|
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Đầu tư nguồn lực để chấm dứt bệnh lao, cứu sống nhiều người). Ảnh: PAHO |
Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, số ca tử vong do bệnh lao tăng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao. Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu của WHO – bà Tereza Kasaeva cho biết, số ca tử vong vì bệnh lao đã tăng lần đầu tiên vào năm 2020 sau hơn một thập kỷ và tình hình "tiếp tục có vẻ ảm đạm". Trong đó, riêng khu vực châu Mỹ, bệnh lao đã cướp đi sinh mạng của hơn 3000 người trong năm 2020.
Theo báo cáo năm 2021 của WHO, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.
Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020. Ấn Độ, Indonesia và Philippines là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao và 214.000 ca ở những người dương tính với HIV. Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao, kể cả lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.
Đầu tư nguồn lực để chấm dứt bệnh lao, cứu sống nhiều người
Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao, đó là trực khuẩn lao. Đó là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa bệnh lao.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Đầu tư nguồn lực để chấm dứt bệnh lao, cứu sống nhiều người). Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.
Theo WHO, việc đầu tư lớn vào nghiên cứu COVID-19, mang lại các loại vaccine và phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, có thể là nguồn cảm hứng cho cuộc chiến chống lại bệnh lao. Bởi vậy, tổ chức này nhấn mạnh cần đầu tư khẩn cấp để phát triển, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ, cũng như công cụ cải tiến mới nhằm ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, đặc biệt là bào chế các loại vaccine mới phòng lao. Theo WHO, có như vậy mới có thể cứu sống thêm hàng triệu sinh mạng mỗi năm, cũng như thu hẹp bất bình đẳng và giảm đáng kể các thiệt hại về kinh tế.
Bà Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình phòng chống lao toàn cầu của WHO cho biết, vaccine BCG phòng lao đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Do vậy, một vaccine mới sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiện có 9 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu và phát triển cùng một loại vaccine mRNA khác đang được điều chế.
Bà Kasaeva cho biết thêm ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc phát triển vaccine phòng lao và nếu được đầu tư đúng mức và kịp thời, nhiều khả năng sẽ có ít nhất một vaccine phòng bệnh này ra đời trước năm 2025. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thế giới hiện cần thêm khoảng 1,1 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh lao.
Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia: “COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao".
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao./.