Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trồng cây tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân,
Khu di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh có tính chất minh họa: Xuân Chường)
Sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Người đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun trồng một cây đa. Từ đó, Tết trồng cây trở thành mỹ tục của dân tộc mỗi độ tết đến xuân về. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại và hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển. Gần 60 năm qua, cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào này đã thành những cây cổ thụ, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho mọi miền Tổ quốc.
Xuân Mậu Tuất năm nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Bắc Kạn, địa phương giàu truyền thống cách mạng. Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh: việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược nhất là khi biến đổi khí hậu đang diễn ra trầm trọng như hiện nay. Chủ tịch nước kêu gọi mọi người dân trong xã hội tích cực tham gia trồng cây gây rừng vì cuộc sống hôm nay và tương lai. Hưởng ứng phong trào, các địa phương, ngành, các cấp đã tích cực tổ chức lễ hưởng ứng ra quân trồng cây mừng xuân, nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại. Hàng vạn cây xanh được trồng, được tuyên truyền, khiến phong trào trở nên rầm rộ. Việc trồng cây cũng được nghiên cứu, lựa chọn cho phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cả văn hóa của từng vùng. Rồi việc trồng cây cũng chú ý hơn đến mỹ quan, tạo quang cảnh đẹp đẽ, có ý tưởng cho những vùng đất mới được trồng.
Tuy nhiên, thực tế Tết trồng cây những năm qua cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Trồng cây vì ý nghĩa thực sự của cây hay vì thành tích, phô trương? Trồng cây lớn hay nhỏ, vì sao trồng; kế hoạch trồng, chăm sóc và đánh giá kết quả thế nào?
Quay trở lại với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm câu trả lời. Người nhắc nhở: Phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người căn dặn: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”. Người nhận định: “Nơi nào mà cấp bộ Đảng từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm...), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên nhi đồng thì nơi đó phong trào tết trồng cây phát triển tốt”[2]. Như vậy, trồng cây cần có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng; cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, gắn trồng cây với phát triển kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với xây dựng đời sống nhân dân. Trồng cây, không phải trồng ồ ạt, thích cây gì trồng cây ấy, to nhỏ không cần quan tâm mà trồng cây có độ tuổi phù hợp, chăm sóc lâu dài để cây phát triển tự nhiên.
Trong các dịp Tết trồng cây nhiều năm qua, có những nơi người ta trồng cây cổ thụ, cây to. Họ đã chuyển cây từ nơi khác đến trồng nơi mong muốn, như cây lưu niệm. Cây được trồng có khi không sống được đến mùa phát động năm sau; cây được trồng có khi quý hiếm đến độ phải cử người ngày đêm trông coi phòng trộm; có cây đến cả chục năm tuổi; cây trồng xong quên cả chăm sóc… Những việc làm ấy đã làm mất đi giá trị tốt đẹp khởi thủy của Tết trồng cây, thậm chí làm méo mó chủ trương trong tư tưởng, tầm nhìn sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc làm rất có ý nghĩa này.
Từ việc trồng cây lại nghĩ đến quy hoạch đô thị. Trồng cây để mang lại bóng mát hay cảnh quan tính bằng chục năm nhưng việc chặt cây chỉ diễn ra trong một ngày. Quy hoạch lại đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu, lợi ích mang lại không thể đong đếm được.Trong quá trình ấy, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, mất mát. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển đô thị cũng cần có lộ trình, có kế hoạch, đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo vệ môi sinh hướng tới phát triển bền vững.
Thiết nghĩ, cần có một chiến lược quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn trên phạm vi cả nước, trồng theo kế hoạch, trồng đâu được đấy, đúng số lượng, chủng loại, quy cách, thổ nhưỡng, vừa đảm bảo môi trường vừa có hiệu quả kinh tế ..., để Tết trồng cây thực sự có ý nghĩa trong mỗi dịp xuân về./.
[1]Báo Nhân Dân số 2082, ngày 28/11/1959
[2]Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.357