Để tiết kiệm trở thành quốc sách!

Thứ năm, 12/08/2021 12:10
(ĐCSVN) - Khi việc tiết kiệm chưa trở thành ý thức và lối sống của mỗi một công dân, cán bộ thì mọi kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí cũng chỉ mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 18/2021/QH15, trong đó quyết nghị thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.

Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội bố trí thời gian để nghe trình bày Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ và hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Động thái này cho thấy tầm quan trọng của công tác này. Quyết tâm của Quốc hội trong công tác giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các ý kiến đại biểu Quốc hội chỉ ra, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, lãng phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

leftcenterrightdel
 Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ và tăng vốn. Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn.

Cử tri, người dân không khỏi xót xa, bức xúc trước nhiều dự án, công trình ngàn tỉ được đầu tư xây dựng từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân nay để hoang hóa, dở dang, kém hiệu quả, thậm chí có dự án 26 năm vẫn nằm trên giấy, dự án 10 năm vẫn là khu đất trống. Các công trình chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện và hoàn thành dẫn đến gây lãng phí không nhỏ về mặt tài chính, kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, các cơ quan, đơn vị…

Hay một lãng phí không nhỏ, đó là lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp. Đó là chưa kể tới lãng phí thời gian, ngân sách nhà nước khi phải trả tiền lương cho một số đội ngũ cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’’, lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ. Quả thật sự lãng phí này là rất khó định lượng, đong đếm…!

Mặc dù thời gian qua Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kiên trì công tác phòng chống tham nhũng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhưng dường như chống lãng phí so với chống tham nhũng còn hạn chế hơn nhiều.

Tuy Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí sửa đổi có hiệu lực được hơn 7 năm, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực. Luật quy định trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng lãng phí nhưng theo phản ánh của một số đại biểu Quốc hội “chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí”. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong việc thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực tế cho thấy, tham nhũng thì có thể "điểm mặt, chỉ tên" và bị coi là tội phạm nhưng lãng phí thì lại rất vô hình, khó định lượng, dường như chỉ bị coi là khuyết điểm, trong khi lãng phí đáng lên án, nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền và đặc biệt là công tác giáo dục về ý thức, về trách nhiệm trong việc là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, việc tiết kiệm, chống lãng phí phải được nâng lên thành ý thức và thành lối sống của con người, phải đưa vào các nghị quyết ở cấp độ như là một quốc sách, điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay của rất nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên trước hết hãy là những người nêu gương đầu tiên từ trong những việc nhỏ nhất trong cuộc sống của mình

Đi cùng với đó, hoàn thiện thể chế theo hướng chặt chẽ, khả thi hơn, phân công phân cấp rõ ràng, chú trọng tiết kiệm thời gian và nâng cao năng lực cán bộ cũng là một giải pháp hữu ích cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ở đây, Quốc hội thông qua công tác giám sát tối cao cần làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ “địa chỉ” trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp “trúng” và “đúng” nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”.

Tiết kiệm, chống lãng phí đã được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Vấn đề này cần hết sức được coi trọng trong việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện quyết tâm và quyết liệt hơn nữa. Chỉ khi tiết kiệm, thực hành chống lãng phí trở thành quốc sách, ý thức của cả dân tộc, lối sống văn hóa, đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội, thì công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí mới thực sự đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao, không trở thành "vật cản" kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây bức xúc cho nhân dân./.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực