Điều cần hơn cả!

Thứ năm, 07/03/2024 09:40
(ĐCSVN) - Phụ nữ cần sự tôn trọng, yêu thương và chia sẻ trách nhiệm thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ “bù đắp” cho những vất vả lo toan quanh năm bằng sự tôn vinh, quan tâm đặc biệt trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Mùng 8/3 năm nào cũng vậy, bình đẳng giới vẫn luôn là câu chuyện được mọi người nhắc đến rất nhiều.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới (trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị) thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận là bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ phụ nữ làm công nhân kỹ thuật và phụ nữ kiếm được 81,4% thu nhập kiếm được ước tính của nam giới. 

Những con số trên cho thấy, phụ nữ đang được xem trọng và trao cơ hội phát huy khả năng như nam giới. Thế nhưng ở một khía cạnh nào đó, liệu có phải xã hội đang đòi hỏi ở phụ nữ lớn hơn đàn ông?! Phụ nữ vẫn bị trói buộc bởi những định kiến nặng nề phải chu toàn việc nhà, chăm sóc chồng con, phải cơm dẻo canh ngọt, “giữ lửa” ấm gia đình… Việc gắn tiêu chuẩn kép “giỏi việc nước, đảm việc nhà” lên vai người phụ nữ có thể cần được xem xét lại. Dường như, điều này là sợi dây vô hình kéo người phụ nữ “gồng” mình hy sinh hơn nữa để vừa xuất sắc ở cơ quan, vừa tròn trách nhiệm nội trợ chăm sóc gia đình, khiến gánh nặng trên vai người phụ nữ càng thêm trĩu nặng.

Ảnh minh hoạ 

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Song bình đẳng giới thực chất không có nghĩa là phụ nữ phải làm được những gì nam giới làm được, cũng không phải là lời khẳng định phụ nữ không thua kém cánh đàn ông nào. 

Bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng phụ nữ hay cho riêng bất cứ một cá nhân nào. Nam hoặc nữ đều có thể tự do lựa chọn bất cứ công việc gì phù hợp với khả năng của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội mà không có sự phân định rõ ràng cho một giới nào khác. Người phụ nữ có thể tự thoải mái quyết định mình thích cái gì, chứ không phải là làm theo những điều mà người ta thích phụ nữ làm. Họ có thể lựa chọn ở nhà làm nội trợ nếu thích, nhưng nếu họ lựa chọn làm việc, theo đuổi sự nghiệp của mình cũng cần được trân trọng và ủng hộ.

Xoá nhoà bất bình đẳng giới đòi hỏi cần gạt bỏ những định kiến “đàn ông phải thế này”, “đàn bà phải thế kia”. Bình đẳng giới thực chất có được khi cả đàn ông và phụ nữ cùng chia sẻ trách nhiệm giới với nhau. Sự thay đổi bắt đầu từ việc người phụ nữ cần tự “cởi trói” khỏi những định kiến trong chính suy nghĩ của chính mình. Phải xác định được rằng mình có quyền theo đuổi ước mơ, khẳng định giá trị bản thân; không thể gánh hết việc gia đình mà cần có sự san sẻ, hỗ trợ của nam giới, người chồng… Nam giới hãy thay đổi quan niệm, suy nghĩ và có hành động thiết thực, tự giác san sẻ việc nhà với người phụ nữ trong gia đình. Chỉ như vậy, những người mẹ, người vợ mới không phải “gồng” mình lên để thực hiện tiêu chuẩn kép “hai giỏi”, để có thêm thời gian để thư giãn, học tập, phấn đấu hơn trong sự nghiệp.

Thật đáng trân trọng vì phụ nữ trên toàn thế giới có riêng một ngày kỷ niệm. Song nhiều ý kiến của chính chị em lại cho rằng không nhất thiết phải tổ chức các hoạt động chào mừng rầm rộ, ồn ào bề nổi. Khoa trương quá lại thành ra nặng nề hình thức, cũng chẳng khác nào chị em khẳng định mình cần được đối xử đặc biệt. Tặng hoa, quà, những lời chúc ngọt ngào chân thành… là hành động đẹp, chị em phụ nữ rất trân quý. Không hoa, không quà thì chị em cũng không phiền lòng. Bởi đã đòi bình đẳng thì đừng chờ đợi được tặng quà, được tôn vinh, quan tâm hơn trong một ngày... 

 Và phụ nữ ngày nay đã độc lập, tự tin và bản lĩnh hơn nhiều, biết tự tạo niềm vui và có thể tự thưởng cho bản thân trong bất cứ ngày nào. Điều phụ nữ cần hơn cả chính là tôn trọng, sẻ chia trách nhiệm từ phía nam giới cả 365 ngày trong năm, chứ không phải dành sự tôn vinh, quan tâm đặc biệt chỉ trong Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 để bù đắp cho những vất vả lo toan hàng ngày./.

 
Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực