Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, đến ngày hội của làng báo là mấy anh em trong nghề báo lại tụ họp. Phần thì hoan hỉ với nhau. Phần thì mỗi người đưa ra vài câu chuyện gọi là “nhặt sạn” để cùng nhau rút kinh nghiệm trong nghề cho vui vẻ. Tất nhiên là mỗi năm gặp nhau đều có những câu chuyện “sạn” to hoặc bé. Nhưng năm ấy, chúng tôi cứ nhớ mãi và suy ngẫm nhiều xoay quanh câu nói của một nhà báo lão thành nổi tiếng trong nghề: “Làm báo hay hoặc nổi tiếng lại là một chuyện, nhưng để giữ nghề, các cậu cần khắc cốt ghi tâm bốn chữ - đó là đăng hay không đăng”.
Chẳng là thế này, hôm đó, khi đã nhâm nhi vài cốc bia hơi, trong cảm giác lâng lâng ngày kỷ niệm 21-6, anh bạn thân làm Tổng biên tập một tờ báo có đến hơn chục năm, cao hứng bùi ngùi, thật thà nói hết ruột gan: - “Nói thật với các ông, tôi cũng bị nhiều phen điêu đứng, suýt treo bút vì cái tội đáng ra không phải tội. May mà chỉ bị khiển trách, vì không cố ý, tức là chỉ là do lơ là, “quá tôn trọng khâu biên tập của cấp dưới”.
-“Thế tội gì mà ghê gớm vậy ông?”. - “Khổ quá. Hôm đó, tôi duyệt bài phóng sự phanh phui về tội tham nhũng ở một huyện K. Chuyện tham nhũng ở đó là có. Nhưng nhiều chi tiết nói quá lên. Một vài người liên quan ở cấp tỉnh chưa thật rõ cũng liệt kê trong bài báo. Thế là mấy ông ở tỉnh đó cho là bài báo đó có dấu hiệu “đánh hội đồng”. Vì trước đó một vài tờ báo khác cũng đăng vụ tham nhũng này. Thế là tôi bị kiểm điểm “lên bờ xuống ruộng”. Thật thấm thía. Giá như tôi không quá cả tin anh em cấp dưới và đọc cẩn trọng rồi mới quyết định đăng thì câu chuyện khiển trách của tôi đã chẳng xảy ra”.
Nghe xong câu chuyện trên, một ông bạn khác cũng làm Tổng biên tập ở một tờ báo điện tử chen vào: - “Tôi cũng nhiều phen hết hơi khi quyết định đăng hay không đăng những bài “nhạy cảm”. Thật ra thì khi gặp những “ca khó” như vậy thường phải “hội chẩn”, mời anh em trong tòa soạn, thậm chí có bài phải xin ý kiến tư vấn của chuyên gia. Vì dù có đắn đo mất ngủ vài đêm, nhưng đôi khi trình độ của mình có hạn hoặc mình cũng chưa nghĩ hết được độ lan tỏa tích cực hay tác động tiêu cực của bài báo khi đến với công chúng nên không thể tùy tiện cho đăng. Thực ra va vấp thì cũng nhiều. Có lần tôi cũng chủ quan, cho đăng một bài báo khá nhạy cảm. Rất may là dù bị kiểm điểm nhiều lần, nhưng ảnh hưởng của bài đó chưa đến mức bị xem xét kỷ luật. Nhưng tôi nhớ mãi, một lần tôi quyết định không cho đăng một bài báo, chấp nhận số lượt người truy cập bị tụt giảm lớn, vì thời điểm ấy có nhiều báo bạn đăng bài dạng này. Và ngay ngày hôm sau thì một số tờ báo điện tử buộc phải gỡ bỏ bài báo này, vì vụ bằng giả, chạy chức của một cán bộ lãnh đạo cấp sở của tỉnh đó không đúng sự thật. Mà thực chất là do một vài người lợi dụng tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở sở đó để vu cáo, đục nước béo cò, hòng ngoi lên vị trí lãnh đạo”.
Và cuối cùng thì ông bạn nhà báo già nhất hội có đến gần 20 năm thâm niên thư ký tòa soạn ở một tờ báo vốn kiệm lời nhưng luôn đưa ra những ý kiến gọi là “chốt hạ”: - “Đúng là khó thật! “Sạn nhỏ” thì chẳng qua là tai nạn nghề nghiệp như “chuyện thường ngày ở huyện” của người làm báo. Nhưng “sạn to” đến mức bị cấp trên kỷ luật mới là điều đáng suy ngẫm. Thực tế đã có những nhà báo là lãnh đạo cơ quan báo chí cả đời cống hiến, thành tích đầy mình nhưng đã phải trả giá, ngồi tù chỉ vì những tội không cố ý, do buông lỏng công tác quản lý, đọc duyệt nội dung”.
Cái cần nhất của những người làm lãnh đạo cơ quan báo chí thời làm báo hiện đại hiện nay là bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh ở đây là việc anh quyết định đăng hay không đăng những bài báo quan trọng, nhạy cảm. Tức là anh phải có đủ độ nhạy chính trị, đủ năng lực phân tích cái lợi, cái hại nếu bài báo đó được quyết định đăng. Cái khó của nhà báo, người lãnh đạo cơ quan báo chí là ở chỗ, nhiều khi có không ít tin, bài đăng không hẳn sai luật nhưng lại vi phạm kỷ luật phát ngôn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, của cộng đồng. Thực tế ở nhiều tòa soạn báo hiện nay, số lượng phóng viên mới vào nghề đông, họ hăng hái tích cực, xông xáo, sức viết rất tốt và lượng bài đương nhiên là rất nhiều. Nhưng do khả năng thực tiễn, kinh nghiệm nghề nghiệp “độ nhạy” còn hạn chế nên không ít những bài viết còn “hồn nhiên”, ít quan tâm đến đối tượng bạn đọc chứ chưa nói gì đến cái lợi, cái hại của bài báo. Một số phóng viên trẻ đã không giữ được mình, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, bẻ cong ngòi bút chỉ vì tiền... Vì thế, khâu thẩm định, biên tập đối với những bài báo của những phóng viên trẻ phải rất được chú trọng. Chỉ cần lơ là, “tặc lưỡi” cho đăng sẽ gặp tai họa như chơi. Thẩm định, biên tập tốt là cơ sở quan trọng để người đứng đầu cơ quan báo chí quyết định đăng hay không đăng những bài báo quan trọng như đã kể trên.
Nêu lại câu chuyện nhỏ trên trong dịp kỷ niệm ngày báo chí năm nay, để thấy rằng bốn chữ “đăng hay không đăng” của nhà báo lão thành nói về bản lĩnh chính trị của người làm báo thật chí lý! Rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị luôn luôn trở thành nhiệm vụ thường xuyên của người làm báo. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: “Đội ngũ những người làm báo cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, mọi sự cám dỗ, có đủ dũng khí, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, bám sát thực tiễn, để có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, hay, thuyết phục, cuốn hút công chúng, xứng đáng là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng như Bác Hồ đã căn dặn”./.