|
Hơn lúc nào hết, Chính phủ và Nhân dân cần lắm sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân”, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân... để có thêm nguồn lực mua vaccine để tiêm cho người dân. (Ảnh minh họa: TH) |
Tiêm chủng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngày nay cả thế giới phải công nhận cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Thành tựu y học này đã giúp hàng tỷ người trên thế giới tránh khỏi cái chết do những đại dịch hoành hành từ thế kỷ 17 trở về trước.
Trong những ngày qua, trước diễn biến của dịch COVID-19 trên thế giới, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của vaccine. Các nước châu Âu và Mỹ sau những ngày tháng bùng phát dịch mạnh nhất thế giới nhờ có số đông người dân đã được tiêm vaccine không phải đóng cửa nền kinh tế. Các giải thể thao ở Mỹ đã mở cửa cho hàng chục ngàn người đến xem…
Thực tế tại đất nước chúng ta, qua 3 đợt bùng phát dịch COVID-19, Việt Nam đã có những “vũ khí mạnh” trong “cuộc chiến” chống COVID-19 và giành chiến thắng qua các “trận đánh” mỗi khi dịch quay trở lại. Nhưng, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4 đang hoành hành thì Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, để có chiến thắng toàn cục trước “sát nhân vô hình” này, có lẽ cần thêm vũ khí mạnh nữa là vaccine, để thực sự 100 triệu người là 100 triệu lá chắn trước COVID-19.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí rất lớn.
Vì vậy, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vaccine tiêm kịp thời cho người dân.
Từ chủ trương đó, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trong đó, quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn ngân sách bảo đảm theo phân cấp; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả...
Ngay khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của Quỹ và thiết lập bộ máy quản lý. Theo quy định, Quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ trong thời gian qua liên quan đến việc mua vaccine.
Động thái này của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình rất lớn của các chuyên gia. Vì họ cho rằng, đây được coi là giải pháp rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Chúng ta cần vaccine trong chống dịch như cần vũ khí trong chiến tranh, cần khẩn cấp nhập vaccine, sớm ngày nào tốt ngày đó.
Nhu cầu thì lớn, đòi hỏi lại cấp thiết, cấp bách, do đó, hơn lúc nào hết, Chính phủ và Nhân dân cần lắm sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân”, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân... luôn có trách nhiệm xã hội và tinh thần yêu nước rất cao.
Và ngày 27/5, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức. Chính vì vậy, không có khó khăn nào mà nước ta không thể vượt qua. Tại thời điểm này, phẩm chất của dân tộc ta lại một lần nữa được củng cố và phát huy toàn diện”…. Chủ tịch nước kêu gọi các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài... tham gia đóng góp ủng hộ để toàn dân, toàn quân ta sớm chiến thắng dịch bệnh COVID-19.
Ý thức được điều đó, ngay tại lễ phát động, tại điểm cầu trung ương, theo thống kê sơ bộ, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ là trên 620 tỷ đồng và địa phương là 1.690 tỷ đồng. Tổng số tiền tại điểm cầu Trung ương và địa phương đã tiếp nhận và đăng ký ủng hộ tại Lễ phát động là trên 2.320 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trao tặng 450 tỷ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World 30 tỷ, Ngân hàng Vietcombank trao tặng 40 tỷ, Tập đoàn TNG Holdings Vietnam và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) trao tặng 10 tỷ, Ngân hàng Quân đội (MB) trao 30 tỷ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) 20 tỷ đồng…
Đất nước chúng ta đã được báo chí quốc tế ca ngợi về thành công trong chống COVID-19, khi một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn. Và chúng ta tin tưởng rằng, tính nhân văn sẽ tiếp tục được nối dài bởi sự chúng tay góp sức của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để vaccine COVID-19 sẽ sớm về Việt Nam với số lượng lớn và được phân phối một cách nhân văn như vậy. Thêm lá chắn vaccine, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của chúng ta sẽ thực sự “công thủ toàn diện”, bảo đảm an toàn nhất cho Nhân dân.
Chúng ta tin chắc rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân,... sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội như trong bao nhiêu năm qua họ đã làm. Và chắc chắn thời gian tới sẽ được làm tốt hơn vì việc chung tay đóng góp cho Quỹ Vaccine cũng chính là cách bảo vệ doanh nghiệp của mình, bảo vệ sự nghiệp sản xuất, kinh doanh và bảo vệ chính những người lao động làm ra của cải vật chất và đồng bào mình. Vì vậy, hành động cho đi là để nhận về càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết./.