Đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản

Thứ năm, 15/02/2024 08:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương, trong năm 2023 vừa qua cũng như trong thời gian sắp tới, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội (NƠXH), góp phần tái cơ cấu thị trường bất động sản (BĐS) theo hướng cân đối, phù hợp hơn. Đồng thời, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn để thị trường BĐS vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phát triển đảm bảo mục tiêu ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với phóng viên trong cuộc trò chuyện đầu Xuân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời phỏng vấn.  

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2023, ngành Xây dựng đã thực hiện được nhiều mục tiêu đề ra, xin Bộ trưởng cho biết, điều gì khiến Bộ trưởng tâm đắc nhất trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2023 là năm đánh dấu hoàn thành nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dù phải đối mặt với những khó khăn chung nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đoàn kết, nỗ lực của toàn ngành, chúng tôi đã vượt qua khó khăn thách thức và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó phải kể đến là: công tác xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi thông thoáng hơn cho người dân doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội thông qua Luật nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi...

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang khẩn trương dự thảo các văn bản hướng dẫn dưới Luật, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực đồng bộ với Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 ngay khi có hiệu lực thi hành.

Trong năm 2023, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành đã thông qua và ban hành nhiều Luật, Nghị định, Thông tư…, tạo thuận lợi cho phát triển nhà ở và thị trường BĐS như: Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn…

Cũng trong năm qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021, với nội dung chính là sửa đổi quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH trên cơ sở quy hoạch phân khu và quy hoạch chung được duyệt, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án NƠXH, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lựa chọn chủ đầu tư.

Mới đây nhất, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra vào trung tuần tháng 01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là những quy định pháp luật rất quan trọng sẽ tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Với hệ thống quy định mới này, với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, trong năm 2023 vừa qua, cũng như trong thời gian sắp tới, chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở, nhất là NƠXH, góp phần tái cơ cấu thị trường BĐS theo hướng cân đối, phù hợp hơn. Đồng thời, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn để thị trường BĐS vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, phát triển đảm bảo mục tiêu ổn định, lành mạnh, bền vững.

Năm 2023, toàn ngành cũng tích cực thực hiện rà soát đơn giản hóa, cắt giảm quy định kinh doanh và là cơ quan hoàn thành tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị kiểm tra dự án NƠXH tại huyện Mê Linh (Hà Nội).  

PV: Như chia sẻ của Bộ trưởng, một trong những dấu ấn quan trọng trong năm qua đó là việc Bộ Xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Xin Bộ trưởng cho biết, đến nay việc triển khai đầu tư phát triển NƠXH có đạt tiến độ mục tiêu không và cần làm gì để Đề án được thực hiện đúng tiến độ, yêu cầu đề ra trong giai đoạn tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Như đã đề cập, đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, ngày 11/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tái cơ cấu thị trường BĐS, đảm bảo thúc đẩy nâng cao tỷ trọng NƠXH và nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới minh bạch, cân đối cung cầu thị trường.

Nghị quyết cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại.

Ngay sau đó, ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án) với các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể để các Bộ, ngành và địa phương bám sát và quyết liệt triển khai thực hiện.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 371 dự án NƠXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 191.300 căn, với tổng diện tích khoảng 9,6 triệu m2.

Riêng trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Đề án, cả nước đã có 495 dự án NƠXH với quy mô gần 403.000 căn, trong đó đã hoàn thành 70 dự án với quy mô gần 35.600 căn; Khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô gần 107.900 căn; Chấp thuận chủ trương đầu tư 298 dự án với quy mô hơn 259.400 căn.

Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn khoảng 28.000 tỷ đồng. Một số dự án NƠXH tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 180 tỷ đồng.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1 triệu 062.200 căn NƠXH, riêng giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Tuy nhiên, để thực hiện đúng mục tiêu Đề án đã đặt ra tới năm 2030, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ Đề án đã đề ra; đẩy mạnh rà soát, phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án NƠXH.

Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương và Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án NƠXH, kịp thời đảm bảo nhu cầu tín dụng để giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. 

PV: Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành những mục tiêu đề ra, trong năm 2024, ngành Xây dựng sẽ có những giải pháp nào để tạo được những đột phá mới?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2024, Bộ Xây dựng xác định sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Trọng tâm, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn để thực hiện Luật nhà ở sửa đổi (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mà Quốc hội vừa thông qua. Tập trung hoàn thành trình quy hoạch dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát sửa đổi bổ sung pháp luật có liên quan.

Thứ hai, Bộ Xây dựng sẽ tập trung cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị, trong đó, tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Trong công tác quy hoạch, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Thứ ba, năm 2024, Bộ sẽ tiếp tục tập trung cho công tác quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó, tập trung cho phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân và thực hiện cải tạo chung cư cũ. Bộ sẽ tăng cường đôn đốc, triển khai hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường Bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.

Năm 2024, được tiếp tục dự báo sẽ là một năm có nhiều khó khăn đối với ngành Xây dựng. Trong bối cảnh đó, thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi rất mong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng tiếp tục phát huy truyền thống, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cho ngành Xây dựng phát triển xứng đáng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong giai đoạn mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn!

Song Nguyễn (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực