Sự cố môi trường nghiêm trọng dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung làm cá chết hàng loạt.
(Ảnh: Vietnamnet).
Sự cố môi trường nghiêm trọng dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung thời gian qua thật sự gây chấn động dư luận, để lại hậu quả khủng khiếp, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống không chỉ của ngư dân mà của tất cả những người “ăn theo” nghề biển... Trước sự việc nghiêm trọng này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành nỗ lực ngày đêm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Chính phủ đã tổ chức họp báo, mọi người đã thấy được lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi gập người xin lỗi và chấp nhận bồi thường thiệt hại 500 triệu USD sau sự cố đặc biệt nghiêm trọng này. Thế nhưng, vụ việc vẫn không dừng ở đó, khi chúng ta tiếp tục phát hiện, Formosa đã chôn lấp chất thải độc hại ở nhiều nơi…
Liên quan đến sự việc, ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan, ban ngành, địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu giám đốc các Sở TN&MT, Công Thương, Công an tỉnh, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh xác định trách nhiệm của đơn vị, tổ chức tự kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan này tự nhận hình thức kỷ luật và cấp có thẩm quyền ra hình thức kỷ luật nghiêm theo quy định của pháp luật, gửi Sở Nội vụ và báo cáo tỉnh trước ngày 15/8. Giám đốc Sở Nội vụ được giao đôn đốc, kiểm tra yêu cầu trên, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/8. Tuy nhiên, cho đến ngày 22/8, mới chỉ mỗi Sở TN&MT họp và tổ chức kiểm điểm, các ban, ngành khác chưa tổ chức họp, một số đơn vị xin cho lùi lại.
Sự việc nghiêm trọng là vậy, thế mà đến thời điểm này mới chỉ 1 người tự nhận hình thức kỷ luật là… khiển trách. Còn lại, từ Thanh tra Sở TN&MT, Trung tâm quan trắc Sở TN&MT, …và đặc biệt là Giám đốc Sở TN&MT chỉ tự nhận hình thức kỷ luật…rút kinh nghiệm.
Động thái trên nghe chừng “thấy quen quen”, “đã thành lệ”? Bởi sau những sự việc xảy ra, các cơ quan liên quan lại tiến hành phần việc như đã được lập trình sẵn: Họp rút kinh nghiệm chuyện đã qua và để không lặp lại trong thời gian tới.
Liên quan đến cái gọi là "rút kinh nghiệm", sinh thời, đồng chí Nguyễn Bá Thanh khi còn là Chủ tịch HĐND Thành phố Đà Nẵng đã phải thốt lên làm cả hội trường cười ồ: Có một loại dây rất dài mà không bao giờ rút cho hết, đó là “dây kinh nghiệm”.
Gần đây nhất, vào ngày 16/8, khi phê bình các bộ ngành chậm di dân tái định cư trong dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu không tái diễn tình trạng "nhận sai sót và xin rút kinh nghiệm" năm này qua năm khác. "Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện đúng nghị quyết, không để sợi dây kinh nghiệm rút hoài, kéo dài từ năm này qua năm khác không hết", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Quay trở lại chuyện kiểm điểm của Sở TN&MT, khi nghe đến các hình thức kỷ luật nêu trên, trao đổi với báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường thẳng thắn nhận xét: Sự cố môi trường do Formosa gây nên đã để lại hậu quả quá kinh khủng mà chỉ nói rút kinh nghiệm cho xong là không thỏa đáng với dân...
Nhiều bạn đọc ngạc nhiên thắc mắc, không lẽ vụ ô nhiễm môi trường chấn động gây hậu quả nghiêm trọng là vậy mà người đứng đầu ngành môi trường địa phương chỉ xin “rút kinh nghiệm” thôi sao? Không để cho bạn đọc phải thất vọng, trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phạm Quang Đệ đã lên tiếng: Việc nhận hình thức kỷ luật trên của những người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh Hà Tĩnh là quá nhẹ...
Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phạm Quang Đệ cũng cho biết, sau khi có được bản tự kiểm điểm của các cá nhân, tổ chức liên quan, Sở Nội vụ sẽ làm báo cáo tham mưu gửi UBND tỉnh. Sau đó sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp để xem xét các hình thức kiểm điểm. “Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng cá nhân cụ thể rồi đối chiếu với các nghị định để xem các cá nhân, tổ chức nhận trách nhiệm như thế đã đúng với quy định. Nếu chưa đúng thì sẽ yêu cầu làm lại” - ông Đệ cho biết thêm.
Chúng ta cứ chờ câu trả lời thỏa đáng trong thời gian tới, bởi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm chỉ đạo xử lý nghiêm minh trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường này, bất kể người đó là ai.
Tuy nhiên, từ sự việc này làm dư luận “dậy sóng” văn hóa “rút kinh nghiệm” của đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi ở nhiều nước, những sự cố lớn, nhỏ đều có người đứng ra nhận trách nhiệm, thậm chí nhiều người đứng đầu đã xin từ chức. Còn ở ta, xem ra sợi dây “rút kinh nghiệm” vẫn còn dài lắm và nó đã “ăn sâu”, “bám rễ” vào nhiều lĩnh vực. Vì sao? Vì rút kinh nghiệm rồi để đó, còn tổ chức hay cá nhân vi phạm thì không bị xử lý đến nơi đến chốn nên “nhờn thuốc” và điều gì đến sẽ phải đến...
Nhiều người đặt câu hỏi: Không biết đến khi nào, “sợi dây” rút kinh nghiệm không còn là “bùa hộ mệnh”? Đến khi nào “sợi dây” này mới có thể bị cắt đứt?