Canh cánh nỗi lo!

Thứ sáu, 12/04/2024 16:23
(ĐCSVN)- Hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều người nhập viện và các cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại một lần nữa trở thành tâm điểm khiến người dân canh cánh nỗi lo.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa thăm học sinh đang được điều trị tại các cơ sở y tế do bị ngộ độc thực phẩm. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.100 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2022. Quý I/2024, trên toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người mắc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Riêng trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người mắc. Điều khiến nhiều người xót xa hơn cả là có rất nhiều học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước là nạn nhân của các vụ ngộ độc.

Chỉ tính riêng tại thành phố (TP) Nhà Trang, tỉnh Khánh Hòa, chưa đầy 1 tháng qua, có đến 4 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 400 người mắc. Đầu tiên, vào tháng giữa tháng 3/2024, tỉnh Khánh Hoà đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng tại quán cơm gà Trâm Anh khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị.

Tiếp đến là cuối tháng 3, ngành chức năng ghi nhận vụ ngộ độc với hơn 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) nghi do ăn cơm bên ngoài nhà trường.

Sau đó, sáng ngày 5/4, cũng tại TP Nha Trang, bé gái học lớp 5 tại phường Vĩnh Trường được xác định đã tử vong. Trước khi tử vong, bé gái ăn sushi, cơm gà tại một số cơ sở bên ngoài. Cùng thời điểm, trên địa bàn phường có nhiều học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.

Gần đây nhất, ngày 9/4, có 28 học sinh trên địa bàn thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) nhập viện sau khi ăn cơm mua từ người bán hàng rong.

Nhớ lại, hơn một năm trước, tại cũng tại TP Nha Trang cũng xảy ra vụ 665 học sinh bị ngộ độc cơm gà, đau lòng hơn là một học sinh lớp 1, Trường iSchool Nha Trang bị tử vong, đến nay vẫn chưa xác định được thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Không chỉ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, vào ngày 3/4 tại Bình Dương, sau khi ăn bánh mỳ, bánh bao của người dân phát miễn phí, nhiều người trong Đoàn Lân sư rồng tại Lễ hội Ông Bổn có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế TP Thuận An, có 49 ca nhập viện với triệu chứng ban đầu là ói, đau bụng, tiêu chảy...

Và “đến hẹn lại lên”, sau mỗi vụ ngộ độc là sự vào cuộc của ngành y tế cùng các cơ quan chức năng liên quan. Những văn bản chỉ đạo được ban hành, những đoàn kiểm tra, giám sát được “tăng tốc” thực hiện nhiệm vụ…. Và các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn cứ diễn ra.

Và có thể nói nỗi lo của người tiêu dùng về ngộ độc thực phẩm luôn thường trực, bởi vấn nạn mất an toàn thực phẩm “bủa vây”. Tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất trồng trọt, dư lượng kháng sinh, chất tăng trọng trong chăn nuôi, chất cấm trong bảo quản thực phẩm, việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, cung cấp “thực phẩm bẩn” ra thị trường khó kiểm soát, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Còn nữa, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra, nguyên nhân chính diễn ra các vụ ngộ độc là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Chưa hết, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm một phần còn đến từ sự thiếu vắng quản lý sát sao, chưa đủ răn đe của các ngành chức năng và các cơ quan, tổ chức liên quan. Đơn cử như tại nhiều cổng trường, việc kinh doanh hàng quán vẫn cứ diễn ra. Điều đó cho thấy trách nhiệm của Ban giám hiệu các trường học chưa sát sao khi chưa báo cho cơ quan chức năng về hàng quán kinh doanh không phép trước cổng trường….

Rồi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trong khi đó, hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, sơ hở, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung... Việc quản lí còn chưa nghiêm, các hình thức xử phạt còn quá nhẹ. Ý thức một bộ phận người dân còn dễ dãi trong lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm…

Vì vậy, những vụ ngộ độc đau lòng vừa qua là bài học để ngành chức năng cũng như các cơ sở giáo dục nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.

Trước thực trạng nêu trên, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.

Tháng Hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm đang cận kề, trên khắp cả nước lại tổ chức hàng nghìn đoàn thanh, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm từ cấp xã, phường đến Trung ương. Nhưng dù các cơ quan, đơn vị liên quan có thành lập bao nhiêu đoàn kiểm tra đi nữa nhưng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn và lực lượng thanh tra cũng còn mỏng thì điều quan trọng là cần huy động sự tham gia của chính quyền cơ sở và người dân nhằm phát hiện những cơ sở kinh doanh thực phẩm "bẩn", sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Mặt khác, cần xử lý mạnh tay và truy cứu trách nhiệm trước pháp luật đối với các đối tượng cố tình vi phạm an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Mặt khác, mỗi nhà trường và gia đình trước khi trông chờ vào các cơ quan chức chức, cần quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục, nhắc nhở các em không ăn quà vặt tại các hàng bán rong trước cổng trường. Các bậc cha mẹ hạn chế cho con tiền tiêu vặt cũng là biện pháp phòng chống cần thiết để con em mình không bị nhiễm khuẩn qua đồ ăn thức uống không bảo đảm vệ sinh…

“Có sức khỏe là có tất cả” – Hãy đảm bảo tính mạng chính mình từ những việc nhỏ nhất. Hãy góp phần nhỏ của mình vào xây dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh, hướng đến niềm vui trọn vẹn trong những bữa cơm hằng ngày không còn nỗi lo thực phẩm “bẩn” dẫn đến ngộ độc, nhẹ thì ảnh hưởng đến sức khỏe, nặng có thể mất cả mạng sống của mình..../.

 

 

 

 

 

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực