"Bí quyết" nào giúp các tỉnh kéo giảm tai nạn giao thông?

Thứ tư, 12/07/2023 09:11
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhìn từ những địa phương đã giảm mạnh số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) trong 6 tháng đầu năm nay, có thể nhận thấy công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng; công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng…

Công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt 

 Lực lượng liên ngành của tỉnh Thái Nguyên kiểm tra hành chính nhằm phát hiện các lỗi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ nhất toàn quốc trong số các tỉnh giảm tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 03 người, bị thương 47 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 09 vụ (-17,6%), giảm 09 người chết (-75%), giảm 02 người bị thương (-4,08%), 

Đây cũng là một trong số ít tỉnh đã có 12 năm liên tục giảm số người chết do tai nạn giao thông (2011-2022).

Được mời chia sẻ kinh nghiệm triển khai các biện pháp kéo giảm TNGT tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên "Đạt được những kết quả nêu trên là do sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội của tỉnh".

Theo ông, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc đồng bộ, tích cực thực hiện các giải pháp trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; đặc biệt là việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp của Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. 

Tỉnh cũng đã xây dựng Quy chế hoạt động của Ban ATGT tỉnh và Quy định, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban ATGT cấp huyện, thành phố; quy định rõ trách nhiệm từng thành viên ban chỉ đạo, đặc biệt là vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp giao ban định kỳ theo quy chế mỗi quý một lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Ông cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí; được triển khai kịp thời, đồng bộ, đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền đến Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, học sinh, sinh viên và công nhân trong các khu công nghiệp với nội dung phong phú, phù hợp mọi lứa tuổi; hình thức tuyên truyền được đổi mới kết hợp tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook…

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng bằng nhiều hình thức, đang ngày càng hoàn chỉnh và đồng bộ (Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 3 cũ, Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai V - Hà Nội, đã khởi công tuyến đường liên kết vùng (Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc) và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn…

Công tác Quản lý nhà nước trong lĩnh vực Giao thông vận tải như: Công tác quản lý vận tải; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông; công tác kiểm tra xử lý vi phạm tải trọng phương tiện,... được thực hiện tốt. Mạng lưới giao thông công cộng được phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, đến nay 100% các huyện, thành phố đã có xe bus, xe taxi phục vụ.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cưỡng chế thi hành pháp luật với tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến tích cực nhận thức, ý thức, hành vi thái độ, cách ứng xử của người tham gia giao thông. 

“Công an tỉnh đã thành lập 09 tổ chuyên đề thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên địa bàn 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, đi sai phấn đường, vi phạm tốc độ, lạng lách, đánh võng” - ông chia sẻ.

Xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị quan trọng

6 tháng đầu năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra 76 vụ tai nạn giao thông, làm chết 46 người, bị thương 54 người. Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì đã giảm 54 vụ (41,5%), giảm 47 người chết (50,5%), giảm 12 người bị thương (18,2%).

“Phải xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và của các tổ chức chính trị - xã hội, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới hiện nay” - đây là kinh nghiệm đầu tiên được ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế chia sẻ từ kết quả kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh.

Đề cập đến công tác tuyên truyền, ông chia sẻ, tỉnh chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên và đối tượng người lao động phổ thông, lao động tự do theo từng địa bàn để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Các phương tiện thông tin đại chúng ưu tiên phát các chuyên mục, các thông điệp về an toàn giao thông, phản ánh những hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra để mọi người dân hiểu và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. 

Kinh nghiệm khác, theo ông, Công an tỉnh đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, công cụ và phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT. “Kiên quyết không có vùng cấm, nghiêm cấm việc can thiệp vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng” - ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành công an tỉnh đã tập trung vào các chuyên đề: “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; “vi phạm tốc độ”; “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”. 

Kết quả, lực lượng CSGT và công an các địa phương phát hiện 27.327 trường hợp vi phạm (7.613 ô tô, 19.709 mô tô, 05 xe khác), so với cùng kỳ năm 2022 tăng 8.138 trường hợp; xử phạt tiền 48,0 tỷ đồng; tạm giữ 7.698 phương tiện. Đặc biệt, trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn 6.481 trường hợp; phạt tiền 23,777 tỷ đồng; tạm giữ 6.481 phương tiện.

Ở góc độ khác, ông cho biết, ngành Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, điều hành các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, tăng cường bảo đảm chất lượng công trình, ưu tiên việc bảo đảm ATGT trên các công trình vừa thi công vừa khai thác trên QL1, các tuyến đường tỉnh và đường địa phương; tổ chức rà soát, phát hiện để xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Đặc biệt là trong thời gian qua đưa vào khai thác đoạn tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn đã giảm thiểu lưu lượng phương tiện lưu thông trên QL1 qua địa bàn, hạn chế ùn tắc giao thông nên góp phần đáng kể vào việc bảo đảm TTATGT và kiềm chế TNGT.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 08 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Ninh Bình.
 
Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực