Cán bộ công đoàn phải "thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động"

Thứ tư, 06/12/2023 18:53
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?".

Sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn có sự đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ công đoàn

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp được triển khai đồng bộ, thường xuyên hơn, đạt một số kết quả quan trọng. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-BCH ngày 11/01/2019 về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới và Chương trình 1563/CTr-TLĐ ngày 09/10/2019 xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

 Cán bộ công đoàn tới nơi làm việc nắm tình hình lao động, sản xuất của đoàn viên, người lao động 

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể hóa để thực hiện thống nhất, trực tiếp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 2.500 lao động trở lên và phân cấp đào tạo, bồi dưỡng cho các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. 

Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư xây dựng một số chuyên đề lớn, tổ chức đào tạo, lý luận nghiệp vụ công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn, trọng tâm là công đoàn cơ sở. Trong nhiệm kỳ, đã cử đi đào tạo hơn 4.000 lượt cán bộ công đoàn; có hơn 2,2 triệu lượt cán bộ công đoàn được tập huấn, bồi dưỡng về lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn (gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước), trong đó cán bộ công đoàn cơ sở chiếm hơn 75%. 

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn” được phát động cùng với việc ban hành “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng cán bộ công đoàn chuyên trách và không chuyên trách các cấp đã tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tâm huyết, đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn. 

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao đổi với công nhân lao động đang làm việc tại phân xưởng Công ty Công ty TNHH Đầu Tư Vietsun Ninh Thuận 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang từng khẳng định: "Trong sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn, có sự đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ công đoàn. Các thế hệ cán bộ công đoàn nối tiếp nhau, gìn giữ, vun đắp truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước yêu cầu cấp thiết của tình hình, với sự phát triển nhanh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn đang tích cực, chủ động đổi mới, trăn trở tìm tòi, thậm chí, không quản ngại hy sinh lợi ích của cá nhân vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để tổ chức Công đoàn có thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ, thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của người lao động".

Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục các hạn chế trong giai đoạn tới. Trong 5 bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam ấy thì bài học kinh nghiệm thứ tư được rút ra đó là: "Chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp".

Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp cán bộ công đoàn xuất sắc được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ I

Ghi nhận: "chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao", phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động". 

Theo Tổng Bí thư: "Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ. Từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động ngoài khu vực nhà nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn" đòi hỏi nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn là không ngừng nghỉ và "Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn cấp trên với cấp uỷ trong công tác cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc luật pháp, am hiểu về công tác công đoàn; có kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng tốt, có năng lực xử lý tình huống để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đoàn viên, người lao động".

 Trước đó, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, thể hiện quan điểm nhất quán và xuyên suốt; sự quan tâm của của Đảng trong lãnh đạo xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Trong đó, Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động.

Đoàn Chủ tịch Đại hội biểu quyết tại Đại hội 

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa khép lại. Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ: Đại hội biểu thị quyết tâm của tổ chức công đoàn thực hiện thành công mục tiêu: "Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta"

Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã xác định 3 khâu đột phá trong đó có: "Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước".

Tại Họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, để thực hiện khâu đột phá này, Công đoàn Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn cơ sở…

Ngay sau đại hội, nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được các cấp công đoàn triển khai để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào thực tiễn phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Trước mắt là xây dựng và ban hành 4 chương trình trọng tâm, 1 nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ trong đó có Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực