Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm... đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua. Ngay trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 cũng thẳng thắn nhìn nhận, một trong những hạn chế, khó khăn trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là “một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền”.
Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong 1,5 ngày (chiều 31/10 và cả ngày 1/11) thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
|
Phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11 |
Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh yếu tố con người là quan trọng nhất, đây là nguyên nhân căn cơ để đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan tác động đến hạn chế này.
Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, theo đại biểu, Chính phủ đã rất cố gắng để nghiên cứu và ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
|
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (Nguồn: vtvgo.vn) |
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nghị định không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật. Trong khi các vấn đề quy định về quyền hạn, trách nhiệm miễn trừ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định trong các văn bản luật khác như Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Dân sự, Luật Hình sự... Chính vì vậy, theo đại biểu Nghị định 73/2023/NĐ-CP sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, vị nữ đại biểu đoàn Kiên Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sớm sửa đổi pháp luật để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, theo đại biểu, điều cần làm trước tiên là phải sửa đổi Luật Công chức và Luật Viên chức.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) |
Ở góc nhìn khác, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đặt vấn đề, tại sao trong triển khai thực hiện còn vướng mắc nhiều, nhất là đầu tư công, cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, không dám làm.
Đại biểu đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật, nhưng có một vấn đề quan trọng là chính sách, pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu luật có những vấn đề chưa thực sự thống nhất, dẫn đến cán bộ hiểu luật theo một cách nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu một theo một cách khác.
Vị đại biểu đoàn Quảng Nam dẫn ví dụ về xác định giá trị đất đai trong các vụ việc sai phạm, có trường hợp xác định giá trị ở thời điểm khởi tố vụ án, nhưng cũng có quan điểm cần xác định thất thoát tại thời điểm xảy ra vụ việc. Chánh án TAND tối cao cũng từng trả lời tại Quốc hội rằng xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng có vụ xác định tại thời điểm khởi tố và “sau mấy năm giá trị đất đã khác”.
“Có vụ án lúc đầu xác định thiệt hại 4 nghìn tỷ đồng, sau đó còn hơn 1 nghìn tỷ đồng. Có vụ ở TP Hồ Chí Minh ban đầu hơn 1 nghìn tỷ đồng nhưng về sau còn hơn 200 tỷ đồng. Việc xác định giá trị tại thời điểm nào cũng là một trong những nguyên nhân, yếu tố làm cho cán bộ sợ, không dám làm” – đại biểu Tạ Văn Hạ nói. Đồng thời đề nghị khi rà soát đánh giá văn bản pháp luật có chồng chéo, bất cập hay không cần làm rõ câu chuyện làm sao để cách hiểu thống nhất.
Phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”
Tranh luận trong phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đồng tình với ý kiến cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa nhưng cho rằng cần xem xét kĩ và có cách làm khác đối với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm.
Đại biểu nhắc lại vấn đề từng nêu tại kỳ họp trước là phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật; không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý, đến phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc “giơ cao, đánh khẽ”.
|
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh). |
Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023/QH15 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ ta an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, thực tế luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Do đó, cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Đại biểu cho rằng điều này sẽ đáp ứng yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất tiềm lực phát triển đất nước.
“Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, đại biểu nhấn mạnh./.