Untitled 1
Theo quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là Ngày Pháp luật vì vào ngày này cách đây 67 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời được coi là một dấu ấn, một điểm nhấn quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, qua đó góp phần xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Đồng thời, việc tổ chức Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục, xây dựng ý thức pháp luật, niềm tin, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Qua 10 năm, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật đã và đang trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng.
|
Mô hình “quán cà phê pháp luật” ở Cần Thơ. Ảnh: phapluatplus.vn |
Không chỉ còn đóng khung trong những hội thảo, tọa đàm, sách giới thiệu, pháp luật đã thẩm thấu vào đời sống qua những chuyến “chở pháp luật" về cơ sở, qua những “tiết học pháp luật” hay “quán cà phê pháp luật”, qua những cuộc trợ giúp pháp lý miễn phí tại phiên chợ vùng cao và sinh hoạt Câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ với pháp luật hay gần đây nhất là những Cuộc thi sáng kiến, mô hình, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hình thức phù hợp, thiết thực trên phạm vi cả nước, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống…
Điều này càng được minh chứng khi ngày nay người dân không chỉ dừng ở mức độ biết, hiểu pháp luật, mà đã tự giác hơn trong vấn đề tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cho xã hội. Cùng với đó, tính kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ đã được nâng lên. Vấn đề thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Ngày Pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đáng chú ý, việc chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân thời gian qua còn chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, nhất là loại tội phạm liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội như: cưỡng dâm, giết người, giết người thân, ma tuý; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet… có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội. Nghiêm trọng hơn, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, những người làm công tác quản lý, hoạt động trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là một thách thức không nhỏ trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay!.
Phát biểu tại buổi Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu, tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược.
“Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đây là hai mặt của một quá trình thống nhất”. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong truyền truyền PBGDPL tại Lễ hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam 2022. Ảnh: TH |
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, muốn “đưa pháp luật vào cuộc sống” thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, phải “đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất, công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở. Phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Từ đó sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp, đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với yêu cầu của bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cần chú trọng, đổi mới đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng, nhất là giới trẻ, tăng cường trao đổi để thực sự nắm bắt được người dân, doanh nghiệp đang cần gì, có khó khăn, vướng mắc ở đâu để giải quyết “trúng”, đúng”, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khi rất nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội như Zalo, Facebook… thì đây cũng là kênh để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng, thuận tiện hơn, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải chủ động, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng pháp luật; hiểu rõ hơn về những mặt trái, nguy cơ của không gian mạng, những loại vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên môi trường mạng, để nhận biết; phòng, tránh cũng như phát hiện, kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của bản thân và cộng đồng.
Ở đây, việc phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, chấp hành pháp luật; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong tuân thủ, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.
Có thể thấy, trong một xã hội dù ở bất kỳ vị trí nào hay ở nơi đâu thì mọi cá nhân, tổ chức đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thượng tôn pháp luật đóng vai trò quan trọng, không chỉ vì lợi ích của mình, mà vì lợi ích của toàn xã hội.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người dân bằng những hành động cụ thể, hãy chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành động, trách nhiệm của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Như vậy, Ngày Pháp luật sẽ đồng hành với người dân, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để 365 ngày trong một năm đều là Ngày Pháp luật !./.