COVID-19 ra sao sau 3 năm WHO tuyên bố đại dịch?

Thứ hai, 24/04/2023 11:21
(ĐCSVN) – 3 năm sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố một đại dịch toàn cầu gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, bất chấp nhiều nỗ lực rút ra bài học về đại dịch. Và thực tế là một số nhà lãnh đạo quốc gia công bố đại dịch đã kết thúc, song COVID-19 vẫn cho thấy nhiều rủi ro đáng kể và dường như dịch bệnh này vẫn chưa lùi về phía sau chúng ta.
 Biến thể mới Omicron với khả năng "siêu lây nhiễm" .

COVID-19 – Đại dịch toàn cầu đặc biệt gây quan ngại

Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi đầu tháng 12/2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã làm thế giới "chao đảo" bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan "thần tốc" của nó. Theo Ủy ban Sức khỏe và Y tế thành phố Vũ Hán, các ca bệnh xuất hiện từ ngày 12 – 29/12/2020.

Ngày 8/1/2020, WHO xác định virus mới cùng họ với virus Corona gây bệnh SARS. Và chỉ 3 ngày sau, ngày 11/1, Ủy ban Sức khỏe và Y tế thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) thông báo ca tử vong đầu tiên do chủng virus Corona mới này. Đó là một người đàn ông 61 tuổi, nhiễm virus tại chợ hải sản và qua đời vào ngày 9/1 sau khi bị suy hô hấp do viêm phổi nặng.

Ngày 13/1/2020, dịch đã lây lan ra ngoài Trung Quốc khi ca bệnh đầu tiên được xác định ở Thái Lan. Ngày 21/1/2020, bang Washington xác nhận ca bệnh đầu tiên trên đất Mỹ. Và ngày 24/1/2020, dịch bệnh COVID-19 cũng đã "gõ cửa" châu Âu với ca bệnh đầu tiên ở Pháp.

Cú sốc về sức khỏe này đã buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) ngày 30/1/2020 và sau nhiều cân nhắc lỹ lưỡng, ngày 11/3/2020, WHO đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng sang nhiều nước trên thế giới. WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới. WHO quan ngại sâu sắc, cả về mức độ lây lan cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, và tình trạng báo động về việc các nhà lãnh đạo thế giới chưa tích cực trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Do vậy, WHO đã quyết định đánh giá COVID-19 mang đặc điểm của một đại dịch.

Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan và đến nay xuất hiện ở hơn 231 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 686 triệu ca nhiễm và gần 6,9 triệu trường hợp tử vong như thống kê của trang worldometers. Sau Trung Quốc, "tâm dịch" của thế giới còn lần lượt gọi tên nhiều nước khác như: Italy, Tây Ban Nha, Anh hay Ấn Độ, Brazil, Mỹ... COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, quốc tịch... Từ trẻ sơ sinh cho tới người cao tuổi, từ những thường dân cho tới những nguyên thủ như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. Và từ các quốc gia nghèo khó ở châu Phi cho tới cường quốc phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu cũng đều phải hứng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

3 năm qua, thế giới liên tiếp chứng kiến 4 làn sóng dịch bệnh COVID-19, tác động mạnh tới mọi mặt đời sống xã hội, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Cũng như các loại virus khác, SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa do sự biến đổi trong bộ gen, tạo ra các biến chủng và biến thể.

Biến thể Alpha (B.1.1.7) xuất hiện tại Anh vào tháng 12/2020, có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng cũ. Biến thể Beta (B.1.351) xuất hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2021, có khả năng lây nhiễm cao gấp 1,5 lần so với biến thể Alpha ở Anh. Biến thể Gamma (P.1) ghi nhận trên khách du lịch từ Brazil vào tháng 1/2021, có khả năng lây lan cao gấp 2,5 lần so với chủng gốc xuất hiện ban đầu.

Và biến thể Delta (B.1.617.2) xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 3/2021, được xếp vào nhóm biến thể của đáng lo ngại vì khả năng lây truyền cao tới 500 lần so với biến thể trước đó. Kể từ khi biến thể Delta xuất hiện cũng là lúc thế giới chạy đua nghiên cứu sản xuất vaccine và tiêm chủng ngừa COVID-19 được bao phủ trên toàn cầu. Hàng tỷ USD đã được đầu tư để nghiên cứu, sản xuất vaccine và vaccine phòng COVID-19 đã được phát triển và đưa ra thị trường trong thời gian nhanh kỷ lục.

Đến tháng 11/2021, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron "siêu lây nhiễm" lại tiếp tục làm “chấn động” thế giới. Trong năm 2022, liên tục xuất hiện các dòng phụ phát sinh từ Omicron, gây ra những làn sóng mắc mới như: BA.4, BA.5, BA.2.75,… Kể từ tháng 6/2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu, tuy nhiên, từ biến thể Omicron, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB – là biến thể tái tổ hợp – được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron. Và dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là thông tin đáng lo ngại!

Kể từ thời điểm WHO tuyên bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu, có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến cụm từ "đại dịch" (pandemic) được các phương tiện truyền thông và người dân sử dụng nhiều đến như vậy. Trong 3 năm qua, COVID-19 đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trên toàn thế giới và buộc con người phải thay đổi cách nhìn nhận, cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, thay đổi hành vi, thói quen của mình… Dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, gây tác hại toàn diện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, cả về chính trị, kinh tế và xã hội, từ cấp vĩ mô đến vi mô, trước mắt cho đến lâu dài.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hệ thống quản lý và chính trị của nhiều quốc gia khi gây ra sự gián đoạn các hoạt động lập pháp, các cuộc bầu cử phải hoãn do lo ngại virus SARS-CoV-2 lây lan. Dịch bệnh cũng khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; giảm cả tổng cầu và tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn dự kiến; cũng như làm tăng khó khăn cho các chính phủ trước áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho đến cả các nước kém phát triển nhất thế giới. Và không thể phủ nhận rằng các chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe là những điều thay đổi nhiều nhất trong đại dịch COVID-19…

 Tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ chúng ta phòng ngừng dịch bệnh, khỏi mắc bệnh nặng và tử vong. (Ảnh: Khánh Linh)

Hy vọng về tương lai đại dịch sẽ kết thúc?

