vẫn còn một số thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành chưa thật sự trả lời đúng vào vấn đề chất vấn; việc trả lời mới tập trung vào thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, bất cập.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, Quốc hội chỉ ra những nội dung về giám sát nhưng hậu giám sát thế nào và cách triển khai của Chính phủ và các cơ quan chịu sự giám sát sau khi có kết quả là điều đáng bàn. Mặt khác, nội dung giám sát rất lớn, rất khó, rất vĩ mô nhưng bộ máy giúp việc, nguồn lực, con người, tài chính cũng còn nhiều hạn chế. Đó là còn chưa nói đến các đại biểu trong đoàn giám sát thì cũng chỉ là kiêm nhiệm và các đoàn giám sát chỉ là các Ủy ban chuyên môn trong một khối lượng công việc đồ sộ không chỉ là giám sát mà còn lập pháp... Đấy là vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng của giám sát.

Đại biểu Trịnh Xuân An trao đổi: “Giám sát đã chỉ ra rất nhiều những con số “biết nói” nhưng trách nhiệm cụ thể của người chịu trách nhiệm trước kết quả giám sát thì cũng chưa rõ. Mặc dù giám sát không phải “bới bèo ra bọ”, không phải giúp làm thay cơ quan chức năng của pháp luật nhưng trách nhiệm chỉ ra cần phải rõ thêm. Điều này Nhân dân và cử tri đang rất mong đợi”.

Đồng với quan điểm này, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khóa XIII từng cho rằng, việc theo dõi, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị đôi khi chưa được chú trọng, đôn đốc đến cùng. Tại một số cuộc chất vấn do nội dung của kỳ họp hạn chế thời gian, không cho người chất vấn đủ thời gian tranh luận nên vụ việc chỉ mang tính chất vấn nêu vấn đề chứ chưa đi đến chỗ giải quyết tận gốc vấn đề.

Những vấn đề mà các đại biểu nêu trên cũng đã từng được một số đại biểu Quốc hội khóa trước đề cập. Ngay từ Quốc hội khóa XII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã phát biểu rằng, nếu chúng ta không làm tốt việc xác định trách nhiệm và không dẫn đến hậu quả pháp lý đối với những người mà giám sát đã chỉ ra thì nó giống như là chúng ta “đấm vào không khí” mà thôi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thừa nhận, hoạt động giám sát nói chung, giám sát chuyên đề vẫn còn một số hạn chế cần được sớm khắc phục như: Khó khăn trong việc bảo đảm cân đối thời gian, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giám sát trong điều kiện khối lượng công việc xây dựng pháp luật và các công tác khác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hết sức nặng nề. Việc tổ chức giám sát có lúc, có nơi còn mang tính hình thức hoặc chưa sâu. Cách thức tổ chức giám sát chuyên đề, nhất là việc kết hợp giữa giám sát trực tiếp với việc nghiên cứu, sử dụng các thông tin, tài liệu do cơ quan chức năng cung cấp hiệu quả chưa thực sự cao.

Chưa hết, các cơ quan nhà nước chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chưa tập trung, xem xét, giải quyết nghiêm túc những vấn đề giám sát. Các cơ quan giúp việc chưa thực hiện đúng và hết khả năng của mình trong việc thực hiện giám sát. Có cơ quan cung cấp thông tin tư liệu cho Quốc hội chưa thực sự đầy đủ, thiếu chính xác, chưa kịp thời, một số báo cáo chưa khách quan và đầy đủ theo yêu cầu của Quốc hội. Một số cá nhân đứng đầu cơ quan chưa thật sự có trách nhiệm với công việc, ủy thác trách nhiệm cho cấp dưới, chưa quan tâm sát sao tới những vấn đề mà đoàn giám sát yêu cầu...

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những tồn tại nêu trên thực sự đang trở thành “rào cản” làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát của Quốc hội. Do đó, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội là nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nhằm “gạn đục, khơi trong” để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn khắc phục hạn chế nêu trên, thời gian tới, Quốc hội chú trọng hơn nữa giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới..

