Ngược dòng thời gian, 79 năm về trước, ngày 9/5/1945 đã mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại khi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít kết thúc với chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước đồng minh, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II, giúp loài người thoát khỏi thảm họa diệt vong.
|
Đoàn tụ sau Ngày chiến thắng, tháng 5/1945. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát) |
Mở màn bằng sự kiện phát xít Đức tấn công Ba Lan ngày 1/9/1939, cuộc chiến kéo dài gần 6 năm đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60 triệu người và lan tới hầu hết các châu lục, trong đó riêng châu Âu đã biến thành “lò lửa chiến tranh”. Sau khi đánh chiếm hàng loạt nước châu Âu, phát xít Đức tập trung lực lượng lớn tiến công Liên Xô, mở ra cuộc chiến tranh Xô - Đức (1941 - 1945) với những đòn tấn công khốc liệt và chớp nhoáng, song đã nhận lại sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Sau khi chuyển từ phòng ngự sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, giải phóng Tổ quốc và nhiều quốc gia trong khu vực. Đúng 0h43 ngày 9/5/1945 (theo giờ Moskva), đại diện Đức quốc xã đã phải ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh.
Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tiếp tục tuyên chiến với phát xít Nhật và đã đánh gục đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã chính thức kết thúc.
Tổng kết cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, có thể thấy đây là cuộc chiến bao trùm trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỉ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến. Đáng chú ý, Ngày Chiến thắng 9/5 được khởi nguồn từ những trận chiến đã đi vào lịch sự quân sự thế giới trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Đó là trận chiến bảo vệ Moskva kéo dài 7 tháng, từ tháng 9/1941, Hồng quân Liên Xô đã đập tan kế hoạch ban đầu của Đức quốc xã là đánh chớp nhoáng để tiến vào Moskva và diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Đó là chiến dịch phòng ngự - phản công Kursk (Cuốc-xcơ) với trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến. Cũng không thể không nhắc tới chiến dịch Stalingrad (Xta-lin-grát) kéo dài tổng cộng 200 ngày đêm, được xem là trận đọ sức quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, khi Hồng quân Liên Xô đánh tan hơn 1,2 triệu quân Đức (chiếm gần 1/4 quân Đức trên toàn mặt trận Liên Xô), từ đó tạo bước ngoặt cơ bản trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và trong Chiến tranh Thế giới thứ II…
Có thể khẳng định, chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II là chiến công của phe đồng minh chống phát xít, song Liên Xô vẫn là nước chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày Chiến thắng. Vì vậy, ngày Chiến thắng luôn là ngày lễ thiêng liêng nhất, cao cả nhất đối với các thế hệ người dân Nga nói riêng và nhân loại nói chung.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây 79 năm mãi mãi là một mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại. Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu được hình thành. Bão táp cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc đã làm lung lay, từng bước sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh… Nhân dân các nước thuộc địa đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình. Trong đó, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang.
Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phát xít cũng mở ra một chương mới cho lịch sử chính trị thế giới, với sự ra đời của Liên hợp quốc cùng những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các quốc gia; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế…
Với những ý nghĩa vẻ vang ấy nên dù đã 79 năm trôi qua với biết bao thăng trầm, biến cố của thời cuộc, nhưng cuộc chiến tranh vĩ đại chiến thắng chủ nghĩa phát xít vẫn luôn được người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới vinh danh, bởi đó chính là nền móng vững chắc kiến tạo nên thế giới phát triển tốt đẹp, bền vững như ngày nay./.