Coi trọng quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng

Thứ hai, 13/03/2023 15:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” là chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. Dư luận cho rằng, chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 đã bám sát diễn biến thực tế của thị trường hàng hóa và nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng; đồng thời cũng là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Bắt đầu từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam cũng góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước.

leftcenterrightdel

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: K.Vân.

Năm 2023, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” được tổ chức trong cả nước với các nội dung phong phú, đa dạng. Thực tế gần 10 năm tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã cho thấy, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng luôn là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Điều này xuất phát từ chính thực trạng xâm phạm quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước, các sản phẩm hàng hóa trên thị trường hiện nay đang có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, việc xuất hiện các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường cũng đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ các chợ tạm vùng sâu, xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở các đô thị lớn. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn có những diễn biến phức tạp và tinh vi khi các hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển. Nghiêm trọng hơn khi các mặt hàng này có nguy cơ trực tiếp gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Do đó, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý nhìn nhận, hiện nay, để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, ưu tiên hàng đầu là nhà sản xuất phải minh bạch thông tin liên quan đến hàng hóa theo tinh thần “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý thực hiện chức năng giám sát đối với quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa; cũng là cơ sở để người tiêu dùng đối chiếu, đánh giá chất lượng thực tế của sản phẩm khi lưu hành trên thị trường.

Các thông tin cần minh bạch bao gồm nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; thành phần nguyên liệu; quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm; thông số về an toàn thực phẩm… Ví dụ liên quan đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Cần minh bạch sản phẩm, các sản phẩm dù không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nhưng sản phẩm ghi nhãn như thế nào, thông tin dinh dưỡng trên sản phẩm ra sao, sản phẩm có biến đổi gen hay không… phải đảm bảo đúng”.

leftcenterrightdel
 Minh bạch thông tin hàng hóa giúp bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Ảnh: Văn Hiếu.

Để việc minh bạch thông tin về sản phẩm được thực hiện có hiệu quả, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong minh bạch thông tin hàng hóa, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị và tư vấn để người tiêu dùng tự bảo vệ hoặc hỗ trợ người tiêu dùng giải quyết tranh chấp với các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng và bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ giải quyết tranh chấp. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần xây dựng thị trường tiêu thụ hàng hóa lành mạnh…

Đặc biệt, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bản thân người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu, nắm chắc các quyền của mình; tích cực phản ánh thông tin về các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đến các đơn vị có thẩm quyền để các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ có ý thức hơn trong việc bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng… Người tiêu dùng cần kiên quyết “nói không” với những sản phẩm không được minh bạch thông tin và những tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường hàng hóa hiện nay có thể thấy, việc người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về trách nhiệm của nhà sản xuất trong minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” đã bám sát diễn biến thực tế của thị trường hàng hóa và nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, cần đưa chủ đề này lan tỏa sâu rộng không chỉ trong Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 mà trong toàn bộ hoạt động của thị trường hàng hóa nước ta hiện nay. Bởi thông tin minh bạch không chỉ bảo đảm cho hoạt động tiêu dùng an toàn mà còn trực tiếp góp phần giữ ổn định và tạo động lực để nền kinh tế quốc gia phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực