Để Tết an toàn, trọn vẹn!

Thứ ba, 17/01/2023 16:50
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để có một cái Tết an toàn, trọn niềm vui, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ là những nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm ngay trong thời điểm này.
Những ngày giáp tết Nguyên đán, mật độ giao thông trên khắp trung tâm Hà Nội tăng cao.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, chắc chắn ai trong mỗi chúng ta di chuyển nhiều hơn từ về quê với gia đình, đi mua sắm tết, thăm thú bạn bè, ngao du ngắm cảnh… Nhịp sống càng hối hả, lượng người đổ ra đường càng nhiều hơn. Vì thế, tình hình trật tự an toàn giao thông cũng trở nên phức tạp hơn và kéo theo đó là những trăn trở, lo ngại về nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng.

Thực tế cho thấy rằng, cứ sau mỗi kỳ nghỉ lễ, nhất là Tết Nguyên đán, con số thống kê về số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương do TNGT mà ngành chức năng đưa ra luôn khiến nhiều người phải giật mình, xót xa. Đơn cử như dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29/1-6/2/2022), toàn quốc xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông làm 121 người chết, 138 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.723 trường hợp vi phạm.

Gần đây nhất, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 (từ 31/12/2022 đến 2/1/2023), cả nước cũng đã xảy ra 83 vụ TNGT, làm chết 50 người, bị thương 51 người; tăng cả số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, trong 5 ngày Tết Canh Tý 2020 xảy ra 138 vụ TNGT làm 102 người chết, 108 người bị thương; 7 ngày Tết Tân Sửu 2021 xảy ra 182 vụ TNGT làm 109 người chết và 123 người bị thương…

Điều đáng nói là những con số thống kê này cũng chưa phản ánh hết về thực trạng an toàn giao thông. Bởi, đây mới chỉ là những vụ TNGT nghiêm trọng, còn những vụ tai nạn nhẹ hay va quệt chưa được tính đến.

Mẫu số chung của hầu hết các vụ TNGT này vẫn là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Đó là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, đi ngược chiều, không quan sát, không chấp hành quy định về tốc độ…

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông luôn diễn ra phức tạp, nan giải. Đây là vấn đề đáng lo ngại, có thể dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng. Bởi theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, bia rượu là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến việc sử dụng bia rượu. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị cơ quan chức năng xử lý. Đáng nói là số liệu này đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm giáp Tết và kể cả dịp lễ hội đầu xuân cũng rất có nguy cơ.

Hậu quả do tai nạn giao thông gây ra hẳn ai cũng có thể thấy rõ, đó là những thiệt hại không gì bù đắp được về sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Nhiều gia đình đã không có được một cái Tết đoàn viên trọn vẹn khi mãi mãi mất đi người thân hay phải nhập viện điều trị vì TNGT. Nhiều người phải mang theo thương tật suốt đời, không còn khả năng lao động cũng do TNGT. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn, túng quẫn vì chi phí chữa trị cho nạn nhân giao thông tốn kém, rồi không còn người lao động… Những nỗi đau, gánh nặng đó không chỉ của riêng các gia đình mà là của toàn xã hội.

Đáng nói, những cảnh báo về an toàn giao thông liên tục được ngành chức năng từ cấp cao nhất như Thủ tướng Chính phủ cho tới lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành liên quan đưa ra thường xuyên. Cụ thể như năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19-12-2022 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội xuân 2023. Trong công điện, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, địa phương vận động người dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh hướng dẫn của lực lượng chức năng, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông. Chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định…

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; tăng cường phân luồng, điều tiết giao thông; kiểm tra, xử lý các vi phạm…

Như đã nói ở trên, bia rượu là một nguyên nhân quan trọng gây TNGT, bởi thế lâu nay các cơ quan chức năng, báo chí đã có khá nhiều thông điệp mang tính cảnh báo như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”…, tuy nhiên với một số người dường như đây chỉ là những khẩu hiệu suông vì họ …chưa thấy sợ!

Chính vì vậy, để giữ gìn sự bình yên cho mọi gia đình và xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, phạt thật nặng, tới mức người bị phạt sợ không dám tái diễn hành vi vi phạm; người bên ngoài nhìn vào rút ra bài học cho chính mình là cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật giao thông. Đặc biệt là “nói không” với mọi trường hợp can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Để giảm thiểu TNGT, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì hơn hết mỗi người dân cần nâng cao tinh thần, ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Từ đó, con đường về nhà, đi du xuân Quý Mão là con đường của những tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải nơm nớp nỗi lo TNGT./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực