Chính sách “chưa từng có”, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cống hiến

Thứ năm, 27/06/2024 16:48
(ĐCSVN) - Cùng với việc tăng lương cơ sở ở mức cao nhất lịch sử, việc bổ sung chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản cũng là điều chưa từng có; được kỳ vọng sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc đã trở thành chủ đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng trong các Kỳ họp trước đây, cũng như tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đang diễn ra.

Theo một số đại biểu, có nhiều giải pháp để thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng chắc chắn khen thưởng là biện pháp thiết thực, có nhiều yếu tố tích cực. 

Chính vì vậy, các đề xuất mới đây của Chính phủ về cải cách tiền lương nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của các vị đại biểu Quốc hội. Cụ thể, cùng với đề xuất tăng lương cơ sở ở mức cao nhất chưa từng có (tăng 30%), Chính phủ cũng đề xuất bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản).

“Như vậy là giao hoàn toàn thẩm quyền xây dựng quy chế khen thưởng nội bộ, độc lập hoàn toàn với việc khen thưởng của Luật Thi đua khen thưởng và Quỹ khen thưởng. 10% này là khoản kinh phí rất lớn, chưa từng có” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Ảnh minh hoạ. 

Chính phủ đánh giá, việc bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công tạo nguồn để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Hơn nữa, có cơ sở để hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập như bổ sung thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, tiếp tục khuyến khích các địa phương đẩy mạnh thực hiện tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, việc chức theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nhìn nhận về đề xuất này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Đây là chính sách nhân văn trong việc khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người dân có nhiều đóng góp trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng. Nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng” như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu. 

Bởi như đại biểu Lý Anh Thư (Đoàn Kiên Giang) lý giải, các đơn vị, cơ quan hiện đang thực hiện chế độ lương khoán, nên nếu không có hướng dẫn sớm về nội dung này, vẫn thực hiện theo cách trích lập quỹ tiền thưởng hiện nay sẽ gây giảm phần kinh phí chi thường xuyên của mỗi đơn vị. Trong bối cảnh giá hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ tăng cao hiện nay, nếu chi thường xuyên của các đơn vị giảm sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “không đủ chi”, thiếu hụt nguồn lực thực hiện công tác khen thưởng hàng năm.

“Đây là một áp lực lớn với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Do đó, Chính phủ không chỉ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này mà phải ban hành ngay trong năm 2024, từ đó giúp các cơ quan, đơn vị yên tâm thực hiện”, đại biểu đề nghị.

Nhấn mạnh việc bổ sung chế độ tiền thưởng là thực hiện theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) lưu ý, bài toán mà cơ quan quản lý cần phải giải trong thời gian sớm là xây dựng các quy chế, cơ chế về quản lý, về tổ chức, chi tiêu vận hành của quỹ tiền thưởng này. “Sử dụng ra sao, điều kiện nào được khen thưởng, thưởng mức bao nhiêu… để hài hoà, hợp lý, hiệu quả là một thách thức cần tính toán”, đại biểu nói.

Có thể khẳng định, đề xuất về tiền lương, bổ sung quỹ tiền thưởng lần này mang tính đột phá mạnh mẽ. Khi Quốc hội thông qua, nếu thực hiện tốt đây sẽ là động lực động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu thi đua thực chất, hiệu quả, góp phần cho sự phát triển chung trong cả nước./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực