Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - cơ hội và nguy cơ

Thứ sáu, 24/02/2017 13:55
(ĐCSVN) - Khối tài sản lớn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân ở Công ty cổ phần Điện Quang đang đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối.

Nhiều vấn đề phải giải quyết rốt ráo để quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra lành mạnh, tài sản công không thể bị mua bán với giá rẻ mạt để cho một số cá nhân có lợi thế được hưởng lợi dễ dàng... 


Ảnh minh họa. (Nguồn: doanhnhansaigon.vn).

Theo thông tin đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và người thân nắm giữ 34% cố phần ở Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ước khoảng 670 tỷ đồng. Đây quả là khối tài sản khổng lồ đối với một cán bộ nhà nước, đối với mức thu nhập chung của cán bộ, công chức. Dư luận không thể không đặt dẩu hỏi về nguồn gốc khối tài sản này, nhất là việc trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có thời gian dài giữ cương vị điều hành doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa.

Thực tiễn triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước những năm qua bên cạnh những thành công, thì cũng bộc lộ không ít “lỗ hổng”, tạo cơ hội cho những người đang nắm giữ cương vị quản lý có thể trục lợi, nói cách khác là không ít tài sản công chảy vào túi tư nhân gần như khó kiểm soát.

Chiêu thức thường xảy ra và được phanh phui trong các vụ cổ phần hóa tai tiếng là định giá thấp giá trị còn lại của tài sản, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất. Đã có không ít mảnh “đất vàng”, có giá trị cao tại các thành phố lớn rơi vào tay tư nhân với giá rất thấp. Tiếp đến là sự mập mờ, thiếu minh bạch, không công khai định giá tài sản, không công khai đối tượng mua cổ phần để một số đối tượng nắm giữ thông tin đứng ra "dàn cảnh" mua bán với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Cuối cùng là hạ giá tài sản nhà nước trong doanh nghiệp bằng việc thả cho doanh nghiệp thua lỗ triền miên trước khi cổ phần hóa. Chả thế, cũng vẫn những lãnh đạo đó, thị trường đó, công nghệ đó mà sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp đột nhiên có lợi nhuận cao.

Cuộc chiến chống tham nhũng những năm qua mặc dù đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và nhiều cơ chế, chính sách, nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Với nền kinh tế tiền mặt, nhiều tài sản của cán bộ rất khó minh định, và chỉ đến khi lộ diện những khối tài sản khổng lồ thì mới "vỡ" ra nhiều chuyện tai tiếng!

Thiết nghĩ, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình mua bán cổ phần, có sự tham gia của các tổ chức tư vấn, chuyên gia độc lập và tăng cường thanh tra, kiểm toán. Bên cạnh đó là xử lý nghiêm minh những cán bộ, quan chức có tài sản lớn có dấu hiệu bất minh.

Qua vụ bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, dư luận cũng mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật. Qua đó, các cơ quan nhà nước xem xét, bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

 

Đăng Khôi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực