Tác động nặng nề của chiến tranh và xung đột đối với môi trường
|
Chiến tranh và xung đột tác động nặng nề tới môi trường. (Ảnh: scm.bz). |
Từ nhiều năm qua, một thực tế dễ dàng nhận thấy là các thiệt hại về người (dân thường và binh sĩ tử vong hay bị thương) và các thiệt hại vật chất (thành phố hay các sinh kế bị phá hủy) bắt nguồn từ các cuộc xung đột vũ trang luôn được tính đến và chứng thực. Để đạt mục đích duy nhất là có được một lợi thế quân sự, người ta có thể sẵn sàng làm ô nhiễm nguồn nước, đốt cháy các loại cây trồng, tàn phá rừng, hay khiến đất đai bị nhiễm độc và động vật bị giết hại. Các cuộc xung đột bắt nguồn và được thúc đẩy từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, những vấn đề liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường chiếm tỷ lệ lớn.
Tác động đối với môi trường bởi các cuộc xung đột không chỉ đến từ việc sử dụng vũ khí, mà còn là việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên để giành ưu thế trong chiến tranh. Nếu như cuộc nội chiến Mỹ đánh dấu một “sự gia tăng” về số lượng tài nguyên cần thiết để duy trì một loại hình chiến tranh tập trung mới, thì những xáo trộn về môi trường lại xảy ra mạnh mẽ nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tới thời kỳ diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, những kỹ thuật chiến đấu và những công nghệ mới được cho là đã giảm bớt thiệt hại về môi trường cho so với Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn tàn phá tới 100 triệu mẫu rừng ở Pháp, cùng các vụ oanh tạc để lại tác động nặng nề tới các hòn đảo Thái Bình Dương. |
Theo kết quả một công trình nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong vòng 60 năm qua, ít nhất 40% các cuộc xung đột nội bộ có liên quan tới việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ những tài nguyên có giá trị cao như gỗ, kim cương, vàng, dầu mỏ, cho tới những tài nguyên khan hiếm như đất đai màu mỡ và nước. Nguy cơ “tái diễn” các cuộc xung đột liên quan đến tài nguyên thiên nhiên cũng từ đó mà bị đẩy lên cao gấp đôi.
Ngày 5/11/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang (International Day for Preventing the Exploitation of the Environment in War and Armed Conflict). Ngày 27/5/2016, Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc thông qua nghị quyết UNEP/EA.2/Res.15, thừa nhận vai trò của các hệ sinh thái lành mạnh và các nguồn tài nguyên quản lý bền vững trong việc giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang, đồng thời tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thực thi đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được nêu lên trong nghị quyết 70/1 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, với tựa đề “Biến đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững”.
Ông Erik Solheim, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UN Environment) cũng đã từng kêu gọi minh bạch và chia sẻ các kết quả nghiên cứu về vấn đề bảo vệ môi trường trong xung đột, đồng thời thúc đẩy quyền tiếp cận của mọi người tới các công trình nghiên cứu này. Cho đến nay, chính phủ các nước và các tổ chức trên thế giới đã chú ý nhiều hơn tới tác động tiêu cực của xung đột, chiến tranh tới môi trường, song vẫn còn nhiều việc cần làm để tạo nên những thay đổi thực sự.
Ngày Quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang là dịp để chúng ta nâng cao nhận thức về những tác động của chiến tranh và xung đột đối với môi trường, đồng thời thừa nhận tính cần thiết của hành động bảo vệ môi trường trong ngăn chặn xung đột và kiến tạo hòa bình – những điều vẫn diễn ra hàng ngày song lại chưa được chú ý nhiều. Từ lâu, Liên hợp quốc đã gắn chặt tầm quan trọng của các hành động bảo vệ môi trường là một phần trong chiến lược ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình và vun đắp hòa bình, bởi không thể có một nền hòa bình lâu dài nếu như các nguồn tài nguyên duy trì sinh kế và hệ sinh thái bị phá hủy.
Quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái có thể mang lại hòa bình
|
Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang. (Ảnh minh họa: https://jobrefresher.com) |
Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Quốc tế phòng, chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang năm nay (11/6/2020), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa xung đột về môi trường. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, ít nhất 40% cuộc xung đột nội bộ trên thế giới có liên quan tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu. Hiện tượng ấm dần lên của trái đất đang có nguy cơ làm tăng thêm áp lực và căng thẳng về môi trường. Môi trường thường trở thành một trong những nạn nhân của chiến tranh, thông qua các hành động cố ý phá hủy hoặc do sự thất bại của chính phủ các nước trong kiểm soát và quản lý tài nguyên thiên nhiên khi xảy ra xung đột.
Mặc dù biến đổi khí hậu và suy thoái về môi trường không phải là nguyên nhân trực tiếp của xung đột, song những yếu tố này có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột, tác động tiêu cực tới sinh kế con người, an ninh lương thực và bào mòn niềm tin mà người dân dành cho chính phủ… Sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái đang khiến cho những thách thức mà các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương phải đối mặt trong dài hạn và ngắn hạn trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị tác động nhiều nhất.
Ông Guterres chỉ ra rằng, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) được đưa ra dựa trên tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, các cuộc xung đột bạo lực đã ngăn cản nỗ lực của các nước để tiến về phía trước. Các nước bị tác động bởi xung đột thường gặp khó khăn hơn và ít có triển vọng đạt được những mục tiêu SDG. Dự báo đến năm 2030, sẽ có tới hơn 80% người nghèo nhất trên trái đất tập trung ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực.
Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng, việc quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái có thể góp phần mang lại hòa bình cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá, giúp các nước bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tiến thêm một bước gần hơn tới SDGs. Tài nguyên thiên nhiên không chỉ là yếu tố quan trọng mang lại nhiều dịch vụ cơ bản cho con người, ví dụ như nước hoặc điện, mà còn có thể trở thành nền tảng để xây dựng niềm tin, chia sẻ lợi ích giữa các nhóm bị chia rẽ.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ông Guterres kêu gọi sự phối hợp giữa các chính phủ, lĩnh vực tư nhân và các viện nghiên cứu, đồng thời xây dựng năng lực và khả năng chống chịu của mỗi khu vực; khai thác dữ liệu và công nghệ số để phân tích rủi ro và quản lý hợp tác; tăng cường thảo luận về luật pháp và chính sách trong khuôn khổ gắn kết quốc tế.../.