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu quan điểm, nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Do đó, tất cả nội dung được đại biểu chất vấn tại kỳ họp trước thì kỳ họp sau Quốc hội phải dành thời gian thích hợp xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề nào chưa được xử lý để tìm ra nguyên nhân. Tóm lại, sau kỳ chất vấn phải có giám sát và sơ kết, đánh giá ngay tại kỳ họp tiếp theo.

Chung ý tưởng, GS Nguyễn Anh Trí cũng của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội lập luận, vai trò của đại biểu Quốc hội trong giám sát hậu chất vấn rất quan trọng, nếu lơ là giám sát sau chất vấn thì hoạt động chất vấn không có nhiều ý nghĩa.

Từ hiệu quả của các cuộc giám sát trước, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sự kỹ lưỡng, bài bản, quyết liệt ngay từ trong khâu chuẩn bị và tổ chức triển khai các chuyên đề giám sát tối cao về quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... đã tạo nên những chuyển biến trong thực tế. Đơn cử như vừa qua, một số địa phương đã quyết liệt thu hồi hàng chục nghìn hecta đất dự án treo. Những chuyển động như vậy cho thấy tác động lan tỏa của hoạt động giám sát, “không chỉ là chuyển động trong ý thức mà còn cả trong hành động” như lời Chủ tịch Quốc hội từng phát biểu.

Hay trong hoạt động chất vấn, kế thừa đổi mới hỏi nhanh-đáp gọn của Quốc hội khoá XIV, Quốc hội khóa XV đã có những điều chỉnh tuy nhỏ như đại biểu Quốc hội chỉ nêu 1-2 câu hỏi trong một lần chất vấn, chỉ tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng, trưởng ngành... cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội;… Theo đó, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tất cả các khâu từ dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; dự thảo nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện nghị quyết về chất vấn;… đều phải được chú trọng, quan tâm và tiếp tục đổi mới.

Quan điểm giám sát đến cùng các vấn đề đã được Quốc hội kết luận, ban hành nghị quyết.  

Mặt khác, quan điểm giám sát đến cùng các vấn đề cũng đã được Quốc hội kết luận, ban hành nghị quyết và cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan và việc thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết giám sát.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn cần xác định rõ trách nhiệm trước Quốc hội, trước Nhân dân về vấn đề mình phụ trách. Người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, phải đối thoại, thảo luận với các đại biểu để cùng giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhân dân, thảo luận những vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm để đưa ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ, các cách thức ứng phó kịp thời đối với những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề năm 2022 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội". Đây cũng là nội dung đã được nêu tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc xây dựng Đề án này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, gắn với hoàn thiện pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới là cần nhanh chóng xây dựng xong và đưa đề án vào cuộc sống.

Mặt khác, trên cơ sở kế thừa, phát huy những đổi mới của Quốc hội khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến nay, Quốc hội đã có những đổi mới rất hiệu quả trong hoạt động giám sát như: Chỉ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát và chuẩn bị kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều vòng về Đề cương giám sát chi tiết, kế hoạch giám sát cụ thể, lựa chọn các đơn vị, bộ, ngành, địa phương làm việc trực tiếp.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có các cơ chế huy động đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia giám sát; giao nhiệm vụ để Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các địa phương tiến hành giám sát, đánh giá từ thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật tại địa phương, báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát...

Hay nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Bộ trưởng, trưởng ngành, kèm theo thời hạn hoàn thành cụ thể... không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ./.

Trong bài có sử dụng một số ảnh của các đồng nghiệp 

Bài 1: Đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, cách làm

Bài 2: Giám sát chuyên đề, bước "đột phá" cần nhân rộng

Bài 3: Diễn đàn dân chủ, quyết tâm truy vấn, theo đuổi đến cùng

Bài 5: Đổi mới hoạt động giám sát: Vấn đề quan trọng, vai trò cấp thiết

Nhóm PV
10/03/2023 15:01