Có thể thấy rằng thế giới chưa bao giờ chứng kiến những nỗ lực tăng tốc phòng chống đại dịch như trong 3 năm vừa qua, ở cả phạm vi từng quốc gia lẫn quy mô toàn cầu. Để ứng phó với đại dịch, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách đóng cửa, kêu gọi giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, cách ly các ca bệnh, kêu gọi rửa tay, khử trùng và tiến hành bảo vệ những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, sự ra đời của nhiều loại vaccine phòng COVID-19 và thuốc điều trị hiệu quả đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch. Với các chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đẩy nhanh tỷ lệ người dân được bao phủ vaccine ngừa COVID-19, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới đã biến động tỷ lệ nghịch với số ca nhiễm mới, chứng minh hiệu quả mà vaccine mang lại đối với cuộc chiến chống COVID-19 là không thể phủ nhận.

Những nỗ lực hợp tác quốc tế được tăng cường hơn bao giờ hết với việc thiết lập nhiều cơ chế đa phương như COVAX giúp phân phối hàng tỷ liều vaccine phòng COVID-19 tới cho các nước nghèo. Bên cạnh đó là việc lập ra các quỹ ứng phó với đại dịch cũng như thỏa thuận nhằm bảo đảm nguồn cung vaccine... Và không thể phủ nhận chính những việc làm này đã củng cố quyết tâm và hành động của mỗi quốc gia trong cuộc chiến chống lại đại dịch, để từ đó đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thế giới đã cùng nhau vượt qua những ngày tháng cam go nhất để khống chế đại dịch, từng bước chuyển hướng sang "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Khi đỉnh điểm của đại dịch qua đi, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bắt đầu nới lỏng những quy định kiểm soát, xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thậm chí, nhiều nước tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sự xuất hiện của biến thể XBB cho thấy rằng thật không may, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, dù tất cả chúng ta đều mong điều đó xảy ra! Nhiều người vẫn đang bị mắc bệnh, nhập viện, và tử vong trên khắp thế giới. Những người bị nhiễm virus, đôi khi không biết mình bị nhiễm, vẫn đang lây cho người khác, trong đó có những người dễ bị tổn thương nhất. Bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm. Và dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là thông tin đáng lo ngại! Và kể cả khi đại dịch COVID-19 qua đi thì nó vẫn gióng lên "hồi chuông" cảnh tỉnh thế giới về tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm.   

Thế giới đã trải qua 3 năm thật dài khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Không thể phủ nhận mong muốn trở lại cuộc sống bình thường của các quốc gia khi thế giới đạt được bước tiến lớn trong chiến dịch tiêm chủng, song thực tế là đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các biện pháp phòng dịch không nên được dỡ bỏ hoàn toàn quá nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

WHO khuyến nghị các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên duy trì đà tiêm chủng; cải thiện việc báo cáo dữ liệu giám sát COVID-19 cho WHO bao gồm việc giải trình tự gien để truy tìm các biến thể mới; tăng cường và đảm bảo sẵn có các biện pháp đối phó với căn bệnh bao gồm vaccine, xét nghiệm và thuốc điều trị; duy trì năng lực ứng phó đối với các làn sóng trong tương lai, tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn, lơ là; tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu vaccine cải tiến; tiếp tục điều chỉnh các biện pháp liên quan đến thông thương quốc tế...

Sau 3 năm, hàng tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho người lớn và trẻ em trên khắp thế giới. Và chúng ta đã có bằng chứng chắc chắn những vaccine này là an toàn và vẫn là một trong những công cụ quan trọng nhất mà chúng ta có, kết hợp với các biện pháp bảo vệ cơ bản khác như rửa tay và đeo khẩu trang, để bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, phần lớn người dân đã hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản từ cách đây một vài hoặc thậm chí là nhiều tháng. Điều này có nghĩa là khả năng miễn dịch của họ với COVID-19 sẽ suy yếu và khả năng bảo vệ họ khỏi bị mắc bệnh nặng sẽ ít đi. Chính vì vậy, cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm phòng và tiêm nhắc lại.

Có thể thấy rằng việc chiến thắng đại dịch chưa bao giờ là một điều dễ dàng và nhanh gọn. Đối với các bệnh truyền nhiễm, việc khống chế và loại bỏ triệt để dịch bệnh lại càng khó và đòi hỏi quyết tâm và sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết. SARS-CoV-2 là một loại virus rất nguy hiểm, không những không tìm ra được nguồn gốc mà còn liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới. Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu, vì vậy, phải được tiếp tục cẩn trọng để không tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại. Trong đó, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là một trong những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm để giảm nguy cơ mắc COVID-19 và bảo vệ bản thân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong, từ đó cũng giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các tác động lâu dài. Thêm vào đó, khả năng phòng thủ và bảo vệ này sẽ tăng lên nếu chúng ta tiếp tục duy trì thực hành một số biện pháp bảo vệ cơ bản, như đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín và đông người; rửa tay thường xuyên; và tránh tiếp xúc với người khác nếu bản thân cảm thấy không khỏe./